Theo thống kê của ngành chức năng Bình Định, ước trong quý I/2023, sản lượng chế biến sản phẩm gỗ các loại của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đang gồng mình vượt khó bằng cách tổ chức lại sản xuất, cố gắng duy trì hoạt động, một số doanh nghiệp không khai thác được đơn hàng mới buộc phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng để giữ chân lao động.
Nguyên nhân tình hình sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong những tháng đầu năm mới còn ì ạch được các doanh nghiệp ngành gỗ giải thích, do tình trạng lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao dẫn đến hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại nhiều thị trường quốc tế còn cao, khiến nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ giảm mạnh.
Đơn cử, do không khai thác được đơn hàng mới, từ cuối năm 2022 đến nay, hoạt động của Công ty TNHH Nội ngoại thất Gia Hân ở TP Quy Nhơn gần như đình trệ. Công ty hiện đang có 100 lao động, để giữ chân công nhân, công ty phải tổ chức lại sản xuất, sắp xếp cho công nhân làm việc xoay vòng, mỗi người làm 10 ngày/tháng để ai cũng có việc làm cầm chừng.
“Phương án này được toàn bộ công nhân thống nhất, coi như cùng nhau chia sẻ khó khăn, không ai bỏ việc mà tiếp tục làm theo sắp xếp của công ty chờ ngày hoạt động trở lại bình thường. Chúng tôi kỳ vọng đến đầu tháng 6/2023 công ty sẽ có đơn hàng mới, khi đó tình hình hoạt động của công ty sẽ khởi sắc trở lại”, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Nội ngoại thất Gia Hân, cho biết.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất, sản lượng; hoặc phải dừng sản xuất, số lao động giảm mạnh đến 50 - 70%. Nhất là đối với các nhà máy chế biến gỗ mới xây dựng, hoặc đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt mới dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại mà không có đơn hàng càng lâm cảnh bi đát.
Hiện nay, dù ngành gỗ Bình Định vẫn đang bị khó khăn bủa vây, nhưng các doanh nghiệp vẫn tin tưởng tình hình xuất khẩu đồ gỗ trong nửa sau năm 2023 sẽ phục hồi.
“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thường xuyên bám sát thị trường thế giới để đưa ra phân tích, định hướng cho các doanh nghiệp thành viên vượt khó trong giai đoạn này để chủ động đón những đơn hàng mới trong thời gian tới. Trong thời gian này, các doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại hoạt động theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện hiện tại”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.
Cơ sở để ngành gỗ Bình Định kỳ vọng sẽ khởi sắc trong nửa sau năm 2023 là theo thông tin Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định vừa cập nhật, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đồ gỗ tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Anh hiện nay cơ bản đã được tiêu thụ gần hết, nên các nhà nhập khẩu bắt đầu nhập hàng trở lại. Bên cạnh đó, phí vận chuyển hàng hóa trên thế giới đang giảm sâu cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ.
Trước đây, một container đồ gỗ nội thất (loại 40 feet) vận chuyển từ Việt Nam đi Mỹ có mức phí từ 20.000 - 22.000 USD nay giảm hơn 10 lần. Việc giảm cước vận tải biển quốc tế giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm thị trường, tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng đầu ra.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định cho hay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp, tổ chức xúc tiến thương mại tại thị trường Úc, Hàn Quốc năm trong năm 2023 và chuẩn bị tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ tại Bình Định vào năm 2024.
Đồng thời, tổ chức hội thảo về phát triển các sản phẩm đồ gỗ nội thất, hội thảo về các máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất mới; tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước.
Trong thời gian tới, Sở Công thương Bình Định tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường tiêu dùng trực tuyến để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống.