Những làng chài trên 2 dòng sông
Mới đó mà đã 18 năm, mảnh đất Na Hang được xem là cao nhất xứ Tuyên mọc lên hồ thủy điện cao, rộng lớn mênh mông đẹp như tranh vẽ. Thời điểm khi mới ra đời, thủy điện Tuyên Quang là niềm tự hào không chỉ của riêng người xứ Tuyên mà của ngành điện cả nước.
Lòng hồ mênh mông trở thành nơi neo đậu, mưu sinh của những con người mới. Lúc đầu là một vài người, rồi theo thời gian thành những hộ gia đình, rồi chòm xóm nhỏ. Những phận người cứ bám vào nhau cùng vượt qua sóng gió của sông nước mênh mông mà tồn tại với đời. Và lòng hồ mênh mông bỗng hóa thành làng của những con người ấy. Một làng xóm rất mới, rất khác biệt với những làng quê sống trên sườn núi, lưng đồi của huyện vùng cao Na Hang - Làng vạn chài.
Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Na Hang, là người Tày chính gốc ở Na Hang. Anh là người Đà Vị. Anh tự hào vì quê anh có khoảng đất nối liền 2 hồ lớn của vùng núi chiến khu Việt Bắc - hồ Na Hang và hồ Ba Bể. Xã Đà Vị quê anh được lòng hồ Na Hang bao quanh và chỉ cần đi qua con dốc nằm trên lưng ngọn núi đầu làng là đến hồ Ba Bể.
Hồ Na Hang quê anh là sự hợp nhất của 2 con sông. Gồm sông Năng chảy từ Bắc Kạn đến ngã ba nơi có con thác Đầu Đẳng cao 20m nối liền vào địa phận xã Đà Vị mà xin "nhập căn cước" Tuyên Quang. Dọc tuyến sông này có làng chài Xá Thị, xã Đà Vị; làng chài Nà Sảm, xã Sơn Phú; làng chải Bản Lãm, xã Khâu Tinh; làng chài Bến Thủy, thị trấn Na Hang…
Mỗi làng chài có khoảng mươi, mười lăm hộ dân sinh sống. Những năm trước, họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh cá. Nhưng mấy năm nay, nghề nuôi cá lồng phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn, họ sống được bằng nghề nuôi cá lồng.
Còn ở phía bên kia là nhánh con sông Gâm chạy từ mạn Bắc Mê của tỉnh Hà Giang về nối liền với huyện Lâm Bình. Dọc tuyến sông dài hơn 20km này có các làng chài ở Phúc Yên, Thượng Lâm, Khuôn Hà (trước thuộc huyện Na Hang nay là huyện Lâm Bình). Nơi đây có những hộ nuôi cá lồng quy mô lớn nhất nhì của vùng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Người phụ nữ tiên phong làm nghề chài lưới
Chị Phạm Thị Tình làm nghề chài lưới lâu nhất vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Khi Nhà nước đắp đập thủy điện Tuyên Quang thành công, chị bỏ sức sang tận hồ thủy điện Thác Bà học nghề chài lưới.
Những người ở vùng thị trấn miền núi Na Hang ai cũng biết về HTX cá lồng Hoa Sen. Người ta không nhớ sao được bởi ở vùng đất nghèo khó ấy, trên vùng hồ rộng lớn, có ba người phụ nữ là chị Phạm Thị Tình, Đinh Thị Hoa, Lê Thị Sen cùng bàn với nhau thành lập 1 HTX nuôi trồng thủy sản, gọi là Hoa Sen, với khát vọng giúp nhiều người dân nghèo “đổi đời”. Nghĩ lại, bây giờ chị vẫn thấy mình và chị em liều lĩnh. Bởi cá tôm nuôi ở ao chuôm, hay trên lòng hồ người ta kích điện, đánh lưới ăn đâu có hết, bán cũng còn ế nhiều.
Hồ nước trong sạch, cá lớn nhanh như thổi, cá quẫy trắng xóa mặt hồ cũng là lúc những đêm ròng rã các chị lo lắng tìm đầu ra. Đúng như người ta đã bảo, cá ở ao, hồ đánh bắt ăn còn không hết, bán biết ai mua? Đặc biệt là nuôi cá lăng nha phải lấy giống tận miền Nam, đường xa, chi phí vận chuyển lớn, khiến HTX lỗ nặng. Trước khó khăn của thị trường, năm 2013, HTX Hoa Sen của chị cũng phải giải thể trong nỗi đau đáu của những người phụ nữ vùng cao dám dấn thân đi trước thời đại.
Chị Tình bảo, ngày ấy, việc mình quyết định tiên phong nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện chẳng khác nào một cái cây non nớt thử sức mình trước bão giông của thị trường.
Nhưng nếu không thử thì sao biết được cái cây non nớt ấy có thể sống trong môi trường mới được không? Không thử thì sao có kinh nghiệm để sau này bao thế hệ khác có được thành công như hôm nay, tạo nên những triệu phú nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, tại mảnh đất Na Hang quê chị. Những ý nghĩ ấy đủ khiến lòng chị được an ủi. Đủ để chị nhẹ lòng về những khát vọng còn dang dở.
Hiện nay, trong 3 người phụ nữ năm ấy, chỉ còn chị Tình gắn bó với nghề cá, với sông nước và làng chài. Gia đình chị đang nuôi khoảng 700 lồng cá quất. Mỗi lần xuất bán khoảng 1,5 đến 2 tấn. Ngoài ra chị còn nuôi thêm các lồng cá rô phi, cá trắm đen, cá ngạnh…
Khát vọng khởi nghiệp từ nghề cá
Anh Đỗ Cao Cường trước kia làm nghề lái xe khách. Cái nghề bươn chải nay đây mai đó. Năm 2020, theo lời mời của nhóm anh em, anh Cường bỏ nghề lái xe về lòng hồ nuôi cá lồng, từ đó anh gắn liền với sông nước, cá tôm.
Nghe Cường nói sẽ bỏ lái xe về nuôi cá lồng, mẹ anh nửa mừng nửa lo. Bà mừng vì anh không phải bươn chải nay đây mai đó trên các cung đường. Nhưng lo bởi từ bé anh có biết gì về cá tôm đâu, sao làm lại với người ta được. Lại còn cả ý tưởng muốn cắm sổ đỏ, vườn tược cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư xuống lòng hồ.
Thấy mẹ phân vân, Cường quả quyết: "Con sẽ làm được, hãy tin con!". Nghe Cường nói, mẹ anh đồng ý và đặt cả niềm tin vào con trai. Cường tâm sự, anh quả quyết như vậy cũng có cơ sở, bởi những năm tháng lái xe, anh đã được đến xem nhiều mô hình nuôi cá trên các hồ đập thành công và hiệu quả. Mỗi lần tham quan như thế, anh đều lấy sổ sách ghi chép tỷ mỷ kỹ thuật và nung nấu khát vọng khởi nghiệp từ nghề cá.
Khi triển khai nuôi, Cường luôn nhận được sự đồng hành giúp đỡ của những hộ nuôi cá lồng đi trước tại khu vực Bến Thủy. Cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên hỏi thăm, tư vấn kỹ thuật nên những loại bệnh sán, ký sinh trùng… ở cá được xử lý kịp thời. Nhờ đó, đàn cá lớn nhanh, ít dịch bệnh.
Năm vừa rồi, 40 lồng cá của anh Cường xuất bán được 50 tấn, tổng thu về khoảng 4 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, anh lãi vài trăm triệu đồng. Có tiền, anh tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô lồng nuôi.
Đêm miền núi mênh mang. Ánh điện sáng lấp lánh soi dưới lòng hồ thủy điện phản chiếu sắc màu lung linh huyền ảo. Khác xa 18 năm về trước, chỉ có ánh sáng từ đèn điện của nhà máy thủy điện. Giờ có cả ánh đèn điện của nhà hàng nổi, của du thuyền… và cả ánh sáng lấp lánh từ những nhà nổi nuôi cá lồng trên lòng hồ.
Gió hồ cứ miên man, mặc kệ sóng vỗ từng hồi mạnh mẽ vào phía mạn thuyền. Anh Cường bảo, bão lại sắp về. Nhưng những người sống trên sông nước nơi đây vẫn bình thản. Bởi gần 20 năm qua, họ đã đi qua bao nhiêu mùa giông bão.