Đây là một hoạt động trong hợp phần 3 dự án Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị (WB7).
Theo đó, để phục vụ cho việc triển khai thực hiện mô hình, dự án đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tưới, phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn.
Mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa được triển khai tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ có 90 hộ tham gia với diện tích 15 ha.
Nông dân phấn khởi vì được mùa lạc. |
Tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 70% giống lạc đảm bảo phẩm cấp; 50% chế phẩm vi sịnh, 30% phân bón nhả chậm và một phần kinh phí để mua máy gieo lạc.
Kỹ sư Dương Hồng Phong, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: “Giống lạc chương trình đưa vào sử dụng là L14 có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, tỷ lệ nhân cao. Lạc được bố trí gieo trồng với khoảng cách 22cm x 10cm x 1 hạt/hốc (tương đương 45 cây/m2).
Trong quá trình gieo cấy lạc đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1, nên đã giải quyết khó khăn công lao động bằng thủ công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, kịp thời vụ gieo trồng”.
Cây lạc vẫn được mùa qua đợt nắng nóng khủng khiếp. |
Ông Bùi Văn An ở thôn Quật Xá tham gia chương trình với diện tích 4 sào. Gặp chúng tôi trên ruộng lạc ông An vui vẻ nói: “Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh về chỉ đạo làm vụ lạc Hè Thu, các hộ dân trong thôn chúng tôi rất phấn khởi. Đặc biệt nhất ở đây là cán bộ kỹ thuật, ban quản lý HTX, và tổ thủy nông đã điều hành rất tốt khâu tưới tiêu nên đã đem lại kết quả rất rất mỹ mãn.
Với 4 sào lạc trong mô hình này sẽ cho thu nhập cao hơn so với 4 sào trồng bên ngoài mô hình khoảng 2 triệu đồng. Tôi rất tin tưởng vào các tiến bộ kỹ thuật mới này và nhân rộng”.
Vụ Hè Thu 2019 tình hình thời tiết và sâu bệnh diễn biến bất thuận cho sản xuất nông nghiệp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng cạn rất cao, các đối tượng gây hại trên cây lạc như sâu xanh, sâu khoang, sâu xám…
Cán bộ và nông dân tham quan mô hình. |
Tuy nhiên được sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân phòng trừ kịp thời nên tỷ lệ gây hại không đáng kể. Ông Trần Văn Lương, Giám đốc HTX Quật Xá cho biết: “Trong quá trình triển khai mô hình gặp thời tiết khô hạn kéo dài, nhưng nhờ có tưới được 2-3 đợt nước nên lạc sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt ruộng mô hình có sử dụng chế phẩm Trichodema để xử lý đất, nên tỷ lệ bệnh chết ẻo giảm hơn hẳn so với ruộng sản xuất đại trà. Năng suất của ruộng lạc mô hình đạt 24 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 3 tạ/ha.”
Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại xã Cam Thành mang lại hiệu quả so với sản xuất truyền thống trên cả 3 mặt: Hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.
Thông qua mô hình, đã tạo bước đột phá mới trong quá trình thâm canh sản xuất, thay đổi phương thức canh tác củ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa mang tính bền vững.