Nắng nóng, hạn hán có nguy cơ diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối tháng 8/2019 tại miền Trung, đặc biệt là Nam Trung Bộ. |
Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa hè năm 2019 đã chứng kiến những diễn biến hết sức khốc liệt của tình hình nắng nóng, với những đợt nắng nóng kéo dài và ghi nhận những kỷ lục về nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Trung Bộ. Nền nhiệt độ cao kết hợp với gió phơn tây nam thổi mạnh nên lượng bốc hơi rất lớn (lên tới 5-7mm/ngày), tăng khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Bên cạnh đó, thời tiết ít mưa, nắng nóng kéo dài khiến lượng mưa các tỉnh Trung Bộ bị thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN cùng thời kỳ. Mặt khác, lượng mưa cũng không đều theo thời gian, nhất là từ đầu vụ hè thu đến nay, lượng mưa bị thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 30-70%.
Nắng nóng đặc biệt gay gắt cũng khiến nhu cầu tưới tăng trong nông nghiệp, làm giảm nhanh lượng nước các hồ chứa. Thực tế, các hồ chứa thủy lợi ở miền Trung có mức tích nước tương đối cao ở cuối mùa mưa năm 2018, và lượng trữ nước còn phổ biến từ 60-70% tại thời điểm đầu vụ hè thu 2019.
Tuy nhiên, lượng trữ nước này đã giảm rất nhanh từ tháng 5/2019 đến nay, phổ biến mức giảm từ 20-30%. Hiện dung tích các hồ chứa ở Bắc Trung Bộ đạt trung bình từ 30-60% dung tích thiết kế (DTTK), thấp hơn so với các năm gần đây, trong đó đã có 55 hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, dung tích các hồ chứa thủy lợi đạt trung bình từ 25-55% DTTK, chỉ cao hơn năm 2016 (là năm nắng hạn gay gắt) khoảng 6%, và hiện đã có 281/520 hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đợt mưa đầu tháng 7/2019 đã tạm thời “giải khát” cho vùng này, tuy nhiên tình trạng hạn hán, thiếu nước đang tái xuất hiện ở các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Với các tỉnh Nam Trung Bộ, hạn hán đã xuất hiện tại Bình Định từ giữa tháng 6/2019, và đã lan rộng ra các tỉnh khác từ đầu tháng 7/2019 đến nay như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo tổng hợp của các địa phương, nắng hạn đã làm khoảng 2.540 ha cây trồng ở khu vực Bắc Trung Bộ bị chết. Hiện tại, Bắc Trung Bộ vẫn còn gần 5.300 ha cây trồng các loại đang bị hạn, thiếu nước (nhiều nhất là Quảng Trị với trên 2.800 ha). Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là khoảng 16.300 ha (chiếm 4,6% tổng diện tích cây trồng).
Dự báo, nắng nóng còn có khả năng xuất hiện tại các tỉnh Bắc Trung Bộ tới cuối tháng 7/2019. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục xẩy ra đến đầu tháng 8/2019, với khoảng gần 15.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Với các tỉnh Nam Trung Bộ, nắng nóng được dự báo có khả năng tiếp tục xuất hiện từ nay đến tháng 8/2019. Một số nơi tại Nam Trung Bộ trời sẽ chưa có mưa, nguy cơ hạn hán, thiếu nước kéo dài tới cuối tháng 8/2019, nâng tổng diện tích cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước lên tới khoảng 54.400 ha (chiếm 15% tổng diện tích gieo trồng).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn là giải pháp nhằm thích ứng với diễn biến nắng hạn ngày càng gay gắt. |
Sự tụt giảm về nguồn nước, lượng mưa cũng đã khiến tình hình xâm nhập mặn có chiều hướng diễn ra phức tạp tại các hệ thống sông thuộc các tỉnh Trung Bộ như sông Cấm (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình), sông Thạch Hãn, Bến Hải (Quảng Trị)... Đặc biệt tại hệ thống sông Thu Bồn (Quảng Nam), phạm vi ranh mặn với nồng độ 1g/lít lúc cao nhất ở mức phổ biến 15-20km, đang gây tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 3.100 ha cây trồng tại tỉnh Quảng Nam...
Ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu nước sinh hoạt
Trước diễn biến và dự báo tình hình nắng hạn tại các tỉnh Trung Bộ, Bộ NN-PTNT đã và đang tiến hành rà soát, đánh giá những tác động tới SX nông nghiệp cũng như đời sống người dân để sớm có giải pháp ứng phó trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Tổng cục Thủy lợi cùng các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, có đánh giá tổng thể về năng lực cấp nước, quy trình vận hành của các hồ chứa tại Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm chủ động có phương án điều tiết phục vụ cho đời sống và SX nông nghiệp. Theo đó, tinh thần là ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, sau đó là nước uống cho chăn nuôi cũng như SX nông nghiệp.
Đối với nước sinh hoạt cho người dân, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá về thực trạng, năng lực đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng có nguy cơ.
Người dân phải huy động hết các vật dụng trong nhà để chứa nước dự trữ. Nguồn: internet. |
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các dự án (có xã hội hóa) để xây dựng các giải pháp tích trữ nước mưa cho người dân bằng các hình thức, vật dụng, vật liệu phù hợp và hiệu quả nhất, bởi đây vẫn là giải pháp truyền thống, có hiệu quả cao, nhất là các vùng miền núi, nông thôn khó khăn về nguồn nước. Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu nhằm có cơ chế hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các địa phương trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt và phải vận chuyển nước, mua nước ở nguồn xa...
Đối với SX nông nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá thực trạng SX nông nghiệp tại các vùng, địa phương có khả năng chịu tác động của nắng hạn trong thời gian tới.
Theo đó, chủ trương là sẽ chủ động sớm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng/khu vực không có khả năng chủ động về nước tưới hoặc thường xuyên có nguy cơ thiếu nước sang các loại cây trồng cạn (ngô, lạc, vừng, đậu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc...), trên cơ sở hài hòa với nhu cầu thị trường. Theo đó, yêu cầu các đơn vị khoa học về giống cây trồng sẵn sàng có bộ giống phù hợp, có hiệu quả nhất để bố trí cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi có yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay, dự báo hạn đã có mức chính xác cao. Vì vậy, kinh nghiệm cho thấy các địa phương bám sát được dự báo hạn, chủ động rà soát SX nông nghiệp và tuân thủ nghiêm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại. Ví dụ, Ninh Thuận năm nay đã thực hiện rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất mạnh mẽ sang cây trồng cạn ngay từ sớm, vì vậy đến nay, tỉnh này đã không có diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn.
Nắng hạn tại các tỉnh Trung Bộ không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động SX nông nghiệp, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi khó khăn về nước sinh hoạt. Theo Tổng cục Thủy lợi, do cạn kiệt nguồn nước mặt, mực nước ngầm hạ thấp đã khiến không đủ nước cấp cho các công trình cấp nước tập trung, cạn kiệt nước giếng đào và giếng khoan. Ước tính, nắng hạn đã ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt của khoảng 113.940 hộ dân nông thôn (nhiều nhất là Quảng Bình khoảng 30.000 hộ, Quảng Nam khoảng 23.700 hộ, Quảng Ngãi 11.600 hộ...). Dự báo tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tổng cộng số hộ dân tiếp tục thiếu nước sinh hoạt thời gian tới khoảng trên 68.000 hộ, trong đó các tỉnh như Quảng Nam dự báo gia tăng lên khoảng 32.000 hộ, Quảng Ngãi khoảng 13.600 hộ, Bình Định khoảng 11.400 hộ và Phú Yên khoảng 10.000 hộ... Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt dự báo có nguy cơ tiếp tục diễn ra, với khoảng 70.800 hộ bị ảnh hưởng (Quảng Bình khoảng 35.000 hộ, Thừa Thiên Huế khoảng 10.800 hộ, Nghệ An hơn 10.000 hộ...). |