Ngày 4/6/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì Hội nghị trực tuyến về Công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2021.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2020, kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2021, trong đó cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất theo tinh thần, nội dung Chỉ thị 42/CT-TW và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19, xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra hết sức phức tạp, dị thường với gần 500 đợt thiên tai ở quy mô quốc gia và khu vực; số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Mặc dù đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Tại Việt Nam, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước.
Cụ thể, trong năm 2020 đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…
Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích (trong đó do bão, ATNĐ là 25 người; mưa lũ, ngập lụt là 108 người; lũ quét, sạt lở đất là 132 người; lốc, sét, mưa đá là 54 người và do các nguyên nhân khác là 38 người).
3.429 căn nhà bị sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng, trong đó do lũ, ngập lụt là 18.406 tỷ đồng; lũ quét, sạt lở đất là 16.756 tỷ đồng; bão là 1.338 tỷ đồng; lốc, sét, mưa đá là 938 tỷ đồng và thiên tai khác là 2.524 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông.
Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.
Theo nhận định của cơ quan dự báo, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông và trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2; lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.