| Hotline: 0983.970.780

Nghị định ưu đãi đầu tư cho ngành chăn nuôi chờ đột phá

Thứ Sáu 18/11/2022 , 17:21 (GMT+7)

Cục Chăn nuôi kỳ vọng, Nghị định mới về chính sách đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả chăn nuôi và khai thác hết dư địa, tạo động lực cho người sản xuất đầu tư.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi kỳ vọng, Nghị định mới khi ban hành sẽ tháo gỡ được 7 thách thức của ngành. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi kỳ vọng, Nghị định mới khi ban hành sẽ tháo gỡ được 7 thách thức của ngành. Ảnh: Trung Quân.

Tại Hội thảo Tham vấn Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, ngành chăn nuôi phát triển ổn định nhiều năm qua, góp phần đảm bảo sinh kế cho gần 10 triệu nông hộ và cung ứng đủ thịt, trứng, sữa cho gần 100 triệu người dân và khoảng 17 triệu khách du lịch mỗi năm.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần (đạt 6,7 triệu tấn), trứng tăng 2,7 lần (17,5 tỷ quả), sữa tươi tăng 4 lần (1,2 triệu tấn sữa), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần (đạt 21,5 triệu tấn).

"Ngành chăn nuôi góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, trong việc thực hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định tình hình xã hội của cả nước. Chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng được nâng cao, đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Thắng nói.

Dù đạt những thành tựu đáng ghi nhận, ngành chăn nuôi hiện đối mặt 7 thách thức gồm: Thiên tai và biến đổi khí hậu, dịch bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm môi trường, thiếu quỹ đất cho phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh đó là cạnh tranh về chất lượng và giá cả sản phẩm trong nước với hàng nhập khẩu. Chi phí sản xuất chăn nuôi tăng cao do lạm phát và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng. Liên kết chuỗi yếu, kết nối giữa sản xuất và thị trường còn hạn chế.

Để tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ những chính sách đầu tư xứng tầm, qua đó hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngày 18/11 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi đã tổ chức Hội thảo tham vấn các chuyên gia, địa phương, cơ quan quản lý và hiệp hội nhằm sớm ban hành một Nghị định mới.

Theo dự thảo Cục Chăn nuôi đang tiến hành xây dựng, Nghị định bao gồm 5 chương, 19 điều tập trung vào 2 nhóm chính sách: Đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi; Nâng cao hiệu quả chăn nuôi. 

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trung Quân.

Về phát triển chăn nuôi, dự thảo nghị định lên kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho ngành, trong đó hỗ trợ cả cho cơ quan quản lý, lẫn nâng cấp đường giao thông, hệ thống xử lý chất thải, cấp thoát nước, trang thiết bị.

Ngoài ra, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước được hỗ trợ xây vùng nguyên liệu, phát triển giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, chi phí thuê đất, hoặc chi phí mua vật tư, nguyên liệu. Các chợ đầu mối, cơ sở chăn nuôi bị di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi cũng nằm trong diện hỗ trợ.

Về nâng cao hiệu quả chăn nuôi, dự thảo nghị định chủ trương hỗ trợ phối giống nhân tạo với trâu, bò, lợn bao gồm cả vật tư lẫn con giống. Đồng thời, các hoạt động xử lý chất thải chăn nuôi, phối giống nhân tạo cũng được nghiên cứu mức hỗ trợ thích hợp.

Cục Chăn nuôi đánh giá, nếu nghị định mới được thông qua, người chăn nuôi sẽ hết những trăn trở như: Độ hiệu quả khi khai thác dư địa của ngành; Động lực cho người nuôi tiếp tục đầu tư phát triển; Giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường một cách đồng bộ.

Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp của FAO Việt Nam nhận định, chăn nuôi Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng vấp phải rủi ro về dịch bệnh như viêm da nổi cục, cúm gia cầm, dịch tai xanh...

Cam kết đồng hành và hỗ trợ ngành chăn nuôi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại diện FAO đồng tình với quan điểm, rằng cơ quan quản lý nhà nước cần sự thay đổi, cập nhật liên tục, thường xuyên để phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Ông nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam vui mừng khi thấy dự thảo nghị định đã đề cập đến một số "điểm nghẽn" của chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, do chăn nuôi hiện có nhiều nghị định, thông tư, đồng thời tỷ lệ số nông hộ nhỏ lẻ còn khá nhiều, ông Sơn cho rằng tổ biên tập dự thảo nghị định phải cân nhắc và chọn trúng vấn đề, thay vì đầu tư dàn trải.

Tại hội thảo, Sở NN-PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh phía Bắc bày tỏ mong muốn, nghị định mới sẽ không chồng chéo với các chính sách hiện tại, đồng thời kế thừa những chính sách đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua. Họ cũng hy vọng, nghị định sẽ tạo được cơ chế mới, đặc thù, hiệu lực và có tính đột phá cho ngành chăn nuôi.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp, ông Dương Tất Thắng cam kết Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, cởi mở, chia sẻ, tiếp thu để giúp nghị định mới trở thành sức bật cho ngành chăn nuôi. 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.