Mấy tuần qua, người dân thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) phải bỏ thời gian, công sức để cấy lại toàn bộ cánh đồng với diện tích trên 60ha lúa bị chết vì nhiễm mặn. Đây là diện tích lúa được bà con gieo cấy từ trước Tết Nguyên đán.
Gia đình bà Phạm Thị Hường (khu 10, thị trấn Thịnh Long) có hơn 3 sào ruộng. Từ sau Tết, ruộng lúa của bà đã cấy khoảng 1 tháng có hiện tượng tự héo lá, lụi dần, không lên được.
“Tôi đã 3 lần dặm đi dặm lại nhưng lúa vẫn chết, không bén được rễ. Không riêng gia đình tôi, hầu hết các hộ dân cấy lúa vụ xuân ở Thịnh Long đều gặp cảnh tương tự”, bà Hường cho hay.
Người dân cho rằng, nguyên nhân là do cửa cống thuỷ lợi ngăn mặn bị bênh nắp, khiến nước mặn tràn vào gây chết lúa. Một nguyên nhân khác, theo bà con, đó là nước mặn từ một số đầm bãi nuôi trồng thuỷ hải sản của xã Hải Hoà tràn xuống, gây nhiễm mặn cục bộ khiến lúa chết hàng loạt.
Để cứu cánh đồng, người dân chủ động gieo lại mạ, nhổ bỏ lúa chết, tiến hành bừa để cấy lại. Trước đó, các đơn vị chuyên môn của huyện Hải Hậu đã kiểm tra, xác minh tìm nguyên nhân, sau đó đưa phương án thau chua rửa mặn, tẩy mặn cho diện tích đất lúa nhiễm mặn.
“Một sào ruộng chi phí gần 300 ngàn đồng tiền giống, phân bón, tiền công cày bừa, tiền thuê người cấy… Với ngần ấy mẫu ruộng lúa bị chết, thiệt hại của người dân là rất lớn”, bà Hường cho hay.
Một số người dân khác cho biết, nguyên nhân cũng do sự tắc trách của đơn vị thuỷ nông phụ trách tưới tiêu cho đồng ruộng, trong khi người dân vẫn phải nộp tiền phí đều đặn.
Ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, huyện đã mời cơ quan chuyên môn của tỉnh về phối hợp xác định nguyên nhân khiến lúa chết diện rộng và xác định là do ngộ độc rễ và ảnh hưởng của mặn. Hiện tại, việc xử lý nhiễm mặn đã xong cơ bản, cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn bà con dặm tỉa, cấy lại đối với diện tích lúa bị chết. UBND huyện Hải Hậu cũng đã có văn bản về việc tập trung chỉ đạo khắc phục hiện tượng lúa bị ngộ độc sau cấy.
Huyện yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra toàn bộ diện tích gieo cấy lúa xuân, thống kê nhanh diện tích lúa có biểu hiện bị chết, ngừng sinh trưởng, không hồi xanh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng đưa nước vào ruộng, thay tháo nhiều lần để giảm độ mặn trên mặt ruộng cho những diện tích lúa có biểu hiện chết. Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Hậu phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện điều tiết nước trên hệ thống, tập trung ưu tiên cho những diện tích đã xác định nhiễm mặn phải được thay tháo nhiều lần, những diện tích đồng cao phải chủ động bơm động lực lấy nước để thay tháo.
Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu, ông Lê Văn Định cho biết qua kiểm tra, nguyên nhân trực tiếp khiến lúa bị chết là do đất bốc mặn, chỉ số phèn từ đất lên rất cao.
“Ruộng bị nhiễm mặn được xác định độ mặn ở ngưỡng 2,8 - 2,8 phần nghìn, cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ số cho phép (tỷ lệ độ mặn dưới 1 phần nghìn). Ngay sau đó, tận dụng con nước lên - xuống, huyện đã tiến hành thau chua, rửa mặn với 4 lần thay tháo, hiện độ mặn đã về mức an toàn”, ông Định nói.
Ông Định cũng thừa nhận, nguyên nhân lúa chết một phần do việc phơi ải, đổ ải đất trước Tết chưa kỹ. "Cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của trận mưa lớn vào khoảng tháng 10 khiến đất ải bị ướt, không nỏ ải kịp, do đó khiến phèn (pH), đất nhiễm mặn bốc cao đợt sau Tết. Đây là nguyên nhân bất khả kháng”.
Cũng theo ông Định, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng đất nhiễm mặn, bốc mặn diễn ra sớm và trên diện rộng. Các năm trước, tình trạng bốc mặn vẫn xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp, khoảng vài ba ha.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Thịnh Long, ông Phạm Đình Trụ cho biết, tổng diện tích đất lúa vụ xuân của địa phương này trên 200ha, trong đó có 70% diện tích bị ảnh hưởng nhiễm mặn. Sau khi được tích cực thau chua rửa mặn, phần lớn lúa đã hồi xanh. Phần diện tích lúa bị chết phải cấy lại khoảng 30%, tương đương hơn 60ha.
Các xã Hải Hoà, Hài Châu cũng có hiện tượng lúa bị ảnh hưởng do đất bốc mặn, nhưng tỷ lệ lúa chết thấp hơn, khoảng vài ha.
Hiện tại, theo hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu, bà con đã gieo cấy lại bằng các giống lúa ngắn ngày (Dự hương 8, Đài thơm 8, Bắc thơm số 7), gieo mạ nền bổ sung hoặc gieo sạ hết diện tích.
“Việc phải gieo cấy lại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thời vụ, năng suất cũng như ảnh hưởng tới thời vụ của vụ mùa”, ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu nói.