Tại Gala 15 năm ngành công thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sáng 12/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản cuộc vận động và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành nói chung và ngành công thương nói riêng chung tay nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã và giá cả để hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các bên, ông đề nghị Bộ Công thương tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hưởng ứng cuộc vận động.
Đồng thời, nghiên cứu, đúc rút các bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu của cuộc vận động là phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã phối hợp các ban, bộ, ngành và địa phương tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: (i) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện cuộc vận động; (ii) Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; (ii) Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng; (iv) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; (v) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ cũng tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chương trình như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình; Xúc tiến thương mại quốc gia; Khuyến công quốc gia...
Đặc biệt, Bộ Công thương đã xây dựng những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, chế tạo, hoá chất, vật liệu mới. Cùng với đó, hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam.
Những năm gần đây, việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được triển khai bài bản quy mô. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tin tuyên truyền ngày càng hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt, cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Song hành với đó, các doanh nghiệp nội địa nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu.
Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn. Vì vậy, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Tô Thị Bích Châu đồng tình với quan điểm này, và nói thêm rằng, các tập đoàn, tổng công ty trong ngành công thương và đơn vị thuộc Bộ đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới rộng khắp trên cả nước và tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt đến ngày hôm nay.
Tại buổi gala, hơn 500 đại biểu cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cuộc vận động, nhằm đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc và là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Sau 15 năm thực hiện vận động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng khoảng 10%/năm; Chỉ số CPI từ lạm phát phi mã 19,8% (2008) đã giảm dưới 5% từ năm 2014. Tỷ lệ nhập siêu giảm, xuất siêu liên tục từ năm 2016. Đặc biệt, hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ hơn 80% tại các siêu thị; 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
Việt Nam cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo VCCI, năm 2023 có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn 5 lần so với năm 2010 (12,4%).