| Hotline: 0983.970.780

Năm 2012: Nhiều "đại gia" khó đòi nợ

Thứ Năm 17/01/2013 , 12:37 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ rõ, tài chính của nhiều tập đoàn, TCty thiếu lành mạnh, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu...

Sáng 16/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 cũng như các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.

Tham dự cuộc họp với người đứng đầu Chính phủ có lãnh đạo của 9 tập đoàn kinh tế, 10 TCty 91, 84 TCty 90 và 20 TCty đã cổ phần hóa. Đây chính là những “đại gia” có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nhiều “đại gia” khó đòi nợ

Báo cáo của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn cho biết so với kế hoạch năm 2011, tổng doanh thu của các tập đoàn, TCty nhà nước trong năm 2012 chỉ bằng 92% so với kế hoạch, nhưng đã tăng 2% so với thực hiện năm 2011.

Bên cạnh các đơn vị đạt tổng doanh thu lớn là Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu, Viễn thông Quân đội, Bưu chính - Viễn thông, Hàng không… thì có những tập đoàn, TCty có lợi nhuận trước thuế giảm so với năm trước như Cà phê, Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Than – Khoáng sản.

Ông Muôn cũng cung cấp thêm thông tin: Nợ nước ngoài của các công ty mẹ, tập đoàn, TCty là 158.865 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Một số công ty mẹ có số nợ nước ngoài lớn như Công ty mẹ - Điện lực, Công ty mẹ - Hàng không, Công ty mẹ - TCty Phát triển đường cao tốc. Trong khi đó, nợ phải thu của các tập đoàn, TCty là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản, trong đó nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các “đại gia” tại Hội nghị ngày 16/1

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương ngày 16/1, mức lỗ phát sinh của tất cả các tập đoàn, TCty năm 2012 là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số doanh nghiệp lỗ liên tiếp 2 năm gần đây. Đáng lưu ý là có 10 tập đoàn, TCty đến nay đã lỗ lũy kế 17.730 tỉ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn, TCty nhà nước là 735.293 tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2011. Tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp này là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Các doanh nghiệp có nợ nước ngoài lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TCty Hàng không, TCty Phát triển đường cao tốc.

Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, hệ số nợ trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép, dù xét riêng rẽ, một số đơn vị có tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.

Mặt được là vậy nhưng hạn chế, yếu kém từ những tập đoàn, TCty này cũng không hề ít. Ông Muôn chỉ rõ, đó là tài chính của nhiều tập đoàn, TCty thiếu lành mạnh, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp rủi ro, không tự chủ được về mặt tài chính khi hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay khiến cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Thậm chí nợ phải thu khó đòi của một số tập đoàn, TCty khá cao, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Thêm vào đó, tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm kém trong những “đại gia” này chưa được khắc phục nhiều. Nhiều dự án đầu tư không có hiệu quả, không tiếp tục triển khai được. Yếu kém cũng thể hiện ở góc độ quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới. Cơ cấu quản lý, điều hành quá cồng kềnh dẫn đến chi phí cao.

Về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của những “đại gia” này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng chỉ ra 4 bất cập đang tồn tại. Đó là tiến độ sắp xếp, đổi mới DN chậm, đặc biệt là cổ phần hóa (CPH); Việc thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và giảm vốn nhà nước tại các DN đã CPH nhưng Nhà nước không cần nắm giữ chi phối hoặc không cần thực hiện quá chậm; Việc xây dựng, trình, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ở nhiều tập đoàn, TCty còn rất chậm và cồng kềnh, nhiều tầng nấc.

Có còn Vina" khác?

Khẳng định năm 2013 các “đại gia” trên tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, đại diện Văn phòng Chính phủ yêu cầu các “đại gia” trên phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp và tổ chức thực hiện với mục tiêu tăng trưởng hơn 10%. Phải đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công; thu xếp, bố trí vốn để sớm khởi công các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án điện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những công trình, dự án cần ưu tiên trong một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường kiểm soát nhập siêu.

Là người “gút” trong các vấn đề quan trọng và đưa ra những giải pháp mang tính vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, 2013 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm cần tập trung tháo gỡ khó khăn. Qua thực tế cho thấy những khó khăn là do khách quan và cả chủ quan. Tuy doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn, tổng công ty nhìn chung ở mức khá nhưng ở một vài doanh nghiệp lại lỗ lớn, tình hình tài chính thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến khối doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là một số doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, cần kiểm điểm lại để rút kinh nghiệm trong công tác điều hành.

“Tuy chỉ có một vài doanh nghiệp thua lỗ, sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines nhưng ảnh hưởng rất lớn, khiến người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Tôi thực sự đau lòng, dân phê phán là đúng, thua lỗ tiền tỉ như thế ai không sót ruột” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, trong khi nhân dân đang phê phán đầu tư nhà nước dàn trải, hiệu quả thấp, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng đầu tư mà lại giảm lợi nhuận là không được và không phù hợp với mục tiêu Chính phủ đề ra là năm nay phải đạt tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn so với năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại vai trò quan trọng của những “đại gia” này: “Doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn là nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ để nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô”.

 

Tập đoàn, TCty hiến kế gỡ khó khăn

* Tập đoàn than khoáng sản: Năm 2013, tiếp tục khó khăn do suy giảm các ngành liên quan đến đầu ra của ngành than. Mặc dù chào giá thấp như quý IV nhưng nhiều đối tác vẫn không hào hứng tham gia. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ để giá bán cho bằng lộ trình. Thuế tài nguyên than tăng cao quá nên cần được hỗ trợ để giảm.

* TCty Lương thực miền Nam: Năm 2013 nhiều khó khăn sẽ quay lại bởi thời tiết khắc nghiệt, sản lượng lương thực đang tồn kho quá lớn... Rồi có nhiều khách hàng lớn sẽ không nhập khẩu nữa như châu Phi, Philippines, Indonesia... Hy vọng nhất vào Trung Quốc nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy quota của họ. Đề nghị Chính phủ cho tạm trữ tiếp gạo Đông Xuân và các loại gạo thường, gạo thơm khác.

* TCty Hàng không VN: Lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường nội địa đã lên ngôi. Năm 2013, phấn đấu để đạt lợi nhuận doanh thu sẽ tăng 10%, phát triển nhiều thị trường nội địa, mở đường bay xuyên Hàn Quốc, xuyên Việt; mở đường bay Moscow - Cam Ranh, nối đường bay VN - Berlin vào cuối năm; kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc xác định công nợ, đất đai.

* TCty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai: Mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành rà soát lại các chính sách liên quan đến đất đai, cơ chế đền bù, giá đất “lên dễ nhưng xuống khó” để có thể kêu gọi các nhà đầu tư cùng vào cuộc.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm