| Hotline: 0983.970.780

Nên nghĩ 'bán' Hưng Yên, 'bán' Phố Hiến trước khi nghĩ bán nhãn lồng

Thứ Ba 09/08/2022 , 21:25 (GMT+7)

Nhấn mạnh lợi thế vị trí địa lý của Hưng Yên khi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở định hướng phát triển theo hướng đa giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều định hướng phát triển cho nông nghiệp Hưng Yên. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều định hướng phát triển cho nông nghiệp Hưng Yên. Ảnh: Đức Minh.

Phát triển đồng bộ các giải pháp

Chiều 9/8, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại lời nguyền "manh mún", "nhỏ lẻ" của ngành nông nghiệp. Ông cũng chia sẻ rằng, đa số mọi người khi nhắc tới nông nghiệp sẽ nghĩ tới chuyện bấp bênh, nghĩ đến nông thôn thì thấy buồn, còn nông dân đa số còn nghèo so với mặt bằng chung xã hội.

Để giải quyết một loạt vấn đề ấy, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng lãnh đạo tỉnh cần một "góc nhìn mới", "tầm nhìn mới" để giải quyết. Ông lấy ví dụ về nông sản tiêu biểu của tỉnh - nhãn lồng, và cho biết nhiều HTX, hộ nông dân vẫn còn trăn trở với quả nhãn ngay trên chính mảnh ruộng, thửa vườn của mình.

“Dự Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn của tỉnh sáng nay (ngày 9/8), tôi có dịp trò chuyện với một số người dân. Đa số đều muốn xóa bỏ "lời nguyền" và đồng lòng tham gia hình thức HTX, tổ hợp tác. Cái họ cần giờ là hướng đi mang tính đột phá", Bộ trưởng nói.

Sự "đột phá", như lời Bộ trưởng, đầu tiên nằm ở tư duy, nhận thức. Ông cho rằng, thay vì nghĩ bán nhãn lồng ở đâu, bán gà Đông Tảo được bao nhiêu tiền, người dân nên nghĩ tới việc "bán Hưng Yên, bán Phố Hiến" trước. Tại sao như vậy? Bởi Bộ trưởng tin rằng, nếu chỉ bán nông sản thuần túy dựa trên công sức lao động thì dễ chạm trần và liên tục phải cạnh tranh về giá với những sản phẩm tương lai. Ngược lại, nếu tích hợp thêm giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch vào trong sản phẩm, thứ mà người nông dân bán là giá trị, là thương phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Lấy cảm hứng từ sự nhộn nhịp của Phố Hiến hồi thế kỷ XVI - XVII, nơi hội tụ của các tàu thuyền nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán, từng được ca tụng là "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn địa phương giáp ranh Hà Nội sớm lấy lại hình ảnh của một đô thị sầm uất khi xưa. 

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông sẵn có, Bộ trưởng lưu ý Hưng Yên chú trọng phát triển những ngành công nghệ cao, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp bên cạnh việc tích hợp đa giá trị.

Một vấn đề nữa được lãnh đạo ngành nông nghiệp khơi gợi là việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng những mô hình trung tâm dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp tại cấp huyện. Đây là cách làm từng giúp Hàn Quốc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách nhanh chóng, bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm HTX sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ tại Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm HTX sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ tại Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Cuối cùng là những chính sách đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào địa phương. Do phần lớn nông sản trên địa bàn có tính mùa vụ, nên Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên Hưng Yên cần lên sẵn các kịch bản cho nhà đầu tư làm gì khi trái vụ. 

"Những cái hữu hình thì hữu hạn, vô hình thì vô hạn. Giờ là lúc chúng ta cần bán 400 năm lịch sử Hưng Yên vào trong từng quả nhãn. Làm thế nào để người tiêu dùng thấy rằng ăn nhãn ở Hà nội sẽ không cảm xúc như ăn dưới gốc nhãn, khi đó giá trị nông sản mới có thể tăng hàng chục lần, hàng hóa nông sản mới trở thành dịch vụ", Bộ trưởng bày tỏ.

Sáng 9/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác Bộ NN-PTNT dự Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022. Đồng thời, Bộ trưởng tham gia Lễ Cắt băng xuất hành "Đưa nhãn và nông sản Hưng Yên vào hệ thống phân phối" năm 2022.

Năm 2022, diện tích nhãn toàn tỉnh Hưng Yên khoảng 5.000ha, trong đó có 4.800ha cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Nhãn chín sớm của tỉnh khoảng 5%, nhãn chính vụ khoảng 85%, còn lại là nhãn chín muộn. Diện tích nhãn được cấp chứng chỉ VietGAP đến nay là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích tại 81 cơ sở, vùng sản xuất. Ngoài bán quả tươi, khoảng 35% sản lượng nhãn còn được chế biến thành long nhãn.

Tiềm năng đất bãi

Hưng Yên có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 93.000ha, trong đó đất nông nghiệp, chiếm 63,3% diện tích. Là một tỉnh có diện tích nhỏ trên phạm vi cả nước, nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh liên tục tăng; đạt 13.318 tỷ đồng năm 2021, tăng 2,78% so với năm trước. 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,29% (kế hoạch năm là 2,2%), đạt mức khá so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế vùng bãi, trong đó có đầu tư các công trình văn hóa, phục hồi Phố Hiến cổ, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái...

Dù Hưng Yên tích cực chuyển đổi từ diện tích trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây, kết hợp nuôi thủy sản có giá trị cao hơn, đến nay chuyển đổi được trên 18.318ha, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Trần Quốc Văn bày tỏ vướng mắc tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Văn đề nghị Bộ quan tâm, chỉ đạo xử lý giúp Hưng Yên 2 dự án tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động và xã Phụng Công, huyện Văn Giang, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả về lợi thế đất đai. Bên cạnh đó, các trạm bơm Xuân Quan, Nam Kẻ Sặt, cống lấy nước Nghị Xuyên và trạm bơm Cầu Thôn cũng được địa phương bày tỏ mong muốn giúp đỡ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cắt băng xuất hành 'Đưa nhãn và nông sản Hưng Yên vào hệ thống phân phối' năm 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cắt băng xuất hành "Đưa nhãn và nông sản Hưng Yên vào hệ thống phân phối" năm 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Lắng nghe ý kiến từ địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình với những chính sách khuyến khích người nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, hình thành những cánh đồng chuyên canh, mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất thêm phương án tái cơ cấu mục đích sử dụng đất cho tỉnh. Ông cho rằng, thay vì chuyển đổi đất nông nghiệp sang đô thị, du lịch, hoặc các mục đích phi nông nghiệp, Hưng Yên có thể xem xét xây dựng các khu đô thị trong vùng sản xuất nông nghiệp.

Gia tăng hơn nữa giá trị trên mỗi hecta đất

Đón nhận những cảm hứng được gợi mở từ Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cam kết tỉnh sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững.

“Con đường duy nhất để đảm bảo cuộc sống người dân, đó là gia tăng hơn nữa giá trị sản xuất trên mỗi hecta”, ông Nghĩa nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi lại những tâm sự của người nông dân bên vườn nông sản đặc trưng của Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi lại những tâm sự của người nông dân bên vườn nông sản đặc trưng của Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, giá trị sản xuất trung bình trên mỗi hecta đất của tỉnh năm 2021đạt 215 triệu đồng, thuộc tốp đầu cả nước.

Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thừa nhận, mức tăng trưởng về giá trị sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tạo ra bước đột phá so với cả nước. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hoặc xây dựng các chuỗi liên kết theo Nghị định 57/NĐ-CP hiện chưa nhiều. Việc dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai còn một số hạn chế. Nông sản của tỉnh, kể cả đặc sản nhãn lồng, vẫn chủ yếu được chế biến thô.

Nguyên nhân, theo Bí thư Nguyễn Hữu Nghĩa, nằm ở xu hướng đất sản xuất nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm, trung bình mỗi năm là khoảng 1.000ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa chủ động và tổ chức liên kết với nhiều đơn vị sản xuất giống thủy sản để phát triển hơn nữa tiềm năng, lợi thế của một đô thị vệ tinh trong tương lai.

“Những gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan như tiếp thêm sức mạnh, giúp Hưng Yên vượt qua giới hạn của chính mình. Chúng tôi sẽ quán triệt các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý về định hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái. Với tiêu chí tất cả đều có thể tái sử dụng, ngành nông nghiệp tỉnh cam kết tạo ra niềm tin với người tiêu dùng, trước mắt là từ những khâu nhỏ nhất trong quy trình sản xuất”, Bí thư Nghĩa khẳng định.

Trong bối cảnh, diện tích đất có hạn, người đứng đầu Tỉnh ủy Hưng Yên cho rằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là giải pháp căn cơ cho các vấn đề của địa phương. Bí thư Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm và đa dạng hóa những nguồn lực, hỗ trợ tỉnh trong việc tái cơ cấu đất canh tác, cũng như xây dựng hạ tầng thủy lợi, nước sạch trong trung hạn sắp tới.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.