| Hotline: 0983.970.780

Ngành NN-PTNT là đối tác thân thiện, tin cậy và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Thứ Tư 29/06/2022 , 10:59 (GMT+7)

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế, tạo hình ảnh đối tác thân thiện, tin cậy và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

1.

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản không ngừng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, từ 30 tỷ USD năm 2015 lên 48,7 tỷ USD năm 2021 (tăng 62,3%), và hiện đứng trong top 15 các quốc giá xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. NLTS Việt Nam tự hào có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên tỷ USD.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser. Ảnh: Lê Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser. Ảnh: Lê Trung Quân.

Chất lượng và giá trị nông sản không ngừng được nâng cao, nâng cao vị thế và hình ảnh nông sản Việt Nam. Tỷ trọng gạo chất lượng cao tăng, giá gạo xuất khẩu tăng, cuối 2020 đã vượt Thái Lan. Nhiều sản phẩm rau quả đã vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất bền vững, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, bền vững góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngành nông nghiệp cũng trở lên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2021, tổng số dự án luỹ kế còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp là 516 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3,72 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% tổng số dự án và 0,91% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp nông nghiệp lớn trên toàn cầu đều đã xuất hiện ở Việt Nam. FDI nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, cải thiện kỹ năng người lao động, nâng cấp công nghệ, chuyển đổi phương thức canh tác và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp này từng bước đã có định hướng xuất khẩu. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu NLTS của doanh nghiệp FDI là 8,6 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam.

Thêm vào đó, Việt Nam là nước tiên phong trong việc triển khai Sáng kiến nông nghiệp mới cùng Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thúc đẩy đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) cho phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sau, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm của sản phẩm nông nghiệp. Mô hình PPP của nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là mô hình tiên tiến và phát triển nhất trong các quốc gia Đông Nam Á theo đánh giá gần đây của Đại học Harvard.

Một thành tựu quan trọng khác của ngành nông nghiệp là khả năng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ NN-PTNT luôn chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50% cho thấy tầm quan trọng và mức độ đóng góp của nguồn vốn này trong những thành quả đạt được của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn vốn ODA đã được tập trung cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực khối viện trường, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…

Bên cạnh đó, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ trung ương đến địa phương. Chúng ta phải kể đến một số dự án tiêu biểu như: Dự án Hỗ trợ nông nghiệp có tưới (World Bank); Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (World Bank); Dự án chuyển đổi sinh kế ĐBSCL (World Bank); An toàn hồ chứa (World Bank); Dự án nước sạch miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên (ADB); Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA); Thủy lợi Bến tre (JICA)… Các chương trình, dự án ODA đã góp phần quan trọng hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện những được nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao cho ngành.

Để có được những thành tựu nêu trên, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế, tạo hình ảnh đối tác thân thiện, tin cậy và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chúng ta đã chủ động tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ động đề xuất và tham gia các Sáng kiến toàn cầu, chủ động tổ chức các Diễn đàn quốc tế lớn để huy động sự ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp thúc đẩy việc triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế ngành nông nghiệp.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến thăm và làm việc với Trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp NIAB, Vương quốc Anh. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến thăm và làm việc với Trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp NIAB, Vương quốc Anh. Ảnh: Nguyễn Thanh.

2.

Ngay kể cả trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 còn khá phức tạp trên toàn cầu, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã tích cực tham gia các đoàn cấp cao của Nhà nước để thăm và làm việc tại các thị trường lớn và quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam. Mở cửa thị trường và kết nối thương mại, đầu tư NLTS luôn là chủ đề quan trọng trong các chuyến công tác của lãnh đạo Bộ.

Có thể đơn cử như chuyến công tác đến Hoa Kỳ của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh vào tháng 9/2021 đã giúp chia sẻ thông tin cho các đối tác Hoa Kỳ, góp phần quan trọng cho việc khép lại vụ điều tra Gỗ 301, thúc đẩy mở cửa thị trường cho quả bưởi Việt Nam vao thị trường Hoa Kỳ.

Tiếp đó, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta đã xây dựng niềm tin trong quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, giúp tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng đã giúp các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam kết nối với các kênh tiêu thụ quan trọng tại thị trường toàn cầu qua các chuyến công tác, ví dụ như chuỗi đại siêu thị Walmart khi thăm Hoa Kỳ, chợ đầu mối Rungis khi thăm Pháp, Tập đoàn Aeon khi thăm Nhật Bản, Tập đoàn CJ khi thăm Hàn Quốc.

Trong các chuyến công tác của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, chúng ta cũng đã tham gia các Diễn đàn quốc tế lớn như Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quôc về Hệ thống lương thực, thực phẩm, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP 26)…

Việc tham gia tích cực vào các Diễn đàn toàn cầu và các tuyên bố đưa ra đã nâng cao hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung như đối tác có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, giúp xây dựng uy tín của hàng NLTS Việt Nam.

Kết quả của các chuyến công tác là chúng ta đã ký kết một loạt các Thỏa thuận, huy động sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác song phương (như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…) và đa phương (như World Bank, FAO, WWF và các tổ chức tài chính khác) cho mở cửa thị trường và phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.

Các sản phẩm nông sản OCOP được Bộ trưởng Lê Minh Hoan sử dụng làm quà tặng trong các chuyến công tác, làm việc với đối tác quốc tế. Ảnh: Lê Trung Quân.

Các sản phẩm nông sản OCOP được Bộ trưởng Lê Minh Hoan sử dụng làm quà tặng trong các chuyến công tác, làm việc với đối tác quốc tế. Ảnh: Lê Trung Quân.

3.

Các đối tác quốc tế đa phương và song phương đã có những đóng góp rất tích cực từ khâu hỗ trợ kỹ thuật cho xây dựng chiến lược, đến việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực và các nguồn lực khác để triển khai chiến lược.

Việc xây dựng nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững nhận được sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt của các đối tác quốc tế. Điều này vừa giúp chúng ta huy động được các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, có trách nhiệm với các vấn đề của toàn cầu.

Cụ thể, chúng ta đã tích cực huy động sự hỗ trợ và phối hợp với các đối tác quốc tế để xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành đến 2030 bao gồm Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí mê-tan đến 2030, Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về “Rừng và sử dụng đất”, Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống LTTP Việt Nam “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Các bên đều thống nhất cao trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao các công nghệ giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp cho Việt Nam; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư nông nghiệp xanh trên toàn chuỗi giá trị nông sản, mở rộng thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu ở các vùng sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn…

Và ngay sau khi các định hướng chiến lược, kế hoạch triển khai được xây dựng, chúng ta đã huy động được nguồn lực của các đối tác quốc tế cả đa phương và song phương, cả khu vực công và tư nhân để triển khai các dự án về giảm phát thải, phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, bảo tồn đa dạng sinh học trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi….

Đây là cơ sở để chúng ta tự tin trong việc tham gia các cam kết và sáng kiến quốc tế tại COP26, Sáng kiến quốc tế về: “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C) do Hoa Kỳ và UAE khởi xướng; Liên minh “Chuyển đổi hệ thống lương thực thông qua nông nghiệp sinh thái” do Pháp khởi xướng; Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG), do Hoa Kỳ khởi xướng; Chương trình nghị sự “Hành động chính sách hướng tới chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm bền vững thông qua điều chỉnh các chính sách và hỗ trợ công”, do Anh và Ngân hàng Thế giới khởi xướng; Chương trình “Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững” (SPS) do Thụy Sỹ, Costa Rica và WWF khởi xướng.

Hà Linh (ghi)

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm