| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An phục hồi, nhân rộng giống mít dai truyền thống

Thứ Hai 17/04/2023 , 16:03 (GMT+7)

Mít dai truyền thống ở Nghệ An nức tiếng thơm ngon. Tuy nhiên hiện nay, giống mít này đang đứng trước nguy cơ 'tuyệt chủng', vì vậy tỉnh Nghệ An đang phục hồi, nhân rộng.

Tiếc cho mít dai xứ Nghệ 

Mít là giống cây ăn quả lưu niên có giá trị dinh dưỡng cao. Tại tỉnh Nghệ An, mít ở xã, huyện nào cũng có. Tuy nhiên trong một thập niên qua, giống mít truyền thống đã được chặt hạ do tư thương mua thân cây với giá rất cao hoặc bà con chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Để bảo tồn và phục tráng lại giống mít dai truyền thống, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Qùy (trụ sở ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã thực hiện Dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống và trồng thâm canh giống mít dai Nghệ An.

Ảnh số 1: Gỗ mít được tư thương tận thu từ trong các vườn hộ. (Ảnh: Hồ Quang)

Gỗ mít được tư thương tận thu từ trong các vườn hộ. Ảnh: Hồ Quang.

Cây mít truyền thống ở Nghệ An có hai loại chính, đó là mít dai và mít mật. Hiện chưa có số liệu thống kê diện tích và số lượng về hai giống mít này. Nhưng thực tế ở xã, huyện nào cũng có. Vùng trung du và miền núi dân trồng nhiều hơn, ít nhất nhà nào cũng có dăm, bảy cây mít lưu niên trong vườn hộ. Nổi tiếng nhất là ở huyện Thanh Chương, mít dai và mít mật nhiều vô kể, ngoài việc quả mít chín được đem đi bán khắp nơi thì mít xanh, mít non đều được người dân thu hoạch rồi làm nhút.

Nhút Thanh Chương đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Huyện Nghĩa Đàn cũng có vùng quê chuyên canh về cây mít, "hữu xạ tự nhiên hương", chính nơi này đã trở thành tên gọi của làng, đó là làng Quán Mít, nay thuộc xã Nghĩa Thành. Mít ở Quán Mít nhiều và được đánh giá thơm ngon hàng đầu trong tỉnh.

Quả mít khi đã chín thì múi, xơ đều mềm, thơm, vàng và ngọt lịm. Du khách miền xuôi và các đoàn công tác từ trung ương đến tỉnh Nghệ An mỗi lần ngược Quốc lộ 48 đi công tác, thể nào họ cũng dừng chân nơi Quán Mít để mua mít về xuôi. Không những thế, mỗi khi mùa mít chín, tư thương từ Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành... đều đánh ô tô đến Quán Mít đăng ký với chủ hộ mua sỉ hết cả quả trên cây.

Mít Nghệ An nức tiếng một thời, kể lại bây giờ ai cũng nuối tiếc. Bởi mười năm trở lại đây, tư thương từ trong Nam, ngoài Bắc cứ rải người đi đến tận hang cùng ngõ hẻm các làng quê để săn lùng mua gỗ mít. Lõi gỗ mít không mối mọt, sức bền dẻo dai, màu hồng vàng bắt mắt, rất có giá trị trong việc chế tác đồ thờ cúng trong các cung đình, họ mạc và tư gia.

Ảnh số 2: Những cây mít được công nhận cây đầu dòng được bảo tồn để khai thác mắt ghép. (Ảnh: Hồ Quang)

Những cây mít được công nhận cây đầu dòng được bảo tồn để khai thác mắt ghép. Ảnh: Hồ Quang.

Mỗi cây mít có độ tuổi từ 20 năm trở lên đều được tư thương mua với giá hơn 5 triệu đồng; cây 30 năm, 40 năm có giá từ 10 triệu đồng trở lên. Với nông dân, sản phẩm mít chưa trở nên vùng hàng hóa tập trung, quả mít khi chín cũng không để được lâu, giá lại rẻ, thế cho nên khi thấy tư thương đến mua gỗ mít là họ bán để thu được một lần tiền. Thấy vậy, làng trên xóm dưới, nhà nào cũng kêu tư thương đến chặt hạ.

Bình tuyển, công nhận 10 cây mít dai đầu dòng

Chia sẻ về nỗi buồn cây mít truyền thống Nghệ An đang trên đà "tuyệt chủng", ông Nguyễn Văn Phường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Quỳ cho biết: Để lấp lại chỗ trống những vườn mít truyền thống đã bị đốn hạ, những năm gần đây, nông dân Nghệ An thường lấy hạt từ cây truyền thống để đem trồng, nhưng đến năm, sáu năm sau, khi mít ra quả thì quả rất ít, lại bị èo ọt, chất lượng rất kém. Do vậy người trồng lại chặt phá.

Đây là hệ quả của mít trong quá trình thụ phấn chéo đã bị phân ly, dẫn tới chỉ đạt 30 - 40% năng suất và chất lượng của cây bố mẹ. Cũng vì thế nên người dân đã nhanh chóng mua các giống mít lai về trồng. Trên thị trường trôi nổi tự do hiện đang xuất bán 12 - 15 giống mít có xuất xứ từ nước ngoài. Trong đó mít giống Thái Lan là nhiều nhất.

Ảnh số 3: Mít ghép từ cây đầu dòng mới 3 năm tuổi đã cho quả bói.( Ảnh: Hồ Quang)

Mít ghép từ cây đầu dòng mới 3 năm tuổi đã cho quả bói. Ảnh: Hồ Quang.

Tuy nhiên, người dân khi mua giống mít ngoại về trồng cũng gặp "may hơn khôn". Có nhà trồng được hơn 3 năm thì thấy có quả bói. Múi mít chín có nơi ngọt, nhưng cũng có nơi người dân nói ăn như khoai sống. Nhiều gia đình trồng mít lai 5 đến 6 năm thấy có quả ít, hoặc không có quả nên họ đã chặt hạ. Thiệt hại kinh tế lớn đã đành, lãng phí tài nguyên đất cũng không hề nhỏ. Hiện chưa có cơ quan chuyên môn nào khảo nghiệm, đánh giá về nguồn gốc xuất xứ, năng suất và chất lượng các giống mít ngoại lai này.

Vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Quỳ đã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình nhân giống và trồng thâm canh giống mít dai Nghệ An là việc làm cấp thiết.

Để thực hiện dự án khoa học này, đầu năm 2022, Trung tâm đã tiến hành đến các làng quê ở khắp tỉnh Nghệ An để điều tra, khảo nghiệm các giống mít dai truyền thống mà người dân đang để lại để kinh doanh. Trải qua thời gian điều tra, kiểm nghiệm và phỏng vấn người dân về năng suất, chất lượng, khả năng sinh trưởng, tính chống chịu sâu bệnh và thời tiết thiên tai..., Trung tâm đã lựa chọn được 34 cây mít lâu năm để bình tuyển cây ưu tú.

Ảnh số 4: Mắt ghép từ cây mít đầu dòng đã được cấy ghép vào thân cây ghép (Ảnh: Hồ Quang)

Mắt ghép từ cây mít đầu dòng đã được ghép vào gốc ghép. Ảnh: Hồ Quang.

Từ đây, trung tâm tiếp tục theo dõi, nghiên cứu chuyên sâu để sàng lọc ra 20 cây giống điển hình về mọi mặt. Tuy nhiên đến giai đoạn cuối cùng và qua các cung đoạn kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt, Sở NN-PTNT Nghệ An đã ban hành các quyết định công nhận 10 cây mít dai đầu dòng.

Trong đó có giống mít dai Nghệ (6 cây), có độ tuổi từ 20 đến 65 năm; giống mít dai dừa (4 cây), có độ tuổi từ 25 đến 100 năm. Các cây đầu dòng này là nguồn cung cấp mắt ghép để sản xuất cây giống có năng suất, chất lượng cao. Qua tính toán, mỗi cây mít đầu dòng, mỗi năm sẽ khai thác được 300 đến 1.000 mắt ghép.

Hiện trung tâm đã tiến hành gieo và chăm sóc 6.000 bầu cây gốc ghép. Gốc cây ghép được ươm gieo bằng hạt, sau 3 tháng cây con có chiều cao và đường kính đạt tiêu chuẩn để cấy mắt ghép vào. Theo đó, trung tâm đã đưa 2.400 mắt ghép vào bầu cây ghép.

Trao đổi với chúng tôi tại vườn ươm cây giống, chủ nhiệm thực hiện đề tài khoa học là kỹ sư Hà Thị Hồng cho biết: Sau thành công của dự án, ngoài việc cung cấp, thỏa mãn nguồn cây giống cho thị trường, trung tâm sẽ tiến hành xây dựng trồng thâm canh giống mít dai truyền thống với diện tích 4ha, đồng thời mở các lớp tập huấn khuyến nông để cán bộ, nhân dân hiểu biết, nắm vững kỹ thuật nhân giống và trồng thâm canh giống mít dai tuyền thống.

Trong Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Nghệ An phân giao nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2030 nhóm cây ăn quả có ưu thế đối với các địa phương sẽ phát triển mở rộng thêm 4.000ha, trong đó có cây mít là chủ lực.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.