| Hotline: 0983.970.780

Nem chua Ý Bình - sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Tĩnh

Thứ Bảy 12/10/2019 , 07:05 (GMT+7)

Sau 17 năm “nếm mật nằm gai” cùng chiếc nem chua truyền thống, thương hiệu nem Ý Bình “vô danh” nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.

12-20-24_1
Quy trình sản xuất được thực hiện khép kín từ khâu chọn nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm.

Cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tiền thân là một hộ sản xuất nem truyền thống nhỏ lẻ tại địa phương. Trước những năm 2000, gia đình chị Lê Thị Bình - chủ cơ sở thường xuyên làm nem chua sử dụng mỗi độ tết đến, xuân về. Chính hồi ức đẹp về chiếc nem mẹ làm đã thôi thúc người phụ nữ nhỏ thó khăn gói ra Thanh Hóa, Hà Nội rồi vào Bình Định học nghề, mở rộng cơ sở sản xuất.

Kế thừa hương vị truyền thống của gia đình cộng với kinh nghiệm học hỏi từ các địa phương nổi tiếng sản xuất nem chua, chị Bình mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng khép kín, mua sắm máy móc, thiết bị phát triển thương hiệu nem Ý Bình theo phương châm “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Các nguyên liệu đầu vào như bì lợn, thịt nạc mông, đinh lăng chúng tôi sử dụng đều đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, bì lợn được xử lý ở nhiệt độ trên 100 độ C nên không để lại chân lông”, chị Bình nói. Đồng thời cho hay, quy trình sản xuất nem được giám sát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm. Đặc biệt, nem Ý Bình không pha bột nên có màu sắc hồng tự nhiên, vị ngọt đậm đà. Riêng khâu bảo quản, cơ sở sử dụng máy hút chân không nên hạn sử dụng tối đa lên đến 45 ngày.

Hiện tại Ý Bình sản xuất 7 loại nem gồm: nem kẹp, nem trần, nem cau, nem bung, nem quả, nem cây và nem chiên. Mỗi loại có quy trình sản xuất, hình thức, màu sắc, hương vị riêng nhưng tất cả đều có chung “3 không” là không chất bảo quản, không hàn the và không chất tạo màu, tạo vị.

Thương hiệu Ý Bình, lô gô và mã số, mã vạch sản phẩm đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận. Theo chủ cơ sở, năm 2018 nem chua Ý Bình là 1 trong 6 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh “tiên phong” tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn, Ý Bình đẩy mạnh tham gia các hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Qua thời gian, thương hiệu nem Ý Bình có mặt tại các siêu thị và hơn chục tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An…

Chị Lê Thị Bình phấn khởi: “Từ khi tham gia OCOP, giá trị từng chiếc nem tăng cả về số lượng và giá thành. Trước chúng tôi bán 700 - 1.200đ/cái nhưng nay thấp nhất là 2.000đ/cái và cao nhất là 5.000đ/cái”. Với sự phát triển hiện nay, ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất nem Ý Bình còn giải quyết việc làm với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng cho 10 lao động.

12-20-24_2
Sau khi tham gia OCOP, sản phẩm nem Ý Bình gia nhập được các thị trường khó tính ở nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đánh giá: “Xuất phát điểm là một hộ sản xuất nhỏ nhưng với sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, Ý Bình đã xây dựng thành một cơ sở sản xuất nem chua bài bản, máy móc hiện đại. Sản phẩm đưa ra phân phối trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao”.

Mới đây, nem chua Ý Bình đã được tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Hiện cơ sở đang xây dựng kế hoạch phát triển quy mô sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nen chua độc đáo hơn, mẫu mã đẹp hơn đáp ứng tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao trong chương trình OCOP của tỉnh.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.