| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD trong quý II/2023

Thứ Sáu 31/03/2023 , 13:54 (GMT+7)

Trong họp báo sáng 31/3, lãnh đạo ngành nông nghiệp đưa ra con số 14 tỷ USD làm mục tiêu cho kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý II/2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo của Bộ NN-PTNT sáng 31/3. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo của Bộ NN-PTNT sáng 31/3. Ảnh: Tùng Đinh.

Với những dự báo sớm về những khó khăn, thách thức của thị trường nông sản toàn cầu năm 2023, báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu ước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 7,2%. Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lợn giảm theo xu thế

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, việc giảm giá heo hơi trước hết không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng tác động toàn cầu do dịch Covid-19 gây đứt gãy.

Điển hình như ở Trung quốc, giá lợn của nước này có thời điểm năm 2022 cao hơn của Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã ngang với Việt Nam là 2,1 USD/kg, tương đương hơn 49.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi của Philipines, Thái Lan cũng ở mức thấp.

“Dịch Covid-19 đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và liên tục, cho đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại.

Mặt khác, sức mua của người tiêu dùng đang rất yếu. Trong khi đó, sản xuất ở quy mô nông hộ, trang trại cải thiện, năng suất cao nhờ áp dụng công nghệ”, ông Tống Xuân Chinh nói.

Về phía Bộ, ông Tống Xuân Chinh cho hay, hiện Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo mục tiêu đa giá trị.

Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, Cục Chăn nuôi đã báo cáo Bộ về khai thác ngách hẹp đối với thức ăn chăn nuôi đó là đề xuất giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu. Các Hiệp hội chăn nuôi đang có ý kiến, Bộ NN-PTNT cũng đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức thuế về 0%.

Thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Cục chăn nuôi áp dụng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trong đó có hỗ trợ nhiều mặt trong chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Liên quan đến mảng thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các tập đoàn như C.P, De Heus trồng nguyên liệu tại chỗ như sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra mục tiêu 14 tỷ USD xuất khẩu cho ngành nông nghiệp trong quý II/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra mục tiêu 14 tỷ USD xuất khẩu cho ngành nông nghiệp trong quý II/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD toàn ngành trong quý II/2023

Phân tích sâu về tình hình sản xuất và thương mại ngành nông nghiệp trong quý I/2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp trong nước và quốc tế, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022.

Bộ NN-PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng…

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên.

Thứ trưởng NN-PTNT cũng nói thêm, hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp.

Do đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp. “Tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngành cũng cần huy động tất cả nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, tạo thuận lợi cho bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái.

Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

“Trong quý II/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0% với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu mục tiêu.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.