Nghệ củ của gia đình ông Tam đã quá thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua |
Xã Tam Lộc có khoảng 8ha trồng nghệ chủ yếu nằm ở hai thôn Đại Đồng và thôn Cẩm Long. Nếu như những năm trước, vào thời điểm này các vườn nghệ đã được người dân thu hoạch gần hết thì năm nay hầu như diện tích trên vẫn chưa thể xuất bán. Lý do là không có thương lái đến mua và người trồng lại không thể tìm được thị trường tiêu thụ với số lượng sản phẩm lớn.
Thông thường, mùa trồng nghệ của người dân xã Tam Lộc thường bắt đầu từ tháng 8 (dương lịch) và thu hoạch vào tháng 6 hàng năm. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vụ nghệ năm nay ở xã đã trễ mất hai tháng nhưng vẫn chưa thể bán được. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm nghệ địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ nghệ năm nay, gia đình ông Trương Văn Tam (50 tuổi, thôn Đại Đồng, Tam Lộc) trồng 10 sào nhưng đến nay vẫn chưa bán được cân nào. Vì đã quá thời gian thu hoạch nên diện tích trồng nghệ của ông đa phần lá cây đã tàn lụi, cỏ mọc um tùm. Nếu nhìn vào thì không ai biết được vùng đất này đang là vườn nghệ. Quá sốt ruột, ông Tâm đành đào bỏ 3 sào để xây chuồng gà phát triển hướng kinh tế khác.
“Năm ngoái vào lúc này thì vườn nghệ của gia đình cũng đã bán xong rồi. Giá bán lúc đó khoảng từ 10 – 15 ngàn đồng/kg nên cũng mang lại thu nhập tương đối khá. Thấy thế năm nay chúng tôi đầu tư trồng tiếp nhưng không ngờ lại xảy ra tình trạng này. Hơn 5 tấn nghệ củ trong vườn ùn ứ. Không có thương lái nào đến hỏi mua nên chúng tôi cũng không biết bán cho ai. Toàn bộ 30 triệu đồng chi phí đầu tư cho 10 sào nghệ nhà tôi có nguy cơ mất sạch”.
1ha diện tích trồng nghệ của ông Nguyễn Thanh Xuân (58 tuổi, thôn Đại Đồng) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Xuân cũng đã liên hệ tìm đầu ra nhưng vẫn chưa có kết quả. “Vừa rồi tôi nghe thông tin là có người sẽ thu mua nghệ với giá 6.000 đồng/kg nhưng vẫn không chắc chắn. So với năm ngoái thì mức giá thu mua xuống hơn 1 nửa nhưng dù sao tiêu thụ được cũng là tốt rồi. Còn không bán được nữa thì chấp nhận để vậy, qua năm sau lên lại được cây nào tốt cây đó”, ông Xuân chia sẻ.
Vườn nghệ không thể bán được nên ông Tam đành phá bỏ, san đất xây chuồng gà |
Theo ông Lê Mộng Anh Toàn, cán bộ nông nghiệp xã Tam Lộc thì với sản lượng nghệ củ trung bình của xã khoảng 8 tạ/1 sào (500m2) thì với diện tích trong địa phương có tất cả hơn 100 tấn nghệ tồn đọng. Lý do dẫn đến việc này là vì thị trường cung cầu không cân bằng. Bên cạnh đó, một số địa phương khác ở Tây Nguyên cũng trồng nghệ và sản phẩm chất lượng hơn nên nghệ củ của địa phương khó tiêu thụ.
“Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, chính quyền địa phương cũng đã liên hệ với các nhà máy chế biến tinh bột nghệ thu mua sản phẩm cho người dân nhưng hầu hết các nhà máy hiện nay đều chưa có nhu cầu. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm cách nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan", ông Toàn nói.
Ông Lê Mộng Anh Toàn: "Nếu mùa mưa tới mà vẫn nghệ không thể bán được thì dẫn đến nguy cơ thối củ, thiệt hại kinh tế cho người dân. Địa phương cũng rất mong muốn có đơn vị đứng ra thu mua lại sản phẩm để người trồng để vớt vát lại tiền vốn đầu tư”. |