Địa điểm ông chọn để xuất hiện cũng phát đi những thông điệp ẩn ý, theo các chuyên gia.
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA ngày 2/5 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì và cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất phân bón Sunchon ở thành phố Sunchon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 50 km về phía bắc, hôm 1/5.
Ông Kim sau đó còn đi thị sát một số công đoạn sản xuất tại nhà máy. Tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên là các quan chức từ quân đội, đảng Lao động cầm quyền và chính quyền địa phương. Nhiều người đeo khẩu trang để phòng ngừa virus corona.
Sự kiện trên đánh dấu lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Kim kể từ ngày 11/4. Nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông đã dấy lên sau khi ông không dự hoạt động kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4.
Kim Jong-un từng vắng bóng gần 7 tuần hồi năm 2014 để phẫu thuật mắt cá chân. Tin đồn về sức khỏe của ông cũng dấy lên mạnh mẽ trong giai đoạn này. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên lại không có xu hướng phản ứng với những tin đồn quốc tế về sức khỏe các thành viên gia đình lãnh đạo. Chính sự im lặng này được một số nhà phân tích cho là “bất thường”.
Cheong Seong-chang, nhà phân tích tại Viện Sejong, Hàn Quốc, nhận định hình ảnh từ video lễ khánh thành cho thấy ông Kim dường như đang phục hồi sau khi gặp vấn đề sức khỏe, khiến cách đi gặp ảnh hưởng, có thể liên quan đến gót chân.
Một quan chức cấp cao tại Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, ngày 3/5 bác thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa trải qua một ca phẫu thuật.
Chuyến thị sát chỉ mang tính thường lệ nhưng nhà máy phân bón Sunchon đã thu hút sự chú ý của giới phân tích từ lâu vì khả năng lưỡng dụng.
“Triều Tiên không cần phân bón và đã có cách để chiết xuất bánh vàng trong quy trình sản xuất phân bón”, bà Margaret Croy, Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế, Monterey, bang California, Mỹ, cho biết trong báo cáo công bố tháng 4.
Theo báo cáo, nhà máy sản xuất phân bón mang đến cho ông Kim cơ hội để thúc đẩy kinh tế quốc gia bằng cách tăng sản lượng nông nghiệp và hỗ trợ chiết xuất uranium bằng axit phosphoric, giúp Bình Nhưỡng che giấu được hoạt động sản xuất hạt nhân với thế giới.
Bánh vàng (yellow cake), còn được gọi là urania, là một loại bột cô đặc uranium thu được từ các dung dịch lọc từ bước trung gian chế biến quặng urani, nằm trong quá trình chế biến uranium sau khi được khai thác nhưng trước khi chế tạo nhiên liệu hoặc làm giàu uranium.
Ông Kim từng tới thăm nhà máy phân bón Sunchon hồi tháng 1. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quy mô nhà máy tăng đáng kể từ sau lễ khởi công tháng 6/2017.
Tuy nhiên, nghiên cứu của bà Croy không đưa ra bằng chứng về việc nhà máy phân bón Sunchon nằm trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Về lý thuyết, nhà máy phân bón có thể dùng để sản xuất bánh vàng nhưng tại sao Triều Tiên phải làm vậy khi họ có thể sản xuất ra thứ tốt hơn thế?”, Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hàn Quốc về Thống nhất Quốc gia, một viện chính sách của chính phủ Hàn Quốc, nhận định.
Triều Tiên có nguồn dự trữ uranium đáng kể và từng thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) năm 1992 rằng họ có hai mỏ uranium, hai nhà máy xử lý uranium.
Bình Nhưỡng sau đó cho biết họ có một nhà máy làm giàu uranium sử dụng làm vũ khí. Giới chuyên gia nước ngoài tin con số trên thực tế nhiều hơn và cảnh báo Triều Tiên có đủ nguyên liệu để sản xuất 6 quả bom hạt nhân mỗi năm.
Giới chuyên gia Hàn Quốc có nhận định khác. Lần xuất hiện này là một ví dụ nữa về việc “ra hướng dẫn tại thực địa” – nằm trong phong cách lãnh đạo của ông Kim – giống như những lần chỉ đạo diễn tập quân sự có sử dụng vũ khí chiến lược hay chủ trì các sự kiện tại khu công nghiệp, dự án xã hội lớn.
“Sản xuất nông nghiệp là một ưu tiên hàng đầu, có tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân”, theo Koh Yu-hwan, chủ tịch Viện Hàn Quốc về Thống nhất Quốc gia.
“Sự trở lại bất ngờ của Kim là chiến lược để trở thành tiêu điểm của báo chí thế giới mà không cần phải thử hạt nhân hay phóng tên lửa”.
Ankit Panda, chuyên gia vũ khí thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, cho rằng “dù một số bộ phận phải nhập khẩu từ bên ngoài, Triều Tiên vẫn chứng tỏ họ có khả năng chế tạo khung tên lửa, nhiên liệu rắn và lỏng, thậm chí là động cơ tên lửa”.
Những gương mặt tháp tùng ông Kim cũng rất quen thuộc, gồm hai người đi đầu trong nỗ lực cải thiện kinh tế Triều Tiên trong nhiều năm qua là cựu thủ tướng Pak Pong-ju, hiện là phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, và Kim Jae-ryong, người kế nhiệm ông Pak. Hai ông từng cùng ông Kim dự lễ khởi công bệnh viện đa khoa ở Bình Nhưỡng hồi tháng 3.
Cạnh ông Kim còn có em gái Kim Yo-jong, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, Triều Tiên đã chuyển hướng sang phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa, phụ thuộc hết sức có thể vào công nghệ và nguyên liệu trong nước để hiện đại hóa vũ khí trong bối cảnh bị nhiều quốc gia như Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt. Hơn nữa, công nghệ vệ tinh do thám ngày càng hiện đại, khiến Triều Tiên bị theo dõi chặt chẽ hơn.
Ông Kim tái xuất hiện không gây ảnh hưởng nhiều đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, giới chuyên gia an ninh đánh giá. Mỹ và Triều Tiên đã không ngồi vào bàn đối thoại chính thức từ tháng 10/2019.
Trong bài phát biểu ngày 1/1, ông Kim dường như đã đóng cánh cửa ngoại giao với Washington, tuyên bố không bao giờ đánh đổi sự tôn nghiêm của quốc gia lấy ân xá lệnh trừng phạt.
Ông Kim còn cam kết sớm tiết lộ vũ khí chiến lược mới và không còn cảm thấy ràng buộc với lời hứa hoãn thử vũ khí tầm xa. Triều Tiên khá trầm lặng trong vài tháng đầu năm, chủ động đóng cửa biên giới với Trung Quốc hồi tháng 1 để ngăn virus corona lây lan. Đến tháng 3, quốc gia Đông Á này phóng thử vũ khí tầm ngắn 4 lần.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc xem nhẹ những thông tin cho rằng nhà máy phân bón Sunchon có thể được triển khai để chiết xuất uranium phục vụ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mô tả nhận định này là “không đáng tin”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/4 nói ông Kim vắng mặt “không phải là không ai biết nhưng đó là điều bất thường”.
Ông Pompeo tái khẳng định mục tiêu duy nhất của Mỹ là đảm bảo Triều Tiên “không sở hữu vũ khí hạt nhân và mang đến tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên”.
Hàn Quốc - quốc gia về cơ bản vẫn trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên bởi Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình - cũng có góc nhìn riêng về sự tái xuất của ông Kim.
Trong một phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul nhắc đến thông tin lan truyền trên nhiều kênh truyền thông về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên là “tin thất thiệt” và là “dịch bệnh thông tin”.
“Chúng tôi có đủ năng lực tình báo để có thể tự tin khẳng định không có dấu hiệu bất thường nào”, Bộ trưởng Kim nói.