Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Ân Hữu và Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, Bình Định) với kinh phí 900 triệu đồng, quy mô 10.000 con gà giống. Trong đó tại xã Ân Hữu có 3 hộ tham gia với 6.000 con gà giống, xã Ân Nghĩa có 2 hộ tham gia với 4.000 con gà giống, mỗi hộ nuôi 2 lứa/năm (1.000 con/lứa). Dự án cấp giống gà CK1-BĐ thương phẩm của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát).
Nông dân tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông tập huấn quy trình chăn nuôi gà thịt. Gà giống có chất lượng tốt, màu lông đẹp, đồng đều, tỷ lệ nuôi sống cao. Toàn bộ sản phẩm của dự án đều được HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân mua với giá cao.
Từ thành công ban đầu, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai mô hình tại 2 xã Ân Đức và Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) cũng với quy mô 10.000 con/5 hộ với kinh phí 900 triệu đồng. Trong đó, xã Ân Đức có 3 hộ tham gia với 6.000 con gà giống; xã Ân Thạnh có 2 hộ tham gia với 4.000 con gà giống. Đợt này, nông dân được cấp giống gà MD2-BĐ thương phẩm của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước).
Trung tâm Khuyến nông Bình Định chịu trách nhiệm mua, cấp phát con giống, vật tư thiết yếu. Toàn bộ con giống, vật tư đầu vào đảm bảo số lượng, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mức hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo chính sách hỗ trợ ở địa bàn đồng bằng, gồm con giống, thức ăn, vacxin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học (tối đa 50% chi phí). Hộ dân tham gia mô hình đối ứng 50% chi phí đầu vào.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hằng, hộ tham gia mô hình ở xã Ân Đức, sau khi được Trung tâm Khuyến nông Bình Định cấp phát con giống, vật tư, hộ tham gia mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân tổ chức tập huấn quy trình chăn nuôi. Con giống MD2 được chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, tận dụng điều kiện địa hình vườn thả, nuôi gà dưới bóng cây. Gà hoạt động nhiều nên thịt thơm ngon, săn chắc.
“Mô hình còn sử dụng men sinh học trong quá trình chăn nuôi, giúp gà nhanh lớn, ít bệnh, không có hiện tượng mổ lông lưng, rụng lông để tạo ra sản phẩm đặc sản của Bình Định và đặc trưng gà thả vườn của huyện Hoài Ân”, bà Hằng chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đánh giá: Mô hình rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp của địa phương, hướng đến xây dựng nền chăn nuôi ổn định, bình ổn thị trường. Mô hình ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp mang lại thành công, nông dân có lãi. Mô hình cần được nhân rộng để hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương.
Cũng theo ông Vương, năm 2023, mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sau hơn 3 tháng nuôi gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 96,4%, khối lượng trung bình 1,7 - 1,8kg/con. HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân là đơn vị tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của dự án với giá 80.000đ/kg hơi (cao hơn thị trường 2.500đ/kg), hiệu quả kinh tế mang lại khoảng hơn 31,5 triệu đồng/1.000 con.
Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi, đồng thời hình thành chuỗi liên kết từ con giống, sản xuất đến giết mổ, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2024, dự án tiếp tục được triển khai với quy mô 10.000 con với 5 hộ tham gia. Đến nay, dự án đã triển khai xong lứa 1 với kết quả tỷ lệ gà nuôi sống đạt 96,58%, khối lương bình quân 1,9 - 2kg/con, toàn bộ sản phẩm được HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua với giá 80.000đ/kg. Hiện Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai lứa 2 của dự án.