Vừa thoáng gặp tôi, chị Nguyễn Thị Doan ở xã Chí Tân đã rầu rĩ như mất của: “Đói lắm” bác ạ! Nghệ rớt giá quá sâu. Càng trồng càng thua lỗ, trồng ít lỗ ít, trồng nhiều lỗ nhiều. Hộ làm khéo thì lỗ công lao động. Hộ làm vụng thì thâm cả vào vốn.
Để chứng minh cho những điều vừa nói, chị Doan đã liệt kê ra từng hạng mục chi cho trồng 1 sào Bắc Bộ (360m2) nghệ, bao gồm: giống 2.000.000 đồng; phân bón các loại 1.200.000 đồng; làm đất 200.000 đồng; thuốc bảo vệ thực vật 200.000 đồng, công lao động 3.600.000 đồng. Tổng chi 7.200.000 đồng.
Với năng suất nghệ bình quân đạt 1.000-1.200kg/sào và giá bán 4.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch/1 sào nghệ sẽ đạt 4.000.000 - 4.800.000 đồng; cộng thêm khoảng 1.000.000 đồng, nguồn thu từ các cây trồng xen canh và lấy lại một phần củ giống. Tổng thu nhập từ 1 sào nghệ cũng chỉ được 5.000.000 - 5.800.000 đồng.
Nhìn vào những con số trên, rõ ràng người trồng nghệ đang rất lỗ công lao động. "Đấy là sản xuất trên ruộng nhà, nếu trồng diện tích lớn từ 5 - 6 sào trở ra sẽ phải trả tiền thuê ruộng, các hộ trồng nghệ còn lỗ thêm khoảng 1.000.000 đồng/sào nữa", chị Doan thổ lộ.
Đồng tình với chia sẻ của chị Doan, ông Đào Văn Oanh (cùng xã Chí Tân) nhấn mạnh thêm: Nghệ đã rớt giá từ 3 năm nay. Mới đầu giảm xuống còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, nhiều người trồng nghệ ở đây đã thấy “choáng”, nhưng vẫn được lãi công lao động, nên tiếp tục đầu tư sản xuất. Sau đó cứ mỗi năm giảm 1 - 2 giá, đến nay chỉ bán được 4.000 đồng/kg nghệ củ loại đẹp, thì coi như lỗ "toàn tập".
Bà Hoàng Thị Chiên cũng buồn bã cho biết: Vừa mới thu hoạch xong 1,5 mẫu nghệ (cả trồng ruộng nhà cả trồng ruộng thuê), sau khi bán hết các loại củ, chỉ vừa đủ trả tiền thuê ruộng và các khoản đầu tư cho sản xuất, còn lại là lỗ vốn công lao động.
Còn nông dân Đào Văn Oanh cho hay: Các hộ trót thuê ruộng lâu năm để trồng nghệ, nay đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Một số hộ khác thì chuyển đổi sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu. Đa số các hộ còn lại vẫn kiên trì sản xuất trên các chân ruộng khoán của gia đình, hy vọng giá nghệ sẽ khởi sắc trở lại. Để có thể sống chờ đến khi cây nghệ lên giá, nhiều gia đình đã tự chế biến thủ công các sản phẩm của nhà làm ra, sau gửi tinh bột nghệ nhờ người thân ở các địa phương khác bán hộ.
Nguyên nhân của tình trạng nghệ rớt giá quá lâu như đã nói ở trên, là do mở rộng diện tích trồng nghệ quá nóng, dẫn tới cung vượt quá cầu. Hiện tại, cây nghệ không chỉ có ở Hưng Yên (khoảng 300ha), mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang phát triển trồng nghệ với diện tích khá lớn.
Bên cạnh các diện tích trồng tập trung thâm canh cao, còn có một phần diện tích khá lớn các loại nghệ mọc tự nhiên ở khu vực đồi rừng và trồng nhỏ lẻ trong nông hộ. Nghệ là cây dược liệu có phạm vi thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chế biến, nhiều nhà nông có thể trồng nghệ theo hướng tận dụng để tự cung tự cấp, thay vì phải mua sản phẩm cùng loại, đắt gấp nhiều lần trên thị trường. Đây cũng là một trong những lý do làm cho thị trường nghệ nguội lạnh mấy năm nay.
Theo một chủ hộ (xin được giấu tên) trồng nghệ trên địa bàn: Giá thành sản xuất 1kg tinh bột nghệ (theo phương pháp thủ công truyền thống) chỉ trên 100.000 đồng. Nhưng có cơ sở chế biến nghệ (qui mô công nghiệp) ở đây, đã xuất xưởng tới 500.000 đồng/kg tinh bột, tới tay người tiêu dùng sẽ là 600.000-800.000 đồng/kg (tuỳ đại lý), làm cho tầng lớp tiêu dùng bình dân khó tiếp cận được với sản phẩm này, chỉ những trường hợp cực chẳng đã như, người bị đau dạ dày kinh niên, bị mắc bệnh hiểm nghèo mới phải cắn răng mua dùng thường xuyên, đã hạn chế đáng kể sức mua tinh bột nghệ.
Đáng chú ý, về chất lượng sản phẩm của 2 phương pháp chế biến trên là tương đương. Nếu có hơn thì chế biến công nghiệp cho mẫu mã bao bì đẹp hơn mà thôi. Tuy nhiên giải pháp căn bản lâu dài vẫn là, đề nghị nhà nước tìm đầu ra xuất khẩu bột nghệ và tinh bột nghệ cho nhà nông.
Để chọn mua được sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý: Tinh bột chế biến từ nghệ đen luôn có màu trắng, không mùi; Chế biến từ nghệ vàng sẽ có màu vàng đồng nhất như lông gà con bóc trứng và có mùi thơm đặc trưng.