Một trinh sát cơ OC-135 Mỹ chuyên dùng cho Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: USAF. |
"Mỹ và các đồng minh hôm nay thực hiện chuyến bay đặc biệt theo Hiệp ước Bầu trời Mở (OST). Chúng tôi tổ chức hoạt động này để tái khẳng định cam kết của Mỹ với Ukraine và các nước đối tác khác", AFP dẫn thông cáo do Lầu Năm Góc công bố hôm 6/12.
Đây là lần đầu tiên Mỹ thực hiện chuyến bay "đặc biệt" trong khuôn khổ OST từ năm 2014, thời điểm xung đột bùng phát ở miền đông Ukraine và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Những chuyến bay như vậy thường không có trong kế hoạch, diễn ra khi tình hình bất thường xuất hiện ở một nước thành viên hiệp ước.
Quân đội Mỹ cho biết Kiev đã đề xuất thực hiện chuyến bay. Chiếc OC-135 chở theo nhiều quan sát viên từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Romania và Ukraine.
"Cuộc tấn công tàu hải quân Ukraine trên Biển Đen gần eo biển Kerch là hành động leo thang căng thẳng. Washington muốn cải thiện quan hệ với Moskva, nhưng điều này không thể xảy ra khi Nga có hành động gây bất ổn ở Ukraine và nhiều nơi khác", Lầu Năm Góc cho biết trong thông cáo.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 theo khởi xướng của cố tổng thống Mỹ George H.W. Bush với sự tham gia của 34 nước thành viên, nhằm thúc đẩy minh bạch trong hoạt động quân sự. Nó có hiệu lực từ 1/1/2002 sau khi được Nga thông qua, cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay phi vũ trang qua không phận của nhau để thu thập thông tin về lực lượng quân sự.
Căng thẳng giữa Moskva và Kiev gia tăng sau khi cảnh sát biển Nga hôm 25/11 nổ súng khống chế, bắt ba tàu chiến Ukraine cùng 24 thủy thủ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải, có hành vi nguy hiểm và không tuân thủ yêu cầu dừng tàu. Ukraine phủ nhận, nói rằng tàu của họ động động đúng theo luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford hôm qua khẳng định kế hoạch quân sự chưa được tính đến trong các biện pháp phản ứng với vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine.