| Hotline: 0983.970.780

Nestlé Việt Nam cam kết đồng hành phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ Hai 26/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn coi cam kết của doanh nghiệp Nestlé Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho hợp tác công tư trong tương lai.

Ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé (thứ 3 từ trái sang) trao cây đến người nông dân (thứ 4 từ trái sang), khởi động dự án Nông lâm kết hợp tại Việt Nam.

Ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé (thứ 3 từ trái sang) trao cây đến người nông dân (thứ 4 từ trái sang), khởi động dự án Nông lâm kết hợp tại Việt Nam.

Mới đây, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đại diện cho Tập đoàn Nestlé Toàn cầu và Bộ NN-PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công tư, cam kết phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã gặp gỡ và làm việc với ông Mark Schneider, Tổng giám đốc điều hành Nestlé Toàn cầu.

Bản ghi nhớ nhận định Nestlé Việt Nam là thành viên tích cực của PSAV với nhiều hoạt động hợp tác công tư, là cầu nối giữa các Viện nghiên cứu và các cơ quan chức năng tại các địa phương thực hiện các dự án nhằm gia tăng giá trị trong toàn chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị cho nông sản, thúc đẩy nông nghiệp tái sinh góp phần đạt cam kết phát thải ròng bằng không (net zero), và cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị và Giám đốc Mark Schneider chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, đặt mục tiêu trồng ít nhất 2,3 triệu cây xanh (cây gỗ, cây ăn trái,…) tại 4 tỉnh Tây Nguyên, giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027). Mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ sản xuất và ngành cà phê Việt Nam, mà còn giúp bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi đất, giảm biến đổi khí hậu, tiến tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh Quy định của Liên minh châu Âu về chống phá rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực kể từ tháng 12/2024, hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Nestlé Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu cà phê Việt Nam, củng cố hình ảnh mặt hàng nông sản bền vững, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT để làm rõ những cơ hội trong tương lai mà Bản ghi nhớ với Nestlé Việt Nam là tiền đề quan trọng.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT (bên phải) và ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT vào ngày 20/6.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT (bên phải) và ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT vào ngày 20/6.

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Bộ NN-PTNT và Nestlé, doanh nghiệp thu mua và chế biến cà phê hàng đầu tại Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp và hỗ trợ triển khai dự án nông lâm kết hợp, trồng 2,3 triệu cây xanh tại khu vực Tây Nguyên?

Việc ký MOU giữa Bộ NN-PTNT và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) sẽ góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Đồng thời, Bản Ghi nhớ sẽ giúp tăng cường hợp tác, chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh hướng đến nền nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác đa bên.

Dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam của Tập đoàn Nestlé trên cơ sở phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Đại học Tây nguyên hướng tới mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây xanh, gồm cây rừng và cây ăn quả, ngay trên các nương rẫy cà phê theo mô hình nông lâm kết hợp/trồng xen canh tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông) trong giai đoạn 2023 - 2027 sẽ góp phần thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam.

Sáng kiến này được kỳ vọng vừa góp phần đem lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, đặc biệt tăng khả năng chống lại côn trùng và thích nghi với biến đổi khí hậu, thiên tai (hạn hán, mưa bão...), cải thiện chất lượng đất trồng.

Dự án cũng cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư.

Ở Việt Nam đã có doanh nghiệp trong nước nào quan tâm đến vấn đề tái tạo rừng như Nestlé?

Sáng kiến của Nestlé đã tạo cảm hứng và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp khác, gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, trước hết là trong ngành cà phê, áp dụng phương pháp quản trị hướng tới bao trùm và bền vững. Một số doanh nghiệp Việt Nam như Vĩnh Hiệp hiện còn đang hướng tới các sản phẩm cà phê hữu cơ để tiếp cận các thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở các ngành hàng khác cũng đang hướng tới cách làm ăn bài bản, đáp ứng các chuẩn quốc tế không chỉ về chất lượng mà còn thể hiện trách nhiệm của người sản xuất đối với môi trường.  

Trước bối cảnh EU chuẩn bị áp dụng EUDR, việc Nestlé tham gia vào phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tạo ra hiệu ứng gì trong khối doanh nghiệp tư nhân với vấn đề này trong thời gian tới?

Trong bối cảnh EU chuẩn bị áp dụng EUDR, Nestlé tham gia vào phát triển nông nghiệp bền vững thông qua hình thức đối tác công tư và dự án nông lâm kết hợp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao sinh kế cho bà con nông dân để ứng phó với những quy định mới của EU.

Đây không chỉ là để bảo vệ diện tích rừng hiện có, mà còn có thể gọi là mở rộng và tái tạo rừng, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn là không chỉ áp dụng cách tiếp cận thuận thiên (nature-base) mà còn là tái tạo tự nhiên (nature-positive).

Câu chuyện thành công của Nestlé sẽ có hiệu ứng mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia góp phần giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng thông qua tăng cường bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững với môi trường.

Nestlé đã cho thấy cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững tại Việt Nam, vậy ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ NN-PTNT có phương án gì để kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào vấn đề này thông qua hình thức hợp tác công tư?

Hợp tác theo hình thức đối tác công tư giữa Bộ NN-PTNT và Nestlé cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư.

Bộ NN-PTNT (thông qua PSAV) sẽ tạo cơ chế đối thoại thường xuyên để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường chính sách thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư để kết nối chặt chẽ với nông dân, phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững.

Qua đó, sẽ nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Nông nghiệp tái tạo là cách tiếp cận theo đó hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Cải tạo chất lượng đất giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập, sinh kế cho người nông dân.

(thực hiện)

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.