Trại lợn giữa khu dân cư
Xét về khía cạnh chăn nuôi, xã Tiến Thành được xem như lát cắt thu nhỏ của huyện Yên Thành (Nghệ An) với tổng đàn quy mô, ngặt nỗi phạm vi càng trải rộng mức độ ô nhiễm càng cao, để đảm bảo hài hòa giữa yếu tố kinh tế và môi trường là bài toán quá khó lúc này.
Lo ngại trên không thừa nếu nhìn vào diễn biến thực tế suốt thời gian qua, một trong những nội dung khiến dư luận đặc biệt quan tâm chính là thực trạng ô nhiễm kéo dài tại trại chăn nuôi tập trung của ông Lê Văn Hưng tại xóm Tân Yên A. Đáng nói cơ sở này ngang nhiên “mọc” lên giữa khu dân cư.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, thửa đất gia đình ông Lê Văn Hưng sử dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với quy mô 1.694m2, hiện trạng là… đất ở và đất trồng cây lâu năm. Trên diện tích này ông Hưng chủ động áp dụng mô hình chăn nuôi từ 10 năm trước, thời điểm đó xây dựng 4 chuồng trại nuôi gà kiên cố, mỗi chuồng có diện tích 160m2. Lúc đỉnh điểm toàn trại nuôi đến 2.000 - 3.000 con gà.
Đến tháng 7/2024, ông Hưng tiếp tục chuyển đổi công năng 1 chuồng trại sang nuôi lợn gia công, quá trình vận hành dù có xử lý ô nhiễm nhưng chưa triệt để. Đầu tháng 10/2024 trại này lại xảy ra sự cố biogas khiến nước thải chảy tràn lan, kết hợp mùi xú uế, tanh nồng đặc trưng làm không khí xung quanh bị ô nhiễm nặng nề. Việc này như thể “giọt nước tràn ly” gây nên tâm lý bức xúc của số đông, khiếu kiện cũng từ đây mà ra.
Ngày 17/10 UBND huyện Yên Thành tiếp nhận Công văn số 1026/TD-XLĐ của Ban tiếp công dân tỉnh Nghệ An xoay quanh Đơn tập thể của một số công dân xóm Tân Yên, xã Tiến Thành phản ánh ông Lê Văn Hưng nuôi gia súc số lượng lớn nhưng không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm xáo trộn nặng nề đến sinh hoạt thường nhật và sức khỏe của người dân.
Xét thấy tính chất cấp thiết của vụ việc, chỉ 1 ngày sau UBND huyện Yên Thành đã chuyển nội dung này đến Chủ tịch UBND xã Tiến Thành để kiểm tra, giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Bám vào nội dung chỉ đạo, UBND xã Tiến Thành đã lập đoàn trực tiếp kiểm tra hiện trường chăn nuôi và khu xả thải của ông Lê Văn Hưng, thời điểm này trại còn 15 con lợn sinh sản đang mang bầu; 3 ổ lợn nái đang nuôi 24 con lợn con, trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/con; 23 con lợn đã cai sữa 20 ngày tuổi, có trọng lượng khoảng 4 kg/con. Sau khi Lập Biên bản, xã đề nghị chủ trại thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về chăn nuôi, thú y, môi trường.
Về cấp huyện, Phòng NN-PTNT khẳng định gia đình ông Hưng chưa kê khai tổng đàn, không đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi; Đội Hình sự - Kinh tế và Ma túy yêu cầu gia đình giảm đàn nhằm đảm bảo yếu tố môi trường.
Quá trình làm việc, hộ nuôi cam kết chậm nhất đến ngày 25/10/2024 sẽ tiến hành di dời toàn bộ đàn lợn ra khỏi khu vực chăn nuôi của gia đình, qua đó tách biệt hoàn toàn với khu dân cư xung quanh. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, đến ngày 15/11 nội dung này vẫn chưa được xử lý dứt diểm, đồng nghĩa nỗi lo ô nhiễm môi trường vẫn chưa dứt.
Qua trao đổi, ông Phan Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành thừa nhận việc trên, đồng thời lý giải nguyên nhân chậm trễ xuất phát từ “đặc tính” của đàn lợn sinh sản, nếu di dời cấp tốc sẽ không khả thi. Bám vào đây, hộ ông Lê Văn Hưng đề xuất các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện cho “giãn” thêm thời gian, cam kết đến tháng 1/2025 sẽ hoàn tất.
Vẫn biết trong cái lý có cái tình nhưng nói đi cũng phải nói lại, thực chất tình trạng ô nhiễm tại cơ sở của ông Lê Văn Hưng đã có từ lâu, lẽ ra việc này phải được xử lý dứt điểm thay vì để tồn tại dai dẳng, từ đó kéo theo những hệ lụy không đáng có.
Cơ sở chăn nuôi của ông Lê Văn Hưng có truyền thống vi phạm, trước khi sự việc lần này bị phát giác, ngay trong năm 2024 UBND xã Tiến Thành đã 2 lần lập biên bản xử phạt hành chính với tổng mức phạt vỏn vẹn 1.750.000 đồng. Ông Hưng có trách nhiệm phải giảm tổng đàn, đồng thời đầu tư thêm hệ thống thiết bị xử lý nước thải chăn nuôi để xử lý hết lượng nước thải chăn nuôi phát sinh hàng ngày.
Khó xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung
Xã Tiến Thành là vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành, địa phương này có lợi thế vườn đồi trải rộng để phát triển chăn nuôi tập trung. Qua nắm bắt, toàn xã có trên 1.700 hộ dân thì 2/3 số này đang áp dụng chăn nuôi gia cầm, trong đó có khoảng 30 hộ sở hữu tổng đàn trên 1.000 con/ lứa, bao gồm gia đình ông Lê Văn Hưng.
Nuôi số lượng lớn nhưng địa điểm, khoảng cách không phù hợp, vốn dĩ không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học cần thiết khiến tình hình bị xáo trộn tứ tung. Việc này tiếp diễn triền miên nhưng chính quyền địa phương không tìm ra hướng giải quyết thấu đáo, vô hình trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của nhân dân trong vùng.
Ông Phan Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành nhấn mạnh nuôi gà giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm hơn nuôi lợn nhưng vẫn để lại nhiều mối lo hiện hữu, nhất là khi địa điểm, khoảng cách nuôi sát vách khu dân cư. Để đảm bảo hài hòa giữa yếu tố môi sinh và phát triển kinh tế, cũng như giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây nên nhiều hộ đã chủ động giảm mạnh tổng đàn, đồng thời chuyển dịch từ nuôi gà thịt sang gà nhỡ nhằm rút ngắn đáng kể thời gian, tình hình ít nhiều có chuyển biên nhưng bấy nhiêu là chưa đủ.
“Muốn duy trì, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững đòi hỏi phải xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung để di dời toàn bộ đến đó. Bên cạnh nguồn lực đủ lớn đòi hỏi phải quy hoạch được quỹ đất phù hợp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về phạm vi, khoảng cách. Nội dung này mang tính cấp bách nhưng vượt ngoài khả năng của chính quyền cấp xã”, ông Phan Văn Vũ tâm tư.
Nghệ An có tổng đàn trâu bò trên 800.000 con, đàn lợn trên 1 triệu con, đàn gia cầm trên 36 triệu con nhưng quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 65 - 70%, điều này làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Từ định hướng chỉ đạo nhất thiết phải xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để khỏa lấp mối lo trường kỳ. Giải pháp là thế nhưng để cụ thể hóa không dễ khi phía trước là tầng tầng lớp lớp rào cản án ngữ.