Thanh Hóa kiến nghị Quốc hội nhiều vấn đề quan trọng
Chiều 19/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã nghe Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022.
Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, cùng với cả nước, Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ được ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 49% dự toán, tăng 25% so với năm 2020. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137,6 nghìn tỷ đồng (98,3% kế hoạch), tăng 2,5% so với cùng kỳ. Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay…
Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”.
Năm 2022, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt từ 11,5%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 2.800 USD, tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 145.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt từ 28.143 tỷ đồng, thành lập mới từ 3.000 doanh nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37% trở lên…
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề để thực hiện tốt Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo, tạo điều kiện để Bộ Giao thông - Vận tải sớm đầu tư Dự án nạo vét luồng tàu từ bến cảng số 6 đến đê Bắc và nạo vét tuyến luồng nhánh từ bến số 4 vào cảng Gang thép Nghi Sơn; đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và Nhà ga hành khách T2 theo Quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cấp, cải tạo QL 217, QL 45…
Để giúp Mường Lát từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm ủng hộ, giúp đỡ để Mường Lát có bước phát triển mới.
Thanh Hóa nâng tầm vị thế
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Thanh Hóa là có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lập nhiều thành tích xuất sắc. Thanh Hóa trở thành điểm đến của các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn, tạo cho tỉnh có nhiều xung lực mới, làn sóng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao độ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, các thành phần kinh tế để tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, biến những áp lực, thách thức thành động lực cho sự phát triển; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thanh Hóa cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai hiệu quả công tác quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung bộ. Việc quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hóa phải theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, miền, kết nối thuận lợi với các đô thị trong vùng Bắc Trung bộ; kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường.
Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đưa Thanh Hóa trở thành một trọng những trung tâm lớn của Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến chế tạo.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Thanh Hóa cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng triển khai các công trình quy hoạch; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Lọc hóa dầu Nghi Sơn; đánh giá một cách toàn diện những ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh và xây dựng các kịch bản điều hành tăng trưởng phù hợp với diễn biến hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa và giao cho các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giải quyết tạo động lực để tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển mới trong tương lai.