Ghép hai cái tên gọi quê nhà là huyện Từ Sơn và làng Trang Liệt để thành bút danh Vũ Từ Trang, thay cho tên thật Vũ Công Định, ông vẫn luôn thấy mình mắc nợ Bắc Ninh suốt hành trình cầm bút. Từ khi phát hiện bị bệnh nan y, nhà thơ Vũ Từ Trang quyết tâm dùng văn xuôi để viết một cuốn sách đền đáp cội nguồn. Tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” do NXB Phụ Nữ vừa ấn hành, là kết quả của nỗ lực đáng trân trọng ấy.
Vũ Từ Trang từng làm thơ về làng Trang Liệt “màu sắc đến hiền lành/ vừa sâu vừa yên ấm/ vành nón em nghiêng trắng/ con đường sỏi quanh quanh”, thì Thôn Trung trong tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” miêu tả chi tiết: “Bốn cổng làng mở ra bốn hướng. Mỗi cổng làng lại có một cây cổ thụ. Cổng Né, cổng Đá có cây đa. Cổng Tây có cây đề. Cổng Bông có cây si còng”. Vũ Từ Trang đắm đuối và tôn thờ cổng làng có bốn chữ “xuất nhập tương hữu”, nghĩa là kẻ ra người vào đều là bạn bè.
Tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” dày 370 trang, được chia làm 21 chương. Những trang xôn xao nhất và day dứt nhất vẫn là tâm sự của Vũ Từ Trang về làng quê: “Tuổi thơ của tôi từng được tắm mình trong tiếng chuông tiếng trống của đền làng. Tiếng trống thờ của đền làng tôi như có âm thanh riêng biệt. Không chỉ riêng tôi mê, mà tôi tin rằng bất kỳ người nơi nào hễ đến làng tôi được nghe tiếng trống đền, thì không dễ gì quên được”
Nhà thơ Vũ Từ Trang không chỉ giỏi kinh doanh để phát triển nghề mộc ở Từ Sơn, mà ông còn dày công nghiên cứu các nghề thủ công độc đáo vùng châu thổ Bắc bộ. Đóng góp tiêu biểu cho lĩnh vực này của Vũ Từ Trang chính là công trình văn hóa “Nghề cổ nước Việt từ truyền thống đến hiện đại”. Vì vậy, không thể phủ nhận Vũ Từ Trang am tường và thấu hiểu sâu sắc văn hóa nông thôn.
Vốn sống phong phú được ông đưa vào tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” với thổ lộ rằng, mình muốn viết câu chuyện xảy ra tại một làng quê trù phú vùng Kinh Bắc. Con người ở đây sống ngụp lặn trong bao biến cố thời cuộc. Phải vươn lên giữa cái thiện cái ác, phải phá vỡ những rào cản tập tục bao đời như trói cột con người trong lũy tre làng? Hay chấp nhận vòng vây kiềm tỏa vô hình? Một xã hội hỗn độn, con giết cha, vợ lừa chồng, anh em ruột thịt đâm chết nhau vì đồng tiền. Đạo lý và tập tục truyền thống, có đánh thức, cứu vãn được con người? May thay, ở đấy, vẫn ánh lên ánh trăng tuổi thơ trong ngần, vẫn còn bề dày thẳm sâu của văn hóa, của tập tục, nâng đỡ, đánh thức phần hướng thiện trong mỗi con người. Cuộc đời bể dâu, bế tắc mấy, đóng khép mấy, rồi cũng sẽ được khơi mở.
Năm nay 72 tuổi, nhà thơ Vũ Từ Trang đắm đuối với nơi chôn nhau cắt rốn “tôi đã đi qua/ bao công danh thành bại/ tôi lại về làng/ vẫn vườn xưa hoa khế rụng lâm thâm”, thì trong tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” vẫn thấy ông run rẩy “Một hương vị của làng, rất xưa, rất quen thuộc, vẫn còn đây, bỗng trỗi dậy… Tôi chợt thấy ánh trăng dường sáng hơn… Tôi tin, vòng quay nhân gian cứ tuần tự theo chu kỳ biến hóa diệt sinh của nó. Tôi nhớ lời bố tôi từng căn dặn: Hãy cố gắng và tin con ạ. Cuộc sống khép rồi lại mở!”.