| Hotline: 0983.970.780

Nghèo ở thủ phủ ‘vàng xanh’ [Bài 1]: Bốn đời trồng luồng vẫn không khá nổi

Thứ Hai 04/12/2023 , 09:07 (GMT+7)

Tre, luồng ở xứ Thanh đã có hàng trăm năm nay, nhưng người dân vẫn nghèo giữa thủ phủ “vàng xanh”. Đây là bài toán không hề đơn giản với chính quyền địa phương.

Chưa thể giàu vì luồng

Cụ Lê Ngọc Yền dù tuổi đã cao nhưng khỏe như vâm. Ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh hóa) gia đình cụ được xem là một trong số ít hộ dân có diện tích trồng tre, luồng lớn nhất. Chiều muộn, cụ vẫn dùng hết sức ghì chặt gốc luồng vào yên xe máy, đầu kia để chỏng chơ, kéo lẹt xẹt dưới nền đường, rồi nhập cho đầu nậu thu mua cạnh nhà. Đây là chuyến luồng thứ 3 trong ngày của cụ. Mỗi lần vận chuyển, cụ chỉ kéo được 2 cây luồng trưởng thành. Chiều nay cụ Yền thu nhập 108 nghìn đồng từ việc bán luồng.

Cụ Yền chở luồng đến điểm thu mua để nhập cho thương lái. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ Yền chở luồng đến điểm thu mua để nhập cho thương lái. Ảnh: Quốc Toản.

Chiếc cúc áo trên người cụ cọ sát với thân luồng nên mất từ lúc nào không hay. Cụ chả thèm để ý chuyện đẹp, xấu, vội nhét số tiền nhàu nhĩ vừa kiếm được vào tay vợ rồi không quên dặn dò: “Bà cầm tạm mua thức ăn cho cháu. Còn thừa thì giữ lại lo việc khác”.

Vườn tre, luồng nhà cụ Yền nằm sát nách căn nhà đã cũ màu sơn. Cụ thừa nghề trồng tre, luồng của cha ông có từ hàng trăm năm nay từ khi lên 13 tuổi. Cụ chỉ nhớ, đến cụ là đời thứ 4 trong gia đình nối nghiệp cha ông. Bố cụ Yền mất để lại cho cụ 5ha, ước chừng 100 bụi tre, luồng. Cụ gắn bó với cây trồng này từ thuở ấu thơ, nhưng đời cụ chẳng thấy khá lên được. Đến đời con cụ cũng đỡ cực hơn phần nào vì chúng không theo nghề của cụ.

Nhắc đến loại cây bản địa, cụ Yền bỗng trầm tư, đôi mắt tần ngần hẳn ra như đang có tâm sự. Chuyện là, cách đây khá lâu, có cán bộ Trung ương về Lang Chánh rồi vào thẳng nhà cụ ngỏ ý muốn mua mấy khóm tre đưa ra lăng Bác để trồng. Cụ không cần suy, vác thuổng lên đồi, chọn vài bụi tre đẹp nhất trong khu rừng để dâng tặng.

Năm ngoái, khi ra thăm lăng Bác, cụ vẫn nhận ra bụi tre trước đây gia đình đã dâng tặng, nay đã cao gấp mấy lần đầu người. Cụ Yền xúc động bởi tre, luồng Lang Chánh vinh dự có mặt ở nơi là biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô, nên thi thoảng vẫn kể chuyện này cho con cháu nghe. Tự hào là vậy, nhưng cụ buồn vì cây tre, luồng vẫn không thể giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cụ Yền bảo: “Hàng trăm năm nay, người dân đều sống dựa vào cây tre, luồng. Mọi chuyện từ công to, việc lớn đến chuyện sinh hoạt phí hàng ngày đều dựa cả vào cây luồng. Chỉ có tre, luồng Lang Chánh và một số huyện vùng cao khác ở Thanh Hóa mới có chất lượng tốt. Bởi vậy, thương lái đóng chốt ở đây cả năm để thu gom hàng rồi nhập ra tỉnh ngoài”.

Cụ Yền cầm bức ảnh chụp tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ Yền cầm bức ảnh chụp tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Với 5ha tre, luồng, mỗi năm cụ Yền thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng chỉ đủ chi phí sinh hoạt trong nhà, chưa kể tiền vật tư, công chăm sóc. Cụ Yền làm mãi tre, luồng cũng chán. Cách đây vài năm, cụ mạnh dạn phá 3.000m2 tre, luồng để trồng keo với hy vọng cải thiện thu nhập, nhưng có vẻ không ăn thua. Nay cụ lại có ý định xóa xổ cây keo để trồng luồng.

“Trồng keo có thể thu về tiền cục, nhưng không cho thu nhập linh động như cây tre, luồng. Trồng keo phải 4 đến 5 năm mới được bán, nhưng luồng có thể bán tỉa quanh năm. Hễ có đám xá trong làng, chỉ cần lên đồi đốn vài cây là có tiền ngay. Nếu không có luồng thì gay đấy!”, cụ Yền cho biết.

Nhà cụ Yền may mắn hơn nhiều hộ dân còn lại vì đồi tre, luồng thoai thoải, dễ đi. Bởi vậy, cụ vẫn còn đủ sức chăm sóc, thu hoạch vườn rừng...

Luồng chỉ bán được nửa giá

Ông Lê Văn Phúc, cán bộ địa chính xã Tân Phúc là người bản địa nên khá hiểu tập quán canh tác của người dân. Bao năm nay, ông vẫn đi tìm lời giải về đầu ra và thu nhập từ cây tre, luồng ở xứ này.

Theo cán bộ Phúc, kiếm tiền từ cây tre, luồng không khó, nhưng để có thu nhập cao thì không dễ, bởi đầu ra sản phẩm còn hạn chế, trong khi vẫn còn tình trạng thương lái ép giá bà con. Cán bộ Phúc dẫn chứng, ở xã Tân Phúc có một số hộ dân có diện tích rừng tre, luồng lớn nhưng thu nhập chả ăn thua vì chi phí, công cán thuê mướn khá tốn kém.

“Địa hình ở vùng tre, luồng tại huyện Lang Chánh có độ dốc, nên để khai thác được luồng, các hộ dân phải thuê người chặt. Tính ra, mỗi cây luồng đến tuổi xuất bán có giá vài chục nghìn (khoảng 28 - 30 nghìn đồng) nhưng công thuê chặt mất một nửa. Vậy mà có người còn chê ít nên từ chối nhận khoán chặt cây! Người ta sợ cũng đúng vì nghề luồng nguy hiểm, cực nhọc. Có người bỏ cả nghề chặt và vận chuyển thuê vì hay tin có người chết người do xe luồng đè trúng người”, cán bộ Phúc thông tin.

Theo tìm hiểu để thuận lợi cho việc chặt, vận chuyển luồng, nhiều đầu nậu tại địa phương tự bỏ tiền làm đường lên khu vực trồng luồng, rồi dùng xe tắc tơ vận chuyển ra tuyến đường chính, nhập cho lái buôn… Một đầu nậu đóng chốt tại xã Tân Phúc tiết lộ, cây luồng từ lúc chặt đến khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ phải thông qua gần chục đầu mối. Sau khi trừ đi công cán thuê thợ bốc vác, chi phí xăng dầu, mỗi đầu mối hưởng lợi một ít từ giá trị cây luồng.

Dù là người trực tiếp trồng và sở hữu cây tre, luồng, nhưng nhiều người dân vẫn chưa cải thiện được thu nhập từ nghề này vì không được hưởng trọn vẹn số tiền bán luồng theo giá trị thị trường. 

Các đầu nậu tập kết luồng tại xã Tân Phúc (Lang Chánh) để vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Quốc Toản.

Các đầu nậu tập kết luồng tại xã Tân Phúc (Lang Chánh) để vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh) có khoảng 6.300 nhân khẩu, với khoảng 2.000ha rừng tre, luồng, trong đó hơn 90% người dân chủ yếu sống dựa dựa vào loại cây này. Ngoài cây tre, luồng, người dân trong xã còn cải thiện đời sống bằng việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng thu nhập không đáng kể.

Theo ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, mặc dù xã có diện tích rừng luồng lớn, nhưng thu nhập của bà con cũng không cao (khoảng 36 triệu đồng/năm). Xã tuy không còn hộ đói, nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Ngoài rừng luồng và chăn nuôi nhỏ lẻ, do không có việc làm, số lao động địa phương đến tuổi lao động (khoảng 1.000 người) phải đi làm ăn ở các tỉnh ngoài để kiếm thêm thu nhập. Cách đây không lâu, xã Tân Phúc xuýt được công nhận nông thôn mới, nhưng do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại xã còn cao, nên trượt mất mục tiêu.

Vị Chủ tịch xã Tân Phúc tiếc hùi hụi khi xã chưa thể cán đích nông thôn mới chỉ vì tiêu chí nghèo, cận nghèo chưa giảm, trong khi thu nhập của dân còn phụ thuộc quá nhiều vào cây luồng.

"Từ năm 2007 - 2016 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm 60 - 70%. Giai đoạn 2018 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%, cận nghèo còn 20%. Từ năm 2021 đến nay, theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ cận nghèo của xã tăng lên 20,89%, cận nghèo là 30,6%. Bởi vậy, đoàn thẩm định nông thôn mới nhận thấy tỷ lệ hộ cận nghèo trong xã còn cao, trong khi có thôn trong xã vài năm trước chưa có điện nên địa phương chưa được công nhận nông thôn mới”, ông Phú cho hay.

Rừng tre, luồng là nguồn sống của gia đình cụ Yền từ nhiều năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Rừng tre, luồng là nguồn sống của gia đình cụ Yền từ nhiều năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Phú, giá luồng 10 năm trở lại đây không chênh nhau mấy, nên thu nhập của người dân cũng vì thế mà ít được cải thiện. Có hộ dân đã phá luồng để trồng keo với hy vọng tăng thu nhập, nhưng vì nhiều lý do họ lại quay lại với cây luồng. Trong khi đó, lao động trẻ của địa phương cũng không mặn mà gì với nghề truyền thống này.

"Cách đây mươi năm, xã Tân Phúc rộ lên phong trào dân phá luồng trồng keo, nhưng thất bại vì cây keo không giải quyết được bài toán về thu nhập và chi tiêu hàng ngày của người dân như cây luồng. Trung bình mỗi ha luồng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Nếu chia diện tích luồng và thu nhập cho đầu người dân thì giá trị cây luồng mang lại cũng không cao.

Có năm người dân chặt luồng bán lấy tiền tiêu Tết nhưng sản phẩm không bán được cho ai, nên luồng chất đầy ven đường. Chúng tôi mong muốn nhà máy chế biến tre, luồng sớm phát huy hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho dân với giá cao hơn, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chỉ khi liên kết bền chặt trong sản xuất, người dân mới có hy vọng cải thiện thu nhập”, ông Phú cho biết.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...