| Hotline: 0983.970.780

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải - di sản của phụ nữ Mông

Thứ Tư 15/11/2023 , 10:12 (GMT+7)

YÊN BÁI Nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Tuấn Vũ.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Tuấn Vũ.

Theo Quyết định số 3413, ngày 10/11 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục của phụ nữ người Mông. 

Dụng cụ quan trọng là bút vẽ được thiết kế bởi 2 lá đồng, một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, có một ô trống nhỏ ở giữa hai lá đồng để tạo thành nơi chứa sáp ong. Ngòi bút là một lá đồng hình tam giác, được nẹp vào thanh tre. 

Hơn 20 năm qua, ông Lý Pàng Chua ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải được biết đến là người chế tác bút sáp ong nổi tiếng nhất. Ông Chua chia sẻ: bút vẽ có 3 loại, một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, càng mỏng manh vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Những nét vẽ là họa tiết, hoa văn hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi bản địa... 

Những tác phẩm trên vải được tạo nên từ sáp ong và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ người dân tộc Mông. Ảnh: Tuấn Vũ.

Những tác phẩm trên vải được tạo nên từ sáp ong và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ người dân tộc Mông. Ảnh: Tuấn Vũ.

Không chỉ vậy, chiếc bút được thiết kế với các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng. Bên trong là các hình ngôi sao, hoa bí, hoa tỏi, hoa mận, hoa đào, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá... Khi vẽ lên nền vải, người vẽ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, kết hợp điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên nền vải, đảm bảo đẹp và thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ Mông.

Theo truyền thống văn hóa của người Mông thì hầu hết nữ giới từ khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này, trước tiên là phục vụ nhu cầu trang phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi hàng hóa.

Ngày càng có nhiều thiếu nữ người Mông biết vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống. Ảnh: Tuấn Vũ.

Ngày càng có nhiều thiếu nữ người Mông biết vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống. Ảnh: Tuấn Vũ.

Chị Lý Thị Ninh ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cho biết: để làm được một bộ váy, người con gái Mông phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Ngay từ nhỏ, mỗi người đã phải học cách dệt vải, vẽ sáp ong. Không phải ai cũng vẽ đẹp được, phải tỉ mỉ, kiên trì tự ghi nhớ trong đầu và tự thực hành, rèn luyện tay nghề thì mới có thể tạo ra sản phẩm đẹp được... 

Sáp ong có hai khoảng màu vàng (sáp non) và màu nâu (sáp già). Sáp phải được lấy hết mật, rồi đem nấu mỗi loại một chảo khác nhau cho đến khi nóng chảy thành nước cốt. Người ta lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, trộn đều và đặt lên bếp. Nếu trộn hai thứ ngay từ đầu thì lên váy sẽ không được đẹp. Chảo để nấu sáp ong bao giờ cũng để nóng trong bếp lửa để sáp không bị khô. Khi kẻ vẽ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp để vẽ tiếp. 

Sáp ong được cho vào chiếc chảo nhỏ để trong bếp lửa cho tan chảy. Ảnh: Tuấn Vũ.

Sáp ong được cho vào chiếc chảo nhỏ để trong bếp lửa cho tan chảy. Ảnh: Tuấn Vũ.

Vẽ đến đâu quấn vải đến đấy để không bị bẩn. Vải được vẽ hoa văn xong thì bỏ vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các cô gái người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn vẫn duy trì và thực hành thường xuyên nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải trong đời sống hàng ngày. Nét văn hóa độc đáo riêng có này ngày càng được nhân rộng, được đưa vào truyền dạy trong các trường học để gìn giữ, bảo tồn và thu hút khách du lịch.

Những trang phục được vẽ bằng sáp ong được du khách rất ưa thích khi đến Mù Cang Chải. Ảnh: Tuấn Vũ.

Những trang phục được vẽ bằng sáp ong được du khách rất ưa thích khi đến Mù Cang Chải. Ảnh: Tuấn Vũ.

Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của đồng bào. Đây là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người đầu tiên của đồng bào Mông.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông Yên Bái được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông mà còn là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, góp phần quảng bá, giới thiệu, phát triển du lịch địa phương.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.