| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang và niềm thương lục tỉnh ngậm ngùi

Thứ Ba 14/03/2023 , 17:30 (GMT+7)

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang không còn nữa, nhưng ông gửi lại cho công chúng hình ảnh một nhân vật cải lương mang đậm khí chất lục tỉnh thuở nào.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang cả đời cống hiến cho sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang cả đời cống hiến cho sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang đã qua đời tại Mỹ, sau một cơn đau tim, hưởng thọ 83 tuổi. Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang tên thật Dương Công Thuấn, là con trai của thầy đờn nổi danh Ba Diệp (nghệ danh Diệp Lang hàm nghĩa con trai của ông Diệp).

Tiếc thương Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang vẫy chào dương thế nơi đất khách quê người, lễ tưởng niệm sẽ được nhóm học trò của ông gồm Châu Thanh, Xuân Phước, Ngọc Huyền tổ chức tại chùa Tường Nguyên (quận 4, TP.HCM) vào ngày 17/3.

Báo NNVN xin giới thiệu bài viết của tác giả Lê Học Lãnh Vân, như một lời tri ân chân thành, như một lời đưa tiễn xa vắng.

“Đi rồi, nghệ sĩ Diệp Lang/ Nhớ anh sân khấu sáo đàn chen nhau/ Diễn như không diễn mà sao/ Chật phòng khán giả nghe sầu mênh mông/ Buổi chiều vọng cổ bên sông/ Ông già Lục Tỉnh hát lòng tha hương”

Từng coi gần như hết các vở cải lương có nghệ sĩ Diệp Lang đóng, giờ nghe tin anh mất, không buồn sao được? Nhưng, mấy câu thơ kia không để khóc anh, mà khóc cho buổi chiều Cải Lương!

Không biết về kịch nghệ, đâu dám nói gì về tài nghệ của nghệ sĩ Diệp Lang dù được nghe bao người tấm tắc. Chỉ biết, dù rất hâm mộ Thành Được, Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết, tôi chỉ sống trọn vẹn hơn với sân khấu, trong vở tuồng mỗi khi xem Diệp Lang, Hồng Nga diễn. Ấy là bởi hai nghệ sĩ này, nếu chưa là ngôi sao sáng nhất thời của họ, thì đã rất xứng đáng với lời khen diễn mà không diễn. Qua các vai diễn, hình ảnh ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì, chàng trai, cô gái được họ vẽ lên rất chân thực trên quê hương nơi họ sinh ra, sống, làm nghề, nơi sản sinh ra làn điệu cải lương, chính là đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trời rộng sông dài!

Cải lương, hiểu đơn giản, nghĩa là cải tiến cho tốt hơn. Phức tạp hơn người ta có thể hiểu theo hai câu “Cải cách hát ca, theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn mình”. Vậy, cái tên cải lương mang trong mình nó một giá trị rất quan trọng của nghệ thuật này là luôn luôn cải tiến.

Theo các bậc tiền bối, ông Năm Châu là người góp phần lớn nhất làm sâu sắc ý nghĩa thực tiễn của hai từ cải lương bằng cách đưa loại nghệ thuật tuồng này gần gũi với kịch hiện đại. Điều này được thể hiện bằng sự ra đời của các vở cải lương đề tài xã hội đương thời, và các vở cải lương theo tích cũ cũng được cải biến sao cho phần thoại và phần ca phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật và với nhịp điệu cuộc sống thực. Tiêu biểu cho khuynh hướng cải lương này là các vở Đời Cô Lựu, Nửa Đời Hương Phấn, Sân Khấu Về Khuya, Tuyệt Tình Ca cùng hàng chục vở khác…

Các vở cải lương đó rất được hoan nghênh, vì chúng đúng bản chất của người dân Lục Tỉnh trung thực, thẳng thắn, rộng mở, chân thành, có sao nói vậy, dễ chấp nhận điều mới, mang đầy đủ khí chất khai phá. Khí chất đó cũng nằm trong cách diễn, tiếng ca của những diễn viên cải lương. Cải lương đạt đỉnh cao thịnh thời vào thập niên 1960 rồi sau năm 1975 còn kéo dài thêm một thập niên nữa nhưng chỉ là kéo dài thêm thời thịnh trước năm 1975, để dần dần lịm xuống.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang (giữa) trong bộ phim 'Bình minh châu thổ'.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang (giữa) trong bộ phim "Bình minh châu thổ".

Những ai quan tâm tới sân khấu sau năm 1975 chắc không xa lạ với việc một vở diễn muốn được ra mắt công chúng phải qua nhiều cửa phúc khảo. Còn đâu bầu trời tự do cao rộng trên vùng đất mới khai phá để cho cải lương tiếp tục sự nghiệp và sứ mạng của mình? Cải lương không còn được tự do cải tiến thích hợp với đà phát triển tiệm tiến của cuộc sống.

Thời gian mười năm 1978 – 1988, xã hội đóng khung trong cơ chế xin cho, đông cứng trong ngăn sông cấm chợ, cải lương làm sao giữ được nếp phong lưu, phóng khoáng, trượng nghĩa khinh tài?

Mất đi những điều đó là cải lương đã mất tâm hồn của mình. Sau Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Trần Minh Khố Chuối, những vở cải lương ngày càng trở nên nhạt nhẽo… Buổi chiều cải lương đã được thấy trước từ buổi trưa oi bức!

Viết gần xong bài này thì được đọc tiếng lòng quá đỗi ngậm ngùi của Nguyễn Văn Tiến Hùng trước sự ra đi của Diệp Lang, “Buổi chiều rất chiều của Cải Lương giờ chỉ là những tin buồn lặng lẽ”, tôi gởi bạn một câu bình: “Cám ơn Tiến Hùng vì giọt lệ, chỉ một giọt thôi mà lăn ra từ nỗi lòng với cải lương, với một thời Nam Kỳ Lục Tỉnh! Chiều Cải Lương có là hình ảnh của Chiều tàn phong cách, Chiều tàn tấm lòng một Lục Tỉnh”.

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Lần thứ 4 vô địch liên tiếp Ngoại hạng Anh cho Man City?

Ngoại hạng Anh đã bước đến vòng đấu cuối, cuộc đua tìm ra nhà vô địch vẫn đang vô cùng căng thẳng, Man City lợi thế hơn Arsenal 2 điểm.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.