| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Nghị quyết chiếc khèn Mông

Nghị quyết chiếc khèn Mông

Nhà Thào Cáng Súa nằm chênh vênh trên một quả đồi, sớm tối đều nghe tiếng khèn Mông văng vẳng. Ngày nào im ắng, hiểu rằng lão lại đang vác khèn đi đâu đó.

 
 
Bài liên quan

Trên con đường độc đạo rộng chưa đầy một mét vắt vẻo qua sườn núi, chiếc xe máy của Thào A Sơ nhọc nhằn quăng quật chúng tôi ngược lên bản Sáng Nhù. Mặc cho chiếc xe lắm khi khò khè, muốn đổ kềnh ra ăn vạ vì quá tải thì anh cán bộ văn hóa xã Mồ Dề vẫn thao thao bất tuyệt những chuyện đặc biệt ở  vùng cao này.

Một là con đường trên núi, thành quả của Nghị quyết nhà nước và nhân dân cùng làm. Mấy năm trở lại đây Mù Cang Chải  có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã rồi vận động dân bản góp công gùi cát sỏi dưới suối Nậm Kim lên làm đường. Những con đường vắt qua sườn núi, ngoằn ngoèo như sợi chỉ. Ba năm qua, cả huyện Mù Cang Chải làm được khoảng hơn 300 km đường theo kiểu đặc biệt như thế, giúp kết nối rất nhiều bản làng trên núi gần hơn với trung tâm các xã.

Chuyện thứ hai, Sơ kể nhiều hơn, với giọng tự hào hơn, cứ như thể anh ta là nhân vật chính vậy. Chuyện về Thào Cáng Súa, nghệ nhân ưu tú đầu tiên của người Mông trên vùng cao Mù Cang Chải này. Người mà nếu Thào A Sơ có quyền xếp hạng chắc chắn anh ta sẽ phong Thào Cáng Súa nhất Tây Bắc, thậm chí là nhất Việt Nam. Ông ấy thổi khèn, múa khèn hay lắm, giọng Sơ không giấu sự ngưỡng mộ, hay đến mức lấy được 3 vợ luôn đấy. Đặc biệt Thào Cáng Súa là người duy nhất ở Mồ Dề có thể làm khèn Mông đúng theo kiểu truyền thống, bên Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai cũng phải tìm sang đây mua khèn của ông.

 

Lúc tôi đến, nghệ nhân Thào Cáng Súa đang cùng người vợ thứ ba ngồi làm khèn ở bên hiên nhà. Thấy bóng khách lạ, ông lão ôm khèn làm một điệu tươi vui đón chào. Tiếng khèn lúc rộn ràng đón khách, lúc rủ rỉ rù rì như kể chuyện về vùng đất, con người vùng cao. Đến đoạn cao trào ông lão đột nhiên bật dậy, vừa cuốn lấy khèn vừa làm một điệu múa khèn truyền thống, khéo léo, dẻo dai không thua gì thanh niên dù năm nay đã xấp xỉ tuổi thất thập.

Giống như nhiều đồng bào Mông ở trên bản Sáng Nhù này, nhà Thào Cáng Súa lấp thấp, cũ kỹ và gần như không có vật dụng nào đáng giá cả. Thì đã làm sao. Trước mặt là ruộng lúa, sau lưng là đồi ngô, lâu nay đồng bào ở Sáng Nhù đã không còn tình trạng đứt bữa nữa rồi. Đặc biệt với gia đình Thào Cáng Súa, kể từ khi Nghị quyết của Huyện ủy Mù Cang Chải ban hành chủ trương kết hợp phát triển du lịch với bản sắc văn hóa của đồng bào thì nghệ nhân ưu tú không những trở thành báu vật mà cuộc sống gia đình cũng thay đổi hẳn. Vừa đi biểu diễn, dạy dỗ các lớp học khèn vừa làm khèn bán cho khách du lịch, bán cho cộng đồng người Mông ở trên vùng cao cũng kiếm được kha khá. Nhưng sứ mệnh nghệ nhân của Thào Cáng Súa đâu phải vì miếng cơm, manh áo hay đại loại những thứ tầm thường như thế.

Thào Cáng Súa nói tiếng phổ thông chưa sõi, nhưng khoe, đã đi biểu diễn khèn khắp các tỉnh vùng cao Tây Bắc và lần nào cũng rinh giải vàng, giải nhất về cho huyện. Bốn lần xuống Hà Nội biểu diễn thì cả bốn ông mang huy chương vàng về, bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương dán kín vách gỗ căn nhà cũ. Ông cũng là người giỏi nhất khi biết chọn gỗ pơ mu làm thân khèn, chọn vỏ cây đào rừng làm đai khèn, chọn miếng đồng tốt nhất làm "lưỡi gà" cho chiếc khèn Mông tinh hoa bậc nhất. Bà vợ, Vàng Thị A mới chỉ ngoài bốn mươi khoe bằng tiếng Mông, Thào Cáng Súa có thể thổi thành thạo 60 bài khèn trong đám hiếu, ngày trước bà đồng ý làm vợ ông bởi vì nghe ông thổi thế này: Người ta có anh và có em, người ta sẽ đi ngủ cùng vợ cùng con một giấc ngon, nhưng ta đây không có, chỉ biết đi gọi đồi núi, cây rừng...

Nhờ bảng thành tích đáng nể nên khi Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Yên Bái xây dựng lý lịch di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn để đề nghị trung ương phê duyệt thì Thào Cáng Súa là người quan trọng nhất. Bởi trong số 15 nghệ nhân khèn Mông ở khắp vùng cao tỉnh Yên Bái, chỉ duy nhất Thào Cáng Súa là người được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu ưu tú. Ở xã Mồ Dề còn có thêm Sùng Chà Lềnh, Vàng A Lâu cũng là những nghệ nhân khèn Mông tiếng tăm, tuy nhiên so với Thào Cáng Súa vẫn là học trò. Thào A Su, học sinh lớp 12 mới đoạt giải Vàng hội thi khèn Mông huyện Mù Cang Chải chính là cậu con trai út của Thào Cáng Súa.

Nghị quyết của Huyện ủy Mù Cang Chải  giao xuống các xã là bằng mọi giá phải đưa tiếng khèn Mông trở thành di sản, trở thành âm hưởng đặc sắc nhất của núi rừng - giọng cán bộ văn hóa xã Mồ Dề đột nhiên hào hứng, dù thi thoảng tôi có hỏi Thào A Sơ có biết thổi khèn Mông hay lịch sử cây khèn ấy ra làm sao không thì anh liên tục gãi đầu. Đành phải mượn mấy dòng ở trong bộ hồ sơ trình Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Yên Bái vậy. Trong ấy chép thế này: Ngày xưa, có một gia đình đồng bào Mông cha mẹ mất sớm để lại sáu anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha vắng mẹ buồn tẻ, sáu anh em mỗi người làm ra một ống khèn thổi cho khuây khỏa. Cho đến một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản, gia đình sáu anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người phiêu bạt chỉ còn lại người em út. Nhớ các anh, chàng út gắn 6 chiếc khèn lại thành một, trở thành cây khèn của đồng bào Mông ngày nay.

Với người Mông, khèn Mông là vua của các loại khèn. Ảnh: Thanh Tiến.

Với người Mông, khèn Mông là vua của các loại khèn. Ảnh: Thanh Tiến.

Người Mông bảo đó là vua của các loại khèn. Anh Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải chia sẻ. Mặc dù vậy theo thống kê cả tỉnh Yên Bái hiện chỉ có 21 nghệ nhân biết chế tác khèn Mông, ở một số nơi số người giỏi trình diễn khèn Mông không còn nhiều nữa.

Để gìn giữ, phát triển văn hoá đặc sắc của đồng bào, năm 2023 huyện Mù Cang Chải đã thành lập 14 đội văn nghệ khèn Mông ở các xã trên địa bàn. Anh Bình phân tích, đồng bào trên đây gắn liền với 3 giá trị bản sắc rõ rệt đó là: Ruộng bậc thang, nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn gắn với văn hóa lễ hội. Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, khu du lịch quốc gia xác định bản sắc văn hóa là một trong ba yếu then chốt, chính vì vậy mới có nghị quyết khèn Mông và những người như Thào Cáng Súa trở thành báu vật, hạt nhân để hiện thực mục tiêu thoát nghèo. Chính từ những hạt nhân như Thào Cáng Súa, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng mô hình Di sản nghệ thuật biểu diễn của người Mông Mù Cang Chải ở xã Chế Cu Nha, mô hình sản phẩm thể thao, trò chơi dân gian của người Mông như ném pao, đẩy gậy ở Dế Xu Phình, trải nghiệm canh tác trên ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu, rèn đúc ở các bản làng Lao Chải, Mồ Dề, Khao Mang…

Phải đúng với tinh thần văn hoá còn dân tộc sẽ còn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải quả quyết. 

 

Bây giờ, đều đặn hàng tuần Thào Cáng Súa đi đến các trường học, các bản làng vùng cao để truyền dạy thế hệ trẻ người Mông những điệu múa khèn truyền thống và nghệ thuật chế tác khèn. Mấy năm nay Mù Cang Chải cũng xây dựng những mô hình lớp học hạnh phúc, trường học du lịch để giáo dục, trao truyền bản sắc văn hóa đồng bào cho các bạn trẻ. Những cán bộ văn hóa như Thào A Sơ cũng phải học. Các xã Mồ Dề, Lao Chải, Kim Nọi phải thành lập các đội văn nghệ, các lớp học khèn Mông. Giống như ở Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, mỗi xã có một đội văn nghệ khèn Mông truyền thống, hàng tuần diễn ở sân vận động trung tâm hoặc ở các mô hình du lịch cộng đồng.

Nói như Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, ông Nông Việt Yên, rồi đây chính giá trị văn hóa, bản sắc của đồng bào không chỉ là di sản mà sẽ là tài sản.

Hơn ai hết ông Yên là người hiểu rõ nhất giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc đối với sự phát triển của Mù Cang Chải, nhất là trong bối cảnh vùng cao này đang thực hiện các nghị quyết phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp, phát triển du lịch kết hợp với bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc.

Ông Yên chia sẻ thẳng thắn rằng, bản thân từng cảm thấy đau đớn khi lên Mù Cang Chải những ngày cuối nhiệm kỳ trước. “Có lần tôi đón một đoàn khách du lịch người Mỹ. Ba ông Tây với một ông phiên dịch người Việt mình. Họ sẵn sàng bỏ số tiền hơn 150 triệu để thuê trực thăng bay từ Nội Bài lên Mù Cang Chải, nhưng chỉ ở đây đúng hai ngày và tiêu hết chưa đến 200 USD. Vì sao vậy?”, Bí thư Huyện ủy đặt câu hỏi với đội ngũ lãnh đạo cốt cán của vùng đất du lịch.

Sau nửa nhiệm kỳ Mù Cang Chải hôm nay đã có câu trả lời. Lên với vùng cao hôm nay đã không còn cảnh ngắm ruộng bậc thang, chụp một vài bức ảnh xong rồi về, không còn cảnh nhìn đâu cũng thấy đói nghèo che hết đi bản sắc của đồng bào. Mù Cang Chải hôm nay giống như một bức tranh đa sắc. Sắc màu thiên nhiên, danh thắng với bạt ngàn hoa sơn tra mùa xuân, sắc ruộng bậc thang đẹp nhất vào mùa nước đổ và mùa lúa chín, sắc hoa tớ dày đỏ rực cả một mùa đông. Cảnh sắc thiên nhiên hòa với sắc màu văn hóa đặc sắc của đồng bào, hòa chung với men say lễ hội. Lễ mừng cơm mới, lễ hội Gầu Tào, Festival khèn Mông, lễ hội hoa tớ dày, hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp, Festival dù lượn Khau Phạ…

Mù Cang Chải cũng đang lập hồ sơ đề nghị công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản văn hóa thế giới và xây dựng Khu dự trữ sinh quyền thế giới tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo với diện tích trên 23.000ha. Cả một vùng cao đang chuyển mình cho mục tiêu bản sắc, an toàn và thân thiện.

Và hạnh phúc nữa chứ. Thào A Sơ nói trên đường đưa tôi rời bản Sáng Nhù. Nói như một hướng dẫn viên du lịch được đào tạo bài bản, rằng nếu nhìn trên số liệu thì xã Mồ Dề còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 66,5%, nhưng bà con đang thay đổi, đang biết cách khai thác danh thắng, bản sắc văn hoá để làm du lịch. Rồi đây rừng trúc Mồ Dề, Tháp Trời, thác Mơ, đồi Móng Ngựa, rừng sơn tra, ruộng bậc thang… tất cả sẽ trở thành tài nguyên, nguồn lực để bà con thoát nghèo.

Năm ngoái huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã du lịch võng lúa Móng Ngựa, một trong những điểm tham quan ruộng bậc thang đẹp nhất ở Mù Cang Chải. 14 hộ dân, 3,2ha ruộng được gom chung lại để phục vụ khách du lịch. Hàng trăm thanh niên trai tráng trong xã cũng được đào tạo trở thành xe ôm dẫn khách chuyên nghiệp, bản Háng Phừ Loa cũng nhờ đó đã trở thành bản du lịch cộng đồng…

 

Lên Mù Cang Chải lần này, tôi tìm lại vợ chồng Giàng A Dê - Vàng Thị Lý, chủ nhân homestay Hello Mù Cang Chải. Giữa năm ngoái, đi cùng đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu lên thăm Mù Cang Chải chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi trải nghiệm mô hình kết hợp giữa du lịch với bản sắc văn hóa đồng bào của đôi vợ chồng trẻ. Hỏi ra mới hay, Giàng A Dê vốn nổi tiếng khắp vùng cao này với giải thưởng Thanh niên sống đẹp của Trung ương Đoàn, người đầu tiên thành lập doanh nghiệp để đánh thức giá trị thiên nhiên, giá trị bản sắc quê hương.

Gặp lại Giàng A Dê, anh bảo, một năm qua du lịch cộng đồng kết hợp bản sắc văn hóa đồng bào đã phát triển rất vượt bậc, không chỉ các bạn trẻ tiên phong được học hành bài bản trở về xây dựng quê hương mà các đoàn thể phụ nữ, nông dân cũng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm du lịch.

Xã Chế Cu Nha ngoài hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm truyền thống còn có các tổ hợp tác rèn đúc nông cụ vừa bảo tồn giá trị văn hóa nghề rèn đúc, vừa phục vụ du lịch trải nghiệm bán sản phẩm cho du khách. Xã La Pán Tẩn có 28 cơ sở dịch vụ lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng, có tổ hợp tác phát triển khèn Mông, tổ nấu rượu thóc truyền thống, tổ vẽ sáp ong… Các bạn trẻ người Mông còn tổ chức những lễ hội thời trang của đồng bào, phục dựng những trò chơi ném pao, chơi tù lú…

Qua giới thiệu của Giàng A Dê, chúng tôi gặp Hanzawa Satomi, cô gái người Nhật là tình nguyện viên của tổ chức JICA đã ở Mù Cang Chải được hơn hai năm. Trong quãng thời gian ấy Hanzawa Satomi đã cùng với phụ nữ ở xã Chế Cu Nha triển khai mô hình hợp tác xã kết hợp du lịch với trải nghiệm văn hóa. Một cô gái Nhật Bản lần đầu tiên đến Việt Nam, hành trang lên Mù Cang Chải cực kỳ ít ỏi, vậy mà sau hai năm trời ở vùng đất này dường như nếp ăn, nếp nghĩ của đồng bào với Satomi đã thân quen lắm. Cô hỗ trợ bà con làm du lịch theo chuỗi, phát huy giá trị những thứ tưởng chừng đơn giản nhất như chiếc túi thổ cẩm, vẽ sáp ong để bán hàng cho du khách. Cô giới thiệu vẻ đẹp và văn hoá đặc sắc của Mù Cang Chải đến bạn bè ở Nhật Bản. Kết nối với mọi người để làm phim về Mù Cang Chải quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.

Từ thành công ở Chế Cu Nha, Hanzawa Satomi dự định sẽ đến những hợp tác xã khác, hỗ trợ bà con phát triển nghề truyền thống khác với trọng tâm kết hợp phát triển du lịch. Nhiều kế hoạch như thế thì bao giờ lấy chồng, bao giờ trở về Nhật Bản, tôi hỏi.

Satomi cười tươi, nói “chi pâu”, tiếng Mông nghĩa là không biết. Có lẽ em đã yêu Mù Cang Chải mất rồi.

Đinh Yến - Văn Việt - Thanh Tiến
  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

    Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

    Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai

    Lãng du - những ấn tượng khó phai

    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng

    Cây vàng trên Mỏ Vàng

    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng

    Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng

    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung

    Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung

    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin

    Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin

    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng

    Canh giữ linh hồn của rừng

    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng

    'Cá thần' dưới chân thác Trăng

    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

Xem thêm