Là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phòng không, Tập đoàn Almaz-Antey nổi tiếng với những sản phẩm như hệ thống tên lửa phòng không S-500, hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M2... Tập đoàn này từng nhiều lần đóng góp vũ khí, khí tại tại các cuộc duyệt binh ngày 9/5 tại Moscow, Liên bang Nga.
Song song với những vũ khí hạng nặng, Almaz-Antey còn phát triển đa dạng các thiết bị điện tử cho cả quân sự lẫn dân sự, trong đó có radar và thiết bị bay không người lái.
Máy bay không người lái của Almaz-Antey không chỉ có kích thước nhỏ gọn mà còn đạt tốc độ lên đến 120 km/h. Thiết bị này có thể được điều khiển ở khoảng cách lên đến 5 km, thậm chí được sử dụng ngoài vùng phủ sóng của kênh điều khiển nếu được lập trình sẵn đường bay.
Ông Alexander Ponomarenko, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phụ trách Kinh tế nước ngoài của Almaz-Antey cho biết, tập đoàn đã hợp tác và giao dịch với hơn 50 quốc gia về nhiều lĩnh vực như hệ thống kiểm soát không lưu, các loại radar điều phối hàng không, các thiết bị phòng chống phương tiện bay không người lái.
Hiện thế giới có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất thiết bị bay không người lái. Điều này ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng cho các mục tiêu dân sự như sân bay, nhà máy, tòa nhà chính phủ. Do đó, hầu hết các quốc gia đã và đang quan tâm tới việc phát triển những công nghệ để chống lại thiết bị bay không người lái.
"Thiếu kiểm soát thiết bị bay không người lái vô cùng ảnh hưởng đến các chuyến bay dân sự, hoặc những địa điểm như sân vận động hoặc trụ sở quan trọng. Vì vậy, chúng tôi đã phát triển những công nghệ đặc biệt để vô hiệu hóa các thiết bị này và đảm bảo an toàn cho những địa điểm tập trung đông người, quan trọng", ông Ponomarenko cho biết.
Theo vị Phó Tổng Giám đốc, những thiết bị hiện đại ngày nay được vận hành theo một chương trình cài trước. Cộng thêm kích thước vô cùng nhỏ, chúng gây ra khó khăn lớn cho việc phát hiện bằng radar thông thường.
Nhờ nhiều năm trong lĩnh vực này, với chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới, Almaz-Antey đã phát triển công nghệ đủ để ứng phó với nhóm đối tượng này. Ví dụ: tiêu diệt các drone nhỏ, 2 drone to nhỏ bay cùng nhau, hoặc drone tiêu diệt drone.
"Chúng tôi đã thử nghiệm và áp dụng thành công những thiết bị này tại Nga. Almaz-Antey hy vọng sẽ có nhiều quốc gia quan tâm đến công nghệ này, đặc biệt là từ phía Việt Nam", ông Ponomarenko chia sẻ.
Nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Liên bang Nga và qua Diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga - Việt" hồi cuối năm 2022, Tập đoàn Almaz-Antey đã làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Qua các buổi gặp, Almaz-Antey ghi nhận sự cởi mở của Việt Nam khi tiếp cận với các sản phẩm của công ty. Ông Ponomarenko nói "Hy vọng sớm được hợp tác với phía Việt Nam", đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án sân bay Long Thành và triển khai hệ thống radar kiểm soát không lưu, radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự của Almaz-Antey.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư là 965,8 triệu USD. Tiềm năng và dư địa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga rất lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ cao, cụ thể là những thiết bị phòng vệ dân sự, sự quan tâm chưa tương xứng với truyền thống hợp tác của hai nước.
Cam kết đầu tư tại Việt Nam ông Ponomarenko cho biết, hiện có nhiều tập đoàn tài chính nhà nước tại Nga, hoặc phi chính phủ có thể đến Việt Nam và liên kết với Almaz-Antey để triển khai các dự án về hạ tầng và lĩnh vực phòng vệ.
"Chúng tôi có thể đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hoặc làm mới sân bay, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm. Ngoài ra, chúng tôi có thể góp vốn để sản xuất không những phục vụ thị trường Việt Nam, mà còn để xuất khẩu ra thế giới", Phó Tổng Giám đốc Almaz-Antey bày tỏ.
Đánh giá Việt Nam giàu tiềm năng cho các công ty công nghệ cao, Almaz-Antey sẵn sàng trình bày các dự án đầu tư mới nhất. Lãnh đạo tập đoàn cho biết thêm, rằng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam được biết đến rộng rãi tại Nga. Đó là cơ sở xây dựng quan hệ hợp tác bền chặt.