Đây là một lễ hội thường niên của dân làng. Lễ phóng sinh do dân làng Tình Quang và các nhà sư trong chùa Phổ Quang tổ chức. Cá được mua từ trại cá giống trong vùng, gồm rất nhiều loại : trôi, trắm, chép, rô, trê...Tiền mua cá do dân làng quyên góp và các nhà hảo tâm tài trợ. Đúng giờ, xe chở cá đến. Trong những cái bồn chứa cá đều có máy sục khí để đảm bảo cho cá sống khỏe mạnh. Hàng ngàn người xếp hàng từ cổng chùa đến bờ sông, miệng tụng kinh phóng sinh, tay chuyền những rổ cá thả xuống sông.
Phóng sinh là một truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Việc phóng sinh thường được thực hiện vào các ngày Phật đản (8/4 ÂL), ngày Vu Lan (15/7 ÂL) ngày tết (cả dương lịch lẫn âm lịch). Những sinh vật được phóng sinh rất phong phú, bao gồm chim, thú, cá, tôm... Việc phóng sinh bắt nguồn từ triết lý nhà phật, là chúng sinh bình đẳng. Con người cũng như mọi loài vật trên trái đất đều có quyền sống như nhau. Việc phóng sinh mang ý nghĩa nhân văn rất cao, và là sự giáo dục lòng từ bi của con người.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khi thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề, môi trường sinh thái bị mất cân bằng một cách nghiêm trọng. Các sinh vật từ biển đến rừng ngày càng bị săn bắt, khai thác đến cạn kiệt bởi các phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại, càng tinh vi. Dưới sông, trên biển thì nào lưới, nào giã cào, nào đăng nào lờ nào đó cho đến kích điện, thuốc nổ...Tất cả đều mang tính tận diệt. Thậm chí cả các loại cá mới nở hay trứng của chúng, cũng bị tàn sát hết do kích điện hay thuốc nổ. Việc khai thác kiểu tận diệt đó, cộng với môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đã khiến cho không những sông ngòi cạn kiệt thủy sinh đã đành, mà giầu có như biển cả cũng hóa nghèo nàn. Trên rừng thì cây cối bị cạo trọc, thú vật hết môi trường sống. Nếu đầu thế kỷ hai mươi, nước ta còn hàng ngàn con hổ, hàng ngàn con voi, hàng chục con tê giác, hàng trăm con bò tót, thì đến nay, chỉ còn chưa đến chục con hổ, chưa đến trăm con voi, tê giác và bò tót thì đã tuyệt chủng hoàn toàn. Và nếu cứ đà này, thì những loài thú đó chỉ còn trong phim ảnh. Những vườn quốc gia châu Phi, nếu đầu thế kỷ 20 còn hàng triệu con linh dương, trâu rừng, hươu nai, hàng chục ngàn con sư tử và báo đốm, linh cẩu...Thì đến nay, số lượng những loài thú đó chỉ còn rất thưa thớt, đã giảm đi mất bốn phần năm.
Trong điều kiện đó, thì việc phóng sinh, ngoài việc giúp cân bằng lại sinh thái, còn có ý nghĩa giáo dục con người trong việc bảo vệ thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ môi trường, giáo dục lòng từ bi hỷ xả theo triết lý nhà phật.
Những lễ hội phóng sinh như vậy, rất đáng được khuyến khích và duy trì.