| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/07/2022 , 16:31 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

16:31 - 07/07/2022

Nền giáo dục 'tủ đè'

Tính đến 0h đêm qua, Status đoán đề văn là ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của tài khoản Kaito Kid đã có ít nhất 250 nghìn lượt like.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp “người” này đoán trúng đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có khoảng 1 triệu thí sinh tham gia, nhưng đến đêm qua, nếu đa số người bấm like là học sinh 12 thì nghĩa là ¼ trong số đó đã like tus của Kaito Kid! Có thể coi là “lộ đề” trên toàn quốc.

Tôi để chữ “lộ đề” trong ngoặc kép vì không cho rằng đề bị lộ thật, như một hình thức phạm pháp, mà là “lộ” theo nghĩa người ta có thể đoán trúng đề. Vì không ai “ăn cắp” được đề mà lại đi tung lên mạng như thế cả, họa chăng chỉ có kẻ điên. Mà nếu có điên thật thì cái “băng cướp” ấy cũng không để cho kẻ đó (Kiato Kid) phát tán như ngáo vậy được.

Vấn đề là gì? Thi cử ở Việt Nam, đến nay, vẫn là học gạo, học tủ, là “Muôn thủa vợ chồng A Phủ”. Cách đây vài tháng tôi có viết bài “Học sinh Việt Nam đang học và thi cái gì” đăng trên tờ Viettimes, trong đó chỉ ra rằng sau suốt 12 năm đi học thì ở kỳ thi quan trọng nhất của đời mình, học sinh cũng chỉ học và thi luẩn quẩn trong khoảng từ 7 - 10 tác phẩm. Nếu dùng phương án loại trừ (loại tác phẩm trong đề minh họa, loại tác phẩm trong 3 năm gần nhất…) thì xác suất đoán trúng đề sẽ nằm vào khảng ít nhất là 25%!

Bằng sự hiểu biết tường tận về nội dung các tác phẩm trong chương trình và sự nhạy cảm đặc biệt thì khả năng đoán trúng đề còn cao hơn gấp nhiều lần. Chính bản thân tôi cũng nhiều năm đoán trúng đề, đồng nghiệp tôi cũng thế.

Nội dung học, cách học, cách thi… trong nền giáo dục của chúng ta đang lâm trọng bệnh. Chính cái cách thiết kế chương trình và phương pháp kiểm tra đánh giá quá lạc hậu và tồi tệ đã sinh ra nạn “tủ bài”, đoán đề, học gạo suốt hàng chục năm nay. Câu “học tài thi phận”, vì thế, chưa bao giờ cũ trong nền giáo dục Việt Nam.

Từ cái chuyện một người có thể đoán trúng đề trong 3 năm liên tiếp, soi vào, ta thấy những nhức nhối và tai hại của một lối học hành có thể gọi là phản giáo dục. Đó đích thị là cái học từ chương, là khoa cử phong kiến. Mà nói thế cũng oan cho phong kiến, vì ít ra phong kiến còn học tới Tứ thư ngũ kinh, đó là cả một kho rộng lớn, chứ không phải chỉ mấy bài văn bài thơ con con trong sách giáo khoa, tụng suốt hàng năm trời để thi lấy bằng tú tài!

Giáo dục của chúng ta, cơ bản, vẫn là giáo dục kiểm tra trí nhớ, là giáo dục học thuộc lòng, giáo dục không có tư duy, không cần đến tư duy. Dăm bài văn bài thơ trong sách giáo khoa, cùng với một số bài văn mẫu về nó, đoán cho sát, tụng cho thuộc và thế là gọi là học, là giáo dục!

Việc cần “làm rõ” nguyên nhân “lộ đề” như đã nói trên thì cứ làm thôi; nhưng hơn hết, phải thay đổi lối dạy, học; thay đổi chương trình trên nền tảng của một tư tưởng giáo dục hiện đại, tiên tiến, đặt trọng tâm vào phát huy tư duy sáng tạo và độc lập suy nghĩ của người học. Không thể tiếp tục coi sự học chỉ là ghi chép và ghi nhớ được nữa.