Xuất khẩu nông lâm thủy sản đặt mục tiêu 14 tỷ USD trong quý 2. Tổng kết Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Từ 1/4 TP. HCM chỉ còn các nhà máy giết mổ công nghiệp. Trang bị 40 xuồng máy cho tỉnh Thừa Thiên - Huế phục vụ phòng chống thiên tai.
XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN ĐẶT MỤC TIÊU 14 TỶ USD TRONG QUÝ 2
– DUY HỌC
Sáng 31/3, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo thường kỳ quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2023. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong Quý II, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 2,9 đến 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng. Qua đó, tạo điều kiện để hoạt động xuất khẩu nông sản diễn ra thuận lợi; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định an ninh lương thực.
TỔNG KẾT DỰ ÁN HỖ TRỢ VIỆT NAM THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
– THANH THỦY
Phát biểu tại Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, sáng 31/3, Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN và MT, cho biết, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, sau gần bốn năm triển khai, dự án đã có những đóng góp quan trọng. Đặc biệt là tư vấn và hỗ trợ quá trình xây dựng khung chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu, xây dựng và cập nhật Đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính.Với sự hỗ trợ của Dự án và một số đối tác khác, Việt Nam trình Đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính năm 2020 và cập nhật năm 2022, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án cũng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT đến năm 2030; cũng như thực hiện Đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính ngành trồng trọt, chăn nuôi,…
TỪ 1/4 TP.HCM CHỈ CÒN CÁC NHÀ MÁY GIẾT MỔ CÔNG NGHIỆP
- NGUYỄN THỦY
Theo Quyết định số 231 của UBND TP. HCM, đến hết ngày 31/3, toàn bộ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư trên địa bàn TP sẽ ngưng hoạt động và chuyển vào các nhà máy giết mổ công nghiệp. Trừ cơ sở Trung Tuyến tại huyện Cần Giờ có công suất 15 con/ngày vẫn hoạt động để phục vụ người dân trên địa bàn huyện.Để tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, Sở NN&PTNT TP. HCM đã chỉ đạo lực lượng Thú y tham gia đoàn kiểm tra liên ngành ngưng kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ thủ công và chỉ kiểm soát các nhà máy giết công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc giết mổ lậu gia súc gia cầm trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang đến sản phẩm sạch cho người dân, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị.
TRANG CẤP 40 XUỒNG MÁY CHO TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ PHỤC VỤ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
– Công Điền
Bộ Công an vừa tổ chức bàn giao phương tiện thủy trang bị bổ sung cho Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai cũng như công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến đường thủy.Theo đó, 40 xuồng máy có công suất 15 mã lực và 30 phao bè sẽ được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trang bị cho Công an các xã, phường có địa hình thấp trũng. Đây là loại phương tiện có ưu điểm: gọn và cơ động, dễ sử dụng để phục vụ công tác xử lý các sự cố, phù hợp với công tác phòng, chống lụt, bão.Cũng trong dịp này, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trang cấp 20 xuồng gắn máy cho công an các đơn vị địa phương. Ngay sau khi tiếp nhận, các đơn vị đã kiểm tra, lắp đặt và chủ động bố trí phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác thường xuyên và đột xuất khi có yêu cầu.