| Hotline: 0983.970.780

Nam Định muốn dùng máy bơm cột nước thấp cứu 35.000ha lúa mùa ngập úng

Thứ Hai 29/07/2024 , 19:34 (GMT+7)

Do mưa lớn kéo dài, Nam Định có gần 35.000ha lúa mùa bị ngập úng. Sở NN-PTNT Nam Định đề xuất phương án sử dụng máy bơm cột nước thấp để cứu lúa.

Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định vừa đề xuất phương án sử dụng máy bơm cột nước thấp để chống hạn, chống úng trên diện rộng toàn tỉnh.

Ông Trần Việt Đức - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 7 tới nay, tại Nam Định xuất hiện mưa lớn kéo dài với lượng mưa trung bình cả đợt 368mm; một số khu vực mưa vượt tần suất thiết kế tiêu của hệ thống công trình thủy lợi; trên các sông lớn có mực nước lũ cao, có thời điểm trên sông Ninh Cơ vượt báo động III là 4cm. Tình trạng trên gây khó khăn cho tiêu úng, đặc biệt đối với công trình tiêu theo thủy triều.

Gần 35.000ha lúa mùa của Nam Định bị ngập úng do mưa lớn. Ảnh: Hà Vy.

Gần 35.000ha lúa mùa của Nam Định bị ngập úng do mưa lớn. Ảnh: Hà Vy.

Mặc dù trước đợt mưa, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã chủ động tiêu tối đa nước đệm; khi có mưa, các công ty thủy lợi và các địa phương đã chủ động vận hành tối đa cống tiêu vùng thủy triều, các trạm bơm để chống úng, tuy nhiên đã có trên 34.000ha lúa bị ngập.

Trước tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp, để đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị các địa phương cần phải có các giải pháp để nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước cho các hệ thống thủy lợi như đầu tư các trạm bơm điện lớn đầu mối để bơm tiêu nước trực tiếp ra các sông lớn, không phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều như hiện nay.

Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, do nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa có điều kiện đầu tư nên đang chủ trương tìm các giải pháp tiêu nước phù hợp, khả thi với chi phí thấp, hiệu quả.

Trạm bơm cột nước thấp để tiêu úng - loại đơn giản lắp đặt tại các cửa cống phục vụ chống úng đang được thí điểm tại huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Thái Bình. 

Trạm bơm cột nước thấp để tiêu úng - loại đơn giản lắp đặt tại các cửa cống phục vụ chống úng đang được thí điểm tại huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Thái Bình. 

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nghĩa Hưng, đơn vị này đã sử dụng mô hình trạm bơm cột nước thấp để tiêu úng - loại đơn giản lắp đặt tại các cửa cống phục vụ chống úng. Kết quả thực tế cho thấy mô hình này có hiệu quả tốt với chi phí đầu tư không lớn, có thể xem xét áp dụng được trong tình hình thực tế.

Vì vậy, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các công ty thủy lợi tổ chức tham khảo mô hình máy bơm cột nước thấp để nghiên cứu, xem xét việc áp dụng trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối từ nguồn vốn của các công ty, ngân sách huyện, ngân sách xã cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nam Định hiện có khoảng 35.000ha lúa mùa bị ngập úng do các đợt mưa lớn từ ngày 14 - 18/7, trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện. Ước toàn tỉnh có khoảng 50% diện tích phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chuyên môn tập trung chống úng và khắc phục hậu quả, bằng mọi biện pháp khẩn trương tiêu úng cứu lúa; tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại lúa, màu ở từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.