Ngay từ bây giờ, các tác phẩm dự thi bắt đầu gửi về ứng thí, và sẽ được công chiếu tại ba đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng để công chúng thưởng thức và đánh giá. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là trách nhiệm phát triển nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà lại đang đặt trên vai các hãng phim tư nhân.
Bộ phim “Em là bà nội của anh” - một sản phẩm hài được làm lại từ kịch bản nước ngoài |
Liên hoan phim VN lần thứ 20 chắc chắn không có hãng phim Nhà nước nào góp mặt. Bởi lẽ, những đơn vị điện ảnh được nuôi dưỡng bằng ngân sách tiêu biểu như Hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện 1 và Hãng phim Giải Phóng suốt hai năm qua đều không có tác phẩm mới nào được triển khai.
Vấn đề tài chính trở ngại ư? Không hẳn, lương bổng vẫn cấp đầy đủ cho đội ngũ biên kịch, đạo diễn, quay phim… của các hãng phim Nhà nước. Cho nên, sự im hơi lặng tiếng của họ rất khó hiểu và rất khó lý giải. Bế tắc đề tài chăng? Khủng hoảng nhân lực trẻ chăng? Không tiếp cận được khán giả chăng? Câu hỏi nào cũng có câu trả lời đầy ái ngại.
Điện ảnh tư nhân áp đảo điện ảnh Nhà nước là có thật. Không chỉ ở Liên hoan phim VN, mà ở Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh VN cũng vậy. Thế nhưng, nếu không có giải pháp kịp thời và không có hành động tích cực, thì sự mai một dòng phim chính thống sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho đời sống văn hoá.
Thứ nhất, các phim tư nhân chỉ chạy theo thị hiếu để đáp ứng thị trường, khó có tác phẩm trụ lại với công chúng dài lâu. Thứ hai, các phim tư nhân chỉ khai thác hệ thống rạp chiếu đô thị, không có nhu cầu và không có nghĩa vụ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Một khi không có phim do Nhà nước đầu tư, thì không thể có nguồn phim chủ lực để các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh thành trình chiếu cho bà con nông thôn được thưởng thức điện ảnh.
Nếu không có các hãng phim Nhà nước thì không nói làm gì. Thế nhưng, đã có hãng phim Nhà nước thì khán giả có quyền đòi hỏi những tác phẩm tầm cao về yếu tố lịch sử cũng như yếu tố nhân văn. Hãng phim Nhà nước phải chứng minh sứ mệnh của mình, chứ không thể bỏ mặc thịnh suy của nền điện ảnh dân tộc cho các hãng phim tư nhân vốn chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Một Liên hoan điện ảnh cấp quốc gia được tổ chức bằng ngân sách, mà chỉ quẩn quanh vài bộ phim tư nhân tranh giải, thì không phải một thực trạng đáng buồn sao? Liên hoan phim quốc gia, không có hãng phim Nhà nước góp mặt, thì tại sao không giao luôn quyền đăng cai Liên hoan phim cho tư nhân, để họ có cách làm sinh động hơn, hấp dẫn hơn và “y phục xứng kỳ đức”.
Năm nay, Liên hoan phim VN lần thứ 20 không có hạng mục giải thưởng phim truyện video, mà thay bằng "Giải thưởng phim ASEAN". Mỗi quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ đề cử và tuyển chọn một bộ phim dự thi. Nhìn về mặt ngoại giao, thì “Giải thưởng phim ASEAN” có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Còn nhìn về mặt chất lượng, ngay cả quốc gia đăng cai cũng khó tìm ra một ứng viên tiêu biểu thì rất khó để tạo cú hích hiểu biết và giao lưu nghệ thuật thứ bảy giữa các quốc gia ASEAN.
Chủ đề của Liên hoan phim VN lần thứ 20 là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”. Nếu so với những khẩu hiệu mà những nhà điện ảnh từng phô diễn như “hội nhập và phát triển bền vững” thì khái niệm “nền công nghiệp điện ảnh” cụ thể hơn, thiết thực hơn. Tuy nhiên, để có một nền công nghiệp điện ảnh thì tầm vóc một ngày hội như Liên hoan phim VN lần thứ 20, xem chừng đáng âu lo làm sao. Bởi lẽ, không có nền công nghiệp điện ảnh của một quốc gia nào lại dựa dẫm hoàn toàn vào những bộ phim hài nhảm và những bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài.