| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng, khô hạn vẫn được mùa

Thứ Hai 07/09/2020 , 09:27 (GMT+7)

Sau cơn “mưa vàng” những ngày đầu tháng 8, cây lúa như có sức mạnh phi thường, hồi phục và phát triển mạnh trở lại rất nhanh chóng.

Vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh Nghệ An gieo cấy 59.039 ha, là vụ lúa có diện tích gieo cấy nhiều nhất trừ trước tới nay. Nhưng, sau khi gieo cấy gặp nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng, kéo dài, làm cho 17.297 ha lúa khô nẻ đất, trong số này có gần 5.000 ha bị hạn quá nặng làm khô, cháy. Sau cơn “mưa vàng” những ngày đầu tháng 8, cây lúa hồi phục và phát triển mạnh trở lại.

Đến nay, nhiều địa phương đã thu hoạch cơ bản xong, năng suất lúa bước đầu dự kiến đạt bình quân 45 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu 2019 là 2,54 tạ/ha. Không những được mùa mà còn được giá, giá lúa trên thị trường tự do đạt từ 7.000-7.500 đ/kg, cao hơn giá lúa vụ lúa hè thu năm ngoái từ 1.000-1.500đ/kg, bà con nông dân rất phấn khởi.

Được mùa, được giá

Tại huyện Yên Thành, theo ông Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Khánh Thành cho biết: “Vụ lúa hè thu năm nay toàn xã gieo cấy 313 ha, năng suất bình quân 56 tạ/ha, cao nhất huyện và cao hơn vụ hè thu năm ngoái 5 tạ/ha.Trong đó, 200 ha lúa gieo mạ để cấy cho năng suất 66 tạ/ha và 113 ha lúa gieo sạ đạt 50 tạ/ha”.

Cũng theo ông Phan Đình Tạo, trong vụ lúa hè thu, để bảo đảm vừa có được năng suất cao, vừa tránh né được mưa to, gây ngập úng khi mùa mưa bão đến thì phải chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt 2 việc sau đây: Thứ nhất, phải gieo mạ trước khi gặt lúa xuân 8-10 ngày để đẩy thời gian sinh trưởng của cây lúa về trước và lúa cấy hầu hết đều cho năng suất hơn lúa gieo sạ. Thứ hai, gặt xong lúa xuân, thuê máy cày bừa cấy ngay, thậm chí cấy lúa cả ban đêm. Với vụ lúa hè thu gieo cấy càng sớm càng tốt, phải lấy “thì bù thục”. Thì là thời vụ, thục là đầu tư chăm sóc. Làm được hai việc này thì lúa hè thu sẽ cho năng suất cao và ăn chắc.

Nông dân huyện Diễn Châu thu hoạch lúa vụ hè thu. Ảnh: Báo Nghệ An.

Nông dân huyện Diễn Châu thu hoạch lúa vụ hè thu. Ảnh: Báo Nghệ An.

Yên Thành là huyện có diện tích gieo cấy lúa hè thu nhiều nhất tỉnh, với 11.200 ha. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năng suất lúa bước đầu dự kiến đạt bình quân 43 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu năm 2019 là 8 tạ/ha. Có thể nói, trong khó khăn, vất vả do hạn hán xẩy ra quá lớn, nhưng kết quả sản xuất đạt được như thế là thành công lắm rồi”.

HTX Nông nghiệp Nam Liên xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, vụ hè thu này gieo cấy 320 ha, được UBND huyện đánh giá có phong trào thâm canh lúa khá nhất huyện. Ông Võ Văn Giáp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Liên cho biết: “Vụ lúa hè thu này chúng tôi chỉ gieo cấy hai giống lúa VT-NA6 và ADI 28. Sau khi gieo cấy xong gặp nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng. Thế là cả Ban quản lý HTX và bà con người dân vô cùng lo lắng. Nhưng với quyết tâm không thể để ruộng bị khô nẻ đất, cả HTX và bà con nông dân tìm mọi biện pháp chống hạn bằng cách tận dụng triệt để mọi nguồn nước từ trong các ao hồ, đầm đìa để bơm tát cố giữ lấy màu xanh cho cây lúa. Thậm chí các ao nuôi cá có nước nhiều cũng bơm bớt nước để tưới lúa.

Đến nay có thể nói HTX chúng tôi được mùa lớn vụ lúa hè thu này với năng suất đạt bình quân 56 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu 2019 là 3 tạ/ha. Hiện tại giá lúa bán tại nhà cho tư thương và doanh nghiệp đến mua là 7.500 đ/kg, cao nhất từ trước lại nay”.

Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu phấn khởi nói: “Vụ hè thu năm nay chiến đấu rất vất vả với hạn hán, nhưng cũng thành công lớn. Toàn huyện gieo cấy được 9.023 ha lúa, 100% diện tích đều được gieo mạ để cấy, đến nay cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 53,5 tạ/ha, cao hơn vụ lúa hè thu 2019 là 11,04 tạ/ha”.

Một trong những huyện vừa qua gặp hạn hán lớn nhất tỉnh đó là huyện Hưng Nguyên. Theo ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện: “Toàn huyện vụ lúa hè thu này gieo cấy được 4.200 ha. Nguồn nước tưới cho lúa 90% dựa vào nước bơm điện được lấy từ sông Lam, qua bara Nam Đàn chảy về. Nhưng nước sông Lam quá cạn, nhiều trạm bơm phải ngừng hoạt động do nguồn nước không đủ, nhất là các trạm bơm cuối kênh. Vì vậy đã có hơn 300 ha lúa cháy khô và hạn... Hiện toàn huyện đã thu xong hơn 1.500 ha lúa cấy, số còn lại gieo sạ chuẩn bị thu hoạch. Năng suất dự kiến đạt bình quân 46 – 47 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu năm 2019 là 1 - 2 tạ/ha”.

Nguyên nhân được mùa và bài học 

Vụ lúa hè thu năm nay được mùa trong điều kiện hết sức vất vả vì nắng nóng và hạn hán kéo dài làm cho hàng ngàn ha lúa nứt nẻ đất, nhiều diện tích lúa bị cháy khô. Lúc đầu tưởng chừng sẽ là một vụ lúa hè thu mất mùa trông thấy. Nhưng có ai ngờ lại là một vụ lúa hè thu cho năng suất cao, cao hơn cả vụ hè thu năm ngoái 2,54 tạ/ha.

Thu hoạch lúa hè thu tại Thanh Chương. Ảnh: Báo Nghệ An.

Thu hoạch lúa hè thu tại Thanh Chương. Ảnh: Báo Nghệ An.

Vậy, câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân chủ yếu nào đã dẫn đến vụ lúa hè thu năm nay lại được mùa khá? Và đó cũng chính là bài học kinh nghiệm rút ra cho các vụ lúa hè thu năm sau. Đánh giá và nhận xét của nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cùng các chuyên gia và bà con nông dân như sau:

Một: Trước khi xẩy ra nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng, ngành Khí tượng Thủy văn đã có dự báo trước và từ dự báo này, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức hội nghị bán chuyên đề về nội dung các biện pháp phòng chống hạn. Đồng thời, UBND tỉnh có văn bản chỉ thị về công tác phòng chống hạn đến tận từng huyện, thành, thị… giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương phải chủ động phòng chống hạn bằng tất cả mọi biện pháp từ đắp bờ giữ nước, tích trữ nước trong các ao hồ, đầm đìa, sông suối, hạn chế gieo sạ làm lãng phí nước, quản lý và sử dụng nguồn nước ở các hồ đập hết sức tiết kiệm. Chuẩn bị đầy đủ các loại máy bơm dã chiến để bơm nước từ các sông suối, lòng hồ đập…

Khi mức độ hạn hán xẩy ra nghiêm trọng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động toàn bộ cả hệ thống chính trị vừa chống dịch COVID-19, vừa phân công cán bộ xuống tận các cơ sở vùng trọng điểm hạn hán nặng để cùng với cơ sở bằng mọi biện pháp chống hạn cứu lúa, không để lúa chết vì hạn hán.

Hai: Để có vụ lúa hè thu ăn chắc, tránh né được lụt bão và từ thực tế kinh nghiệm của nhiều vụ hè thu trước đây, ngành nông nghiệp Nghệ An chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt chủ trương gieo mạ trước khi gặt lúa xuân 8 - 10 ngày, gặt xong lúa xuân cấy ngay lúa hè thu. Hạn chế gieo sạ, vừa gây lãng phí nước, vừa kéo dài thời gian sinh trưởng về sau dễ gặp mưa to, gió bão làm mất mùa. Mặt khác, lúa cấy bao giờ cũng cho năng suất cao hơn lúa gieo sạ từ 15 - 17%.

Ba: Cơn mưa xẩy ra vào các ngày đầu tháng 8 trên phạm vi cả tỉnh được ví là “mưa vàng” đã thức dậy sự hồi sinh kỳ diệu của cây lúa phát triển với tốc độ như có một sức bật mãnh liệt xóa đi nhanh chóng tàn dư của hạn hán để trở lại bình thường. Rõ ràng cơn mưa vàng vừa qua đã đem lại mùa vàng có được trong vụ lúa hè thu năm nay với năng suất cao hơn cả vụ hè thu 2019 đến 2,54 tạ/ha.

Bốn: Áp dụng cơ giới hóa vào hơn 90% khâu làm đất và thu hoạch lúa. Với trên 14.000 máy cày bừa làm đất các loại, hơn 1.000 máy gặt đập đã góp phần vào việc gieo cấy nhanh, thu hoạch sớm và gọn để có vụ lúa hè thu trọn vẹn.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất