| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chuỗi giá trị cây sả ở cù lao Tân Phú Đông

Thứ Tư 25/05/2022 , 13:39 (GMT+7)

Tiền Giang Hiện nay, cây sả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người dân huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ở huyện cù lao ven biển Tân Phú Đông cây sả đã bén duyên và gắn bó với nông dân gần 20 năm nay. Nhờ sức chống chịu mãnh liệt với biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn mà cây sả được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Mỗi năm, diện tích cây sả ở Tân Phú Đông không ngừng tăng lên, đến nay diện tích cây sả đã hơn 2.300ha, tập trung ở các xã: Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Phú.

Cây sả đã gắn bó với nông dân cù lao Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang gần 20 năm nay. Ảnh: Minh Đảm.

Cây sả đã gắn bó với nông dân cù lao Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang gần 20 năm nay. Ảnh: Minh Đảm.

Theo nông dân trồng sả cho biết, mỗi năm sản xuất 2 vụ, mỗi vụ kéo dài 5 tháng. Bình quân, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha/năm, trừ chi phí nông dân có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Chị Đào Thị Diễm Thúy, nông dân ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho hay, gia đình có cuộc sống ổn định nhờ trồng được 2ha sả.  

“Mùa khô, cây sả giá bán cao nhất từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, tăng lên gấp đôi so với mùa mưa. Giá bán khoảng 5.000 đồng/kg là có lãi. Trước đây, nhà tôi trồng chuối giờ chuyển sang trồng sả thấy cây này thích nghi tốt”, chị Đào Thị Diễm Thúy phấn khởi nói.

Tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông địa phương có diện tích cây sả đến 1.800 ha. Thời gian qua, dù cây sả cho thu nhập tốt nhưng cũng có thời điểm đầu ra hết sức khó khăn, nhất là những lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để tạo đầu ra ổn định cũng như nâng cao chuỗi giá trị cho cây sả, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nông dân thành lập Hợp tác xã Sản xuất Cây Sả Tân Phú Đông để tập hợp nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học.

HTX sản xuất cây sả Tân Phú Đông đã thu hút được 62 thành viên với diện tích sản xuất 50ha. Ảnh: Minh Đảm.

HTX sản xuất cây sả Tân Phú Đông đã thu hút được 62 thành viên với diện tích sản xuất 50ha. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX sản xuất cây sả Tân Phú Đông cho biết: “HTX thu mua giá sả cao hơn bên ngoài từ 2-3 phân (200 – 300 đồng/kg - PV). Để mua được giá cao HTX phải chủ động tìm kiếm đầu ra. Năm ngoái, HTX đã liên hệ với một số thương lái, doanh nghiệp ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận để liên kết đầu ra”.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết thêm, các đầu ra chưa thật sự ổn định và chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Ông Hùng cho hay đang kêu gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu và ký kết sản xuất, tiêu thụ lâu dài và bình ổn. "Bà con thành viên đã có kiến thức sản xuất sả an toàn, chúng tôi sẵn sàng sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn mà các doanh yêu cầu như VietGAP”, ông Hùng khẳng định.

HTX sản xuất cây sả Tân Phú Đông được thành lập tháng 2/2020. Ban đầu, HTX chỉ có 28 thành viên. Đến nay, HTX thu hút được 62 thành viên với diện tích sản xuất 50ha, sản lượng hàng năm khoảng 1.500 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh cho biết, mô hình trồng cây sả rất thích hợp và có triển vọng ở vùng đất cù lao. Trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã có đề cập đến phát triển loại cây này.

"Cây sả là cây chủ lực của huyện nói chung và xã Phú Thạnh nói riêng. Chúng tôi khẳng định phát triển cây sả là định hướng để phát triển bền vững. Do đó, định hướng tới làm sao hướng cho người trồng sả sản xuất theo các điều kiện tiêu chuẩn sạch như: VietGAP, GlobalGAP. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Văn phòng Hội làm vườn Trung ương (phía Nam) sẽ có chương trình hỗ trợ về sử dụng phân hữu cơ và phương thức sản xuất hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Cây sả thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn ở vùng cù lao Tân Phú Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Cây sả thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn ở vùng cù lao Tân Phú Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Nâng cao chuỗi giá trị cây sả

Hiện nay, sau khi thu hoạch phần thân, lá sả phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để tận dụng phế phẩm này, HTX đã liên kết với một nhà máy chiết xuất tinh dầu sả ở địa phương để thu mua lá sả cho bà con với sản lượng trên 10 tấn/ngày.

Theo ông Quách Vĩnh Phúc, chủ nhà máy này cho biết: Mỗi ngày cơ sở thu mua hàng chục tấn lá sả phế phẩm với giá thu mua tại cơ sở bình quân khoảng 500 đồng/kg. Cơ sở đầu tư lò hơi hiện đại, chiết xuất được nhiều dầu, sản phẩm đẹp nên được khách hàng ngày càng ưa chuộng. Từ đó, nâng công suất và chiết xuất khoảng 80 – 100 lít tinh dầu sả mỗi ngày. Giá trị sản phẩm dầu chiết suất từ lá sả tăng lên khoảng 10 lần so với phế phẩm gốc. Hơn hết, lá sả sau khi chiết suất chúng tôi bán lại cho nhà nông để ủ phân bón hữu cơ và trồng nấm rơm rất hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng bật mí thêm: HTX đang ấp ủ kế hoạch liên kết với nhà máy chiết suất tinh dầu sả của ông Quách Vĩnh Phúc để phát triển các sản phẩm tinh dầu sả mang thương hiệu HTX cây sả Tân Phú Đông nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên cũng như chuỗi giá trị cây sả.

Chiết xuất tinh dầu sả, nâng cao chuỗi giá trị cho cây sả Tân Phú Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Chiết xuất tinh dầu sả, nâng cao chuỗi giá trị cho cây sả Tân Phú Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Cây sả có thể chịu đựng khô hạn trong khoảng 2 tháng, thích hợp ở vùng đất biến đổi khí hậu nhất là khô hạn và xâm nhập mặn ở vùng cù lao Tân Phú Đông. Chủ trương của huyện Tân Phú Đông xem cây sả là một trong những cây trồng chủ lực và nhân rộng diện tích. Trong đó, hướng cây sả thương phẩm đến sản xuất sạch, hữu cơ để  xây dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu của thị trường ngày càng cao.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: Tới đây diện tích sẽ mở rộng thêm. Đối với những diện tích cây trồng mà năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sẽ chuyển sang trồng cây sả. Năm 2022, diện tích cây sả có thể lên 4.000 ha. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, vai trò của hợp tác xã rất quan trọng để có liên kết sản xuất từ đầu vào của vật tư, đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi sẽ vận động các nơi chiết suất tinh dầu, có thể liên kết với một số doanh nghiệp họ lấy cây sả có thể làm nhang, vừa đốt vừa xua muỗi. 

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.