Tại Hội thảo hợp tác công tư ASEAN - Nhật Bản về các chính sách và công nghệ đổi mới sáng tạo trong phòng chống thiên tai lần thứ 2 diễn ra chiều 11/10, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT bày tỏ mong muốn các chuyên gia, kể cả khối tư nhân, chia sẻ thông tin về các công nghệ mới trong phòng chống thiên tai đang được áp dụng trên thế giới.
"Với những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, Nhật Bản thấu hiểu việc hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kiến thức với các quốc gia khác không chỉ là hành động nhân đạo mà còn để bảo vệ cộng đồng, khu vực an toàn trước những rủi ro thiên tai ngày càng biến động khôn lường", ông Luận nói.
Theo ông Luận, Nhật Bản là quốc gia chịu nhiều thiên tai khốc liệt. Trung bình khoảng 50 năm, quốc gia này phải hứng chịu một thiên tai ở mức độ thảm họa, tương tự trận động đất sóng thần xảy ra ở Fukushima năm 2011 khiến 16.000 người thiệt mạng.
Trong nỗ lực làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khắc phục nhanh thiệt hại sau thiên tai, Nhật Bản đã không ngừng đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ về viễn thám, giám sát, cảnh báo, dự báo, máy móc thi công, kết cấu, vật liệu xây dựng…
Đặc biệt, khối doanh nghiệp Nhật Bản luôn giữ vai trò quan trọng và nổi bật trong việc phát triển, phổ biến và ứng dụng công nghệ, cũng như vai trò cung cấp dịch vụ trong các hoạt động phòng chống thiên tai của Nhật Bản.
Cục trưởng Luận nhìn nhận, một trong những quốc gia ASEAN hợp tác thành công nhất với Nhật Bản là Việt Nam. Dựa trên mối quan hệ hợp tác lâu đời trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, hai bên đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, ý tưởng, thăm hỏi ngoại giao và thực hiện những hoạt động trao đổi kỹ thuật.
Điển hình cho các hoạt động này là hội thảo thường niên giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản trong 10 năm qua.
"Chúng ta đã cùng nhau chia sẻ và trao đổi quan điểm về các biện pháp công nghệ, ứng dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, cũng như các biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, kiểm soát lũ và hành động ứng phó sớm trước khi thiên tai xảy ra", ông Luận bày tỏ.
Thành công nổi bật của sự kiện thường niên này là việc sử dụng kết quả thảo luận trong hình thành và thực hiện các dự án do JICA hỗ trợ như: Dự án Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; Dự án Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc...
Chia sẻ quan điểm với Cục trưởng Luận, ông Takeo Murakami, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý thiên tai, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng nhân loại đang trong thời kỳ thay đổi, thời điểm mà các hiểm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng và thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Murakami nhận định, đây là lúc mà nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương hơn trước do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế. Đây cũng là giai đoạn mà nhu cầu tham gia của các tổ chức phi chính phủ ngày càng lớn hơn.
"Đã đến lúc hợp tác để đối phó với thảm họa và quản lý thiên tai. Trong bối cảnh này, các quốc gia thành viên ASEAN đã xác định tầm quan trọng của việc thu hút các đối tác, nhất là trong khối tư nhân, tham gia quản lý rủi ro thiên tai và xây dựng khu vực ASEAN chủ động hơn trong các hoạt động gia tăng sức chống chịu", ông bộc bạch.
Một số những kết quả đã được ASEAN thể hiện, như việc thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA), Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM).
Ông Murakami tin rằng, hội nghị được tổ chức ngày 11/10 sẽ góp phần thúc đẩy khả năng ứng phó của các thành viên ASEAN trước thiên tai, đồng thời phát triển hơn nữa quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực này. "Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này và hy vọng có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác trong tương lai thông qua hợp tác với khu vực công - tư của Nhật Bản", ông nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề hội nghị, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng cho tỉnh.
"Công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho người dân. Thừa Thiên Huế luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về công tác phòng chống thiên tai", ông Đức nói.
Bên cạnh việc tu bổ, sửa chữa các đoạn đê, kè, bờ biển xung yếu, nâng cấp hệ thống đê điều, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế thừa nhận việc được bổ sung, nâng cấp về hạ tầng công nghệ, các công nghệ viễn thám sẽ giúp địa phương tăng cường được khả năng dự báo và ứng phó sớm trước thảm họa.
Đề cao hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý thiên tai, Cục trưởng Phạm Đức Luận mong muốn các bên liên quan sẽ có những thảo luận, định hướng cho việc hợp tác thí điểm thời gian tới, đồng thời tạo ra những bài học tốt cho các hợp tác song phương giữa từng thành viên ASEAN và doanh nghiệp Nhật Bản về sau.