Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện địa phương có 18 sở, ban, ngành, gồm 15 sở và 3 tổ chức hành chính tương đương sở (Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh).
Cơ quan này đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng: duy trì 6 sở, ban, ngành gồm: Sở Công thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (riêng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ sắp xếp khi thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ).
Hợp nhất các sở: Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính; Giao thông vận tải - Sở Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; sau khi chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị: Sở Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh; tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang. Tên gọi của các cơ quan sau khi hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp theo tên gọi của bộ, ngành Trung ương.
Đối với các tổ chức bên trong sở, ngành: Thực hiện sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành theo định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với các phòng, ban, chi cục và tương đương thuộc sở, ban, ngành, mỗi sở, ban, ngành chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức có chức năng tham mưu tổng hợp chung tương ứng với các lĩnh vực Văn phòng, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra.
Đối với các chi cục và tương đương, không chuyển phòng thành chi cục và tương đương; rà soát, giảm số lượng các chi cục thuộc sở, ban, ngành.
Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Nam Định, dự kiến giữ nguyên tên gọi và chức năng nhiệm vụ của 5 phòng và tương đương (Thanh tra, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Quản lý đô thị); hợp nhất Phòng Nội vụ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn, phòng, chống thiên tai, chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông lâm sản thủy sản, muối của Phòng Kinh tế về Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Phòng Kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại và khoa học công nghệ (sau khi chuyển chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn, phòng, chống thiên tai, chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông lâm sản thủy sản, muối về Phòng Tài nguyên và Môi trường).
Dự kiến sau khi sắp xếp, thành phố Nam Định có 10 phòng chuyên môn, giảm 1 phòng.
Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện: giữ nguyên tên gọi và chức năng nhiệm vụ của 3 phòng và tương đương (Thanh tra, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính - Kế hoạch); hợp nhất, điều chuyển một số lĩnh vực của một số phòng. Dự kiến sau khi sắp xếp, UBND mỗi huyện có 9 phòng chuyên môn, giảm 2 phòng.