| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng nông nghiệp

Thứ Ba 23/05/2023 , 09:30 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực tài chính nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp.

Chưa khai phá hết tiềm năng nông nghiệp

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 700.000ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 350.000ha. Đối với tài nguyên đất đai của tỉnh này đa dạng và khá bằng phẳng, thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô hàng hóa lớn.

Bình Thuận là 'thủ phủ' thanh long của cả nước. Ảnh: Kim Sơ.

Bình Thuận là "thủ phủ" thanh long của cả nước. Ảnh: Kim Sơ.

Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng thanh long với diện tích gần 30.000ha, vùng lúa hơn 50.000ha, vùng cao su khoảng 45.000ha, vùng điều hơn 18.000ha… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành công nghiệp chế biến từ cây công nghiệp, lương thực, thực phẩm.

Với tổng diện tích đất có rừng hơn 340.000ha, trong đó rừng trồng và cây phân tán hơn 45.000ha; trữ lượng gỗ 25 triệu m³ và thảm cỏ là tiền đề thuận lợi để lập các nhà máy chế biến gỗ và phát triển các trang trại chăn nuôi đại gia súc cũng như các nhà máy chế biến thịt bò, heo...

Bên cạnh đó, tỉnh có bờ biển dài 192km, ngư trường rộng khoảng 52.000km2, là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Nhiều diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh. Đảo Phú Quý ở ngoài khơi nằm cách TP Phan Thiết 120km có thể nuôi cá lồng bè và các loại hải sản khác…Do đó, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi phục vụ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu.

Bình Thuận có điều kiện lý tưởng sản xuất tôm giống. Ảnh: Phương Mai.

Bình Thuận có điều kiện lý tưởng sản xuất tôm giống. Ảnh: Phương Mai.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 352 cơ sở sơ chế, chế biến nông, thủy sản, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế, chưa phát huy tiềm năng, khai thác hết mức sản phẩm chủ lực. Việc nghiên cứu, tiếp cận, triển khai các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa thật chủ động, các mô hình công nghệ cao còn ít. Chưa chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, xuất khẩu nông sản chủ yếu (thanh long, cao su) thiếu ổn định; khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn, nhất là đầu tư vùng sản xuất tập trung, hạ tầng thủy sản...

Chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại tại Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại tại Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Đặc biệt, việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Bởi chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, đủ năng lực, tiềm lực vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Trước tình hình trên, theo ông Mai Kiều, việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào nông nghiệp Bình Thuận là rất cần thiết và quan trọng. Nhất là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư quy mô lớn vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản có thế mạnh trên địa bàn. Từ đó, các doanh nghiệp phát huy vai trò “đầu tàu” trong việc hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và cam kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân. Cũng như tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa, đa giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao cho địa phương.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để khai thác tiềm năng. Ảnh: Phương Mai.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để khai thác tiềm năng. Ảnh: Phương Mai.

"Qua Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngành nông Bình Thuận kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn theo Quyết định số 2052 của UBND tỉnh về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bình Thuận gồm thanh long và các sản phẩm chế biến từ thanh long, bò thịt, tôm giống, sản phẩm chế biến từ thủy sản được hưởng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57 của Chính phủ và Quyết định số 2575 của UBND tỉnh về phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Nghị định số 98 của Chính phủ gồm các nhóm ngành hàng như sản phẩm thanh long; sản phẩm lúa, gạo; sản phẩm điều; sản phẩm rau các loại, sản phẩm chăn nuôi bò và sản phẩm chế biến thủy sản”, ông Kiều bày tỏ.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần Greenfeed, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Chăn nuôi TAFA Việt, Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc...

Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đầu tư nuôi gà đẻ trứng tại Bình Thuận hoàn toàn tự động, ngay cả việc lấy trứng. Ảnh: Phương Mai.

Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đầu tư nuôi gà đẻ trứng tại Bình Thuận hoàn toàn tự động, ngay cả việc lấy trứng. Ảnh: Phương Mai.

Bên cạnh đó, Bình Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Thuận được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2059 ngày 10/8/2018); cũng như khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao tại Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1) quy mô 90ha.

Song song đó, để thúc đẩy ngành nông nghiệp Bình Thuận phát triển, toàn tỉnh đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị cao và Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Khai thác cao su tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân.

Khai thác cao su tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân.

Đối với phía ngành nông nghiệp cũng đã và đang phối hợp các sở ngành liên quan và địa phương tham mưu xây dựng các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, lựa chọn những tập đoàn mạnh, nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư các lĩnh vực trụ cột.

Cùng với đó, hỗ trợ, sẵn sàng đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án đầu tư nhằm nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của tỉnh. Nhất là chính sách tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, có đủ đất đai để tiến hành sản xuất.

Đề xuất huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn. Cũng như ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá, hệ thống đê, kè chống sạt lở để nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu…

Theo ông Mai Kiều, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân. Hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; cũng như hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chú trọng công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại để định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phú Mỹ dành 8 tỷ đồng cho chương trình 'Xuân yêu thương, Tết sẻ chia'

Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã dành 8 tỷ đồng mang ‘Xuân yêu thương, Tết sẻ chia’ đến những hoàn cảnh khó khăn nhiều tỉnh, thành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.