| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

Thứ Hai 17/04/2023 , 14:46 (GMT+7)

Để khai thác tiềm năng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã xây dựng các mô hình, bước đầu mang lại kết quả rất khả quan.

Đầy tiềm năng 

Bình Thuận là tỉnh nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, với khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước. Với sự đa dạng, khác biệt về khí hậu và địa hình của tỉnh này đã tạo nên nhiều kiểu trạng thái rừng như: rừng khộp, rừng gỗ lá rộng thường xanh, rừng gỗ lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa…

Ngành nông nghiệp Bình Thuận đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: KS.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: KS.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, tỉnh này có diện tích rừng tự nhiên trên 288.564 ha và hơn 47.568 ha rừng trồng, độ che phủ rừng tới 43%. Dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như: xáo tam phân, thiên niên kiện, mật nhân, huyết rồng, nấm lim xanh, thầy thím, khoai mài (hoài sơn), sâm bố chính (hồng sâm)…được phân bố theo từng tiểu vùng khí hậu khác nhau trên địa bàn.

Chẳng hạn như dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) có sự phân bố nhiều loài nấm linh chi; khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố như sâm bố chính, ba kích, cốt toái bổ, xáo tam phân, mật nhân và bụt giấm. Còn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông (Tánh Linh) có củ mài gừng, thổ phục linh, cốt toái bổ, lan kim tuyến và khu vực rừng huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm…

Trước tiềm năng, lợi thế trên, việc nghiên cứu, đầu tư kịp thời trong việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân gần rừng là rất cần thiết.

Dưới tán rừng ở tỉnh Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu. Ảnh: Kim Sơ.

Dưới tán rừng ở tỉnh Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đầu năm 2022, Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm triển khai xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đồng thời phát triển nhân rộng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; tạo việc làm, tăng thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ cho người dân. Cũng như góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV).

Từ đó, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai trồng các loài cây dược liệu như: nấm linh chi (nấm lim xanh), sâm bố chính, khoai mài dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc lâm phận các Ban quản lý rừng phòng hộ: Sông Mao, Sông Lũy, Hồng Phú, Sông Móng - Ka Pét và Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, với tổng diện tích 0,8 ha.

Cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt

Theo ông Lê Thanh Sơn, các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đều mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, đối với việc trồng 0,3 ha sâm bố chính dưới tán rừng tự nhiên thì cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90% sau 1 tháng trồng và đạt 85% sau 6 tháng trồng. Còn 0,1 ha trồng dưới tán rừng trồng keo lai, sau một tháng trồng tỷ lệ sống đạt 85%. Tuy nhiên sau đó cây có hiện tượng chết khô do nắng nóng, khô hạn, tỷ lệ sống 50% sau 6 tháng trồng.

Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận thu hoạch dược liệu dưới tán rừng từ mô hình triển khai. Ảnh: KS.

Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận thu hoạch dược liệu dưới tán rừng từ mô hình triển khai. Ảnh: KS.

Đối với trồng 0,2 ha khoai mài dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng keo lai, cây cũng sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt từ 90-95% sau 1 tháng trồng. Và, sau 6 tháng trồng, cây có tỷ lệ sống đạt 90% đối với dưới rừng tự nhiên và đạt 60% dưới tán rừng trồng do có hiện tượng chết khô.

Còn đối với 0,2 ha nấm linh chi trồng dưới tán rừng lim có tỷ lệ sống đạt 90% sau 1 tháng trồng và đạt 85% sau 6 tháng trồng.

Theo thương lái chuyên thu mua nấm linh chi tại Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), nấm linh chi đỏ tự nhiên được thu mua với giá 300 ngàn đồng/kg tươi. Nhưng khi phơi khô (khoảng 4,5 kg nấm tươi được 1 kg nấm khô) sẽ bán ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên đối với nấm linh chi ươm giống dưới tán rừng thì theo báo giá thu mua của đơn vị cung ứng phôi nấm cho mô hình, mỗi kg nấm khô (15%) có giá từ 700 ngàn - 1 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho hay: "Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ có báo cáo tổng kết mô hình; đồng thời xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng và tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng mới trong năm 2023. Từ đó, đánh giá kết quả mô hình về giá trị kinh tế làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu".

  

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.