| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Vùng đất tổ của người Thái đen

Vùng đất tổ của người Thái đen

Nói đến người Thái là nói đến Nghĩa Lộ và ngược lại, bởi thung lũng Mường Lò chính là vùng đất tổ của người Thái đen.

Tại lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò năm nay tôi lại gặp nghệ nhân Lò Văn Biến trong đêm hội xòe có đúng 2023 người tham gia biểu diễn ở sân vận động trung tâm thị xã Nghĩa Lộ. Vẫn khuôn mặt tinh anh, mái tóc màu cước, vẫn dáng hình khoan thai trong chiếc áo cánh ngắn may bằng vải chàm truyền thống của đồng bào Thái.

Vẻ thoát tục y hệt như cái đêm tháng Chín năm ngoái, cái đêm mà ông cụ trình diễn tại lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 
Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến. Ảnh: Thanh Tiến.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến. Ảnh: Thanh Tiến.

Với người Thái đen ở Nghĩa Lộ, nghệ nhân Lò Văn Biến không chỉ là người có công lớn đưa nghệ thuật xòe Thái thành di sản. Xung quanh ông cụ là cả một nền văn hóa của đồng bào. Người Thái đầu tiên của vùng Tây Bắc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, người cuối cùng sót lại của đội văn nghệ Mường Lò từng tham gia biểu diễn với vua Thái Đèo Văn Long thuở Tây Bắc thuộc Pháp. Một “pú dà”, cách gọi của đồng bào dành cho những người có vị thế của bậc tiên chỉ. Ông cụ đích thị là một di sản của cộng đồng. Mỗi lần nhìn hình ảnh nghệ nhân Lò Văn Biến hóa thân thành Tạo Xuông, Tạo Ngần, những thủ lĩnh đầu tiên của người Thái khi đặt chân đến vùng đất Tây Bắc này thì bất kể người Thái đen nào cũng cảm thấy trào lên niềm xúc động đặc biệt.

Như trong đêm diễn tháng Chín cách đây một năm. Có đoàn khách người Thái Lan về dự buổi lễ vinh danh nghệ thuật xòe, nhìn hình ảnh cụ Biến cưỡi ngựa dẫn đầu mấy chục người tái hiện lại công cuộc thiên di của đồng bào mình, gần như tất cả đều khóc. Khóc đến lúc hội tan thì kéo nhau lên Nậm Tốc Tát, thác nước đổ ở xã Thạch Lương, nơi theo truyền thuyết của người Thái đen là đường ma đi, là cánh cửa lên trời của mỗi linh hồn sau khi rời cõi trần vĩnh viễn. Nghe kể, đoàn khách Thái Lan hôm ấy có đến gần 200 người, sau khi lên Nậm Tốc Tát mỗi người xin lấy một nắm đất mang về. Đất ấy là đất tổ, đất thiêng, là gốc gác cha ông thuở trước đã làm một cuộc thiên di từ Mường Lò đi lên Điện Biên, đi qua xứ sở Triệu Voi rồi xuôi dòng Mê Kông để hình thành nên một cộng đồng dân tộc lớn của Vương quốc Thái Lan ngày nay. Hiện bên đó người Thái đen có mặt ở 11 tỉnh, hàng năm thường kéo nhau về tỉnh Chonburi để làm lễ cúng, vọng nhớ thương đất tổ Mường Lò.

Pay Mường Lò, cụ Biến mở đầu cuộc trò chuyện với tôi tại căn nhà riêng ở bản Cang Nà lúc hội vừa tan. Ông cụ chậm rãi kể rằng Mường Lò là vùng đất tổ của người Thái đen từ thuở Tạo Xuông, Tạo Ngần đi tìm đất, dựng bản, lập mường. “Từ ngàn năm trước, thuở Tạo đi tìm Mường, người Thái tìm đất dựng bản, tìm đất rộng có núi hình rồng bay, cạnh sông, cạnh suối…”, nghệ nhân rủ rỉ ca một đoạn trong bài dân ca cổ của đồng bào mình. Sau nhiều thế kỷ, tiếp nối đời này qua đời khác, người Thái xuôi theo những con sông, con suối, người Thái đi đến các thung lũng tìm đất lập Mường, cho đến nay vẫn chưa ai lý giải rõ ràng hà cớ gì lại thích đi như vậy. 

Theo số liệu thống kê bên ngành văn hóa, cộng đồng người Thái hiện giờ có khoảng hơn 10 triệu người sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới và phần lớn trong số đó đều “pay Mường Lò”, nghĩa là xác định vùng đất tổ ở Nghĩa Lộ ngày nay. Lễ hội Mường Lò năm nào cũng có ít nhất 7 đoàn người Thái ở các quốc gia về tham dự. Tại trong nước, các tỉnh khu vực Tây Bắc, vùng Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều vùng đất khác có người Thái đen sinh sống, họ luôn nhận mình gốc gác Mường Lò Yên Bái này.

Một dân tộc nổi tiếng hay đi như thế nhưng cũng thật lạ kỳ, Mường Lò – Nghĩa Lộ hôm nay được xem là vùng đất tinh hoa hội tụ, miền di sản của đất và người Tây Bắc. Từ cánh đồng Mường Lò danh tiếng “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” bao đời là nguồn sống của đồng bào, lấy nước từ dòng suối Thia tưới tắm sinh ra thứ gạo Mường Lò thơm ngon nức tiếng, cho đến mỗi gốc cây, hòn đá nơi đây đều chứa đựng văn hóa của cả một đồng bào.

 

Vừa mới mừng thọ tuổi chín mươi hồi tháng Giêng năm nay vậy mà cụ Biến vẫn phăm phăm dẫn tôi lên chứng tích giếng nước Viềng Công ở xã Hạnh Sơn, tương truyền là nơi quả bầu tiên từ trên trời rơi xuống, hạt văng ra thành các tộc người. Lại sang thành Viềng Công, nơi nghĩa quân Cầm Hánh lãnh đạo các dân tộc Mường Lò chống lại giặc phương Bắc hồi thế kỷ mười chín. Thăm bãi đá cổ ở Thạch Lương trông xa như cả ngàn con trâu mộng đang nằm, lễ vật tế thần linh dưới chân thác Nậm Tốc Tát. Đi bên dòng suối Thia nghe truyện kể của đồng bào Thái, đi lên Khu di tích lịch sử Căng Đồn – Nghĩa Lộ, Di tích Khu ủy Tây Bắc… Chuyện người Thái có phong tục thờ bên ngoại, mỗi gia đình đều có một nơi thờ tự nhằm thể hiện sự tôn kính với đằng nhà vợ. Là vì, con gái người ta nhọc nhằn nuôi nấng trưởng thành, dám đem phó thác cho một người xa lạ như mình thì mình phải sống sao để đừng có lỗi. Có câu châm ngôn, ghét bên ngoại con cái còi cọc, quý bên ngoại con cái mập mạp là vì thế.

Lang thang với ông cụ đến từng bản, từng làng mới hay người Thái đen rất thích kể chuyện. Và có cảm giác ở vùng đất Nghĩa Lộ này, từ hòn đá dưới suối, cái cây trên rừng cũng biết cách kể chuyện vậy. Đó chính là thứ hun đúc nên giá trị văn hóa đậm đà, lưu giữ hồn cốt một dân tộc có truyền thống thiên di.   Một hôm, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy dẫn theo nhà văn Võ Bá Cường vào Cang Nà tìm gặp cụ Biến. Hỏi, theo ông thứ quý giá nhất của người Thái đen là gì. Thưa rằng chính là hồn vía. Hồn vía của dân tộc, của một nền văn hóa chính là giá trị lớn nhất trên vùng đất tổ của người Thái đen này.

Vậy người Thái đen sợ nhất điều gì? Sợ mất hồn vía. Mấy chục năm qua tôi lặn lội đi tìm những điệu xòe cổ, những khúc dân ca của người Thái đen, bỏ công sức nghiền ngẫm chữ viết của đồng bào để trao truyền cho các cháu cũng vì những thứ quý giá nhất và điều sợ hãi đó. Hồn vía đồng bào chính là văn hóa, là di sản. Nghe xong ông Bí thư Tỉnh ủy lẳng lặng ra về. Mấy hôm sau tên cụ Biến đứng đầu trong tổ nghiên cứu, lập hồ sơ xin công nhận xòe Thái là di sản văn hóa. Lại một hành trình chung thủy và sắt son. Sắt son như mái tóc dài mượt đặc trưng của người con gái Thái một khi búi ngược lên thành Tằng Cẩu thì từ nay là gái đã có chồng, nước không đổi dòng lòng không đổi hướng.

Ông cụ vừa là kho tư liệu sống lại vừa tham gia sưu tập, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đưa xòe Thái Tây Bắc thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đi lên Mường So (Lai Châu), đi sang Thuận Châu (Sơn La), lên Mường Lay (Điện Biên)… ròng rã mấy năm trời đôi chân nghệ nhân Lò Văn Biến lang thang khắp vùng Tây Bắc. Đi tìm những điệu xòe, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nhưng phong tục tắm suối, Hạn Khuống, đám cưới, Tằng cẩu, dệt thổ cẩm…

Chính cụ Biến là người đã sưu tầm đủ 6 điệu xòe cổ của người Thái, bao gồm: khắm khăn mơi lẩu (nâng khăn mời rượu), nhôm khăn (tung khăn), đổn hôn (tiến lùi), phá xí (bổ bốn), khắm khen (nắm tay), ỏm lọm tốp mư (vòng tròn vỗ tay). Và bộ tài liệu chữ viết của đồng bào Thái trên khắp cả nước hiện nay đang sử dụng cũng là một tay nghệ nhân Lò Văn Biến biên soạn theo đơn đặt hàng của Bộ Nội vụ.

Có lẽ chính vì thế mà năm ngoái, sau khi nghe bà Pauline Tamesis, điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam công bố xòe Thái trở thành di sản nhân loại thì nhiều người Thái ở Tây Bắc đòi phong anh hùng cho nghệ nhân Lò Văn Biến. Nhắc lại chuyện này, ông cụ giãy nảy: Di sản văn hóa là tài sản chung của cộng đồng, bất kể ai cũng phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy chứ không phải anh hùng gì đâu.

 

Sau lễ hội năm nay cụ Biến lại quay về với công việc sưu tầm văn hóa người Thái, tham gia giảng dạy, truyền thụ văn hóa đồng bào ở các trường học, làng bản. Xòe Thái của Yên Bái nói riêng và 3 tỉnh Tây Bắc khác là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cũng được đưa vào Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật xòe Thái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên vùng đất Mường Lò – Nghĩa Lộ hôm nay, di sản 6 điệu xòe cổ của nghệ thuật xòe Thái đã được đưa vào tất cả các trường học theo mô hình trường học hạnh phúc. Sức sống di sản đang được giữ gìn, nuôi dưỡng mỗi ngày. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 10 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về phát triển du lịch, xòe Thái đang dần trở thành tài sản, giá trị cốt lõi đánh thức tiềm năng của vùng đất phía tây tỉnh Yên Bái. Xòe sinh ra từ người Thái, nuôi dưỡng bởi người Thái trở thành di sản thế giới, nhưng giá trị di sản ấy không chỉ dừng lại ở nghệ thuật văn hóa, tinh thần mà phải được nâng lên thành niềm tự hào dân tộc và đem lại giá trị kinh tế cho cộng đồng.

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho hay: Từ nhiều năm trước Nghĩa Lộ đã nằm trong số 7 huyện thị của cả nước được trung ương làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện, khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tương lai Nghĩa Lộ sẽ là thị xã văn hóa, du lịch, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng phía tây tỉnh Yên Bái và trở thành đô thị văn hóa di sản như Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để hiện thực được các mục tiêu phát triển, di sản sản nghệ thuật xòe Thái chính là giá trị lớn nhất. Người Nghĩa Lộ hôm nay đang khai thác và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc để làm du lịch, đặc biệt là khai thác và phát huy nghệ thuật xòe Thái để giới thiệu và quảng bá tới du khách.

Tôi theo ông Tuấn đi xuống vùng Nghĩa Lợi, Nghĩa An, 2 xã đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Những bản làng an yên của người Thái dường như còn nguyên sơ với những nếp nhà sàn cũ kỹ ven suối, ven đồng. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ, những năm gần đây các mô hình du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ thường liên kết với các đội văn nghệ dân gian của các thôn bản để biểu diễn nghệ thuật xòe Thái phục vụ khách du lịch. Mỗi đội văn nghệ có từ 5 - 7 thành viên, chủ yếu biểu diễn các tiết mục văn hóa dân gian và không thể thiếu trình diễn nghệ thuật xòe cổ.

Di sản ấy đang dần trở thành tài sản, xây dựng Mường Lò thuở trước, Nghĩa Lộ hôm nay bản sắc và hạnh phúc.

Hoàng Anh - Văn Việt - Thanh Tiến
Xem thêm