| Hotline: 0983.970.780

Nghỉ lễ sao cho an toàn giữa Covid-19 vẫn bủa vây?

Thứ Năm 29/04/2021 , 07:28 (GMT+7)

Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày,  khiến áp lực về giao thông và y tế tăng vọt giữa nỗi lo đại dịch Covid-19 vẫn bủa vây.

Kỳ nghỉ lễ nêu cao ý thức phòng dịch.

Kỳ nghỉ lễ nêu cao ý thức phòng dịch.

Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày thực sự là một món quà quan trọng cho nhiều người lao động. Bởi lẽ, dịp Tết Tân Sửu, đã có không ít trường hợp không thể thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn do Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Bài hát “Đường về nhà” đạt con số gần 100 triệu thưởng thức, chính là minh chứng sinh động cho nỗi niềm “cả năm trời làm việc nhiều khi rã rời như cái máy  Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay”. Thế nhưng, với những ai không thể về nhà trong dịp Tết Tân Sửu, thì phần rap của Đen Vâu đã được chỉnh sửa khá lâm ly: “Hạnh phúc, đi về nhà. Cô đơn, đi về nhà. Thành công, đi về nhà. Thất bại, đi về nhà. Mệt quá, đi về nhà. Mông lung, đi về nhà. Chênh vênh, đi về nhà. Covid, hết… về nhà”.

Cho nên, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là cơ hội để phần lớn công nhân và sinh viên được trở về nhà. Dự định đáng trân trọng ấy, cũng phập phồng âu lo, vì Việt Nam đã khống chế tương đối Covid-19 nhưng chúng ta vẫn phải nâng cao cảnh giác trước đại dịch toàn cầu vẫn hoành hành dữ dội ở vài quốc gia trong khu vực.

Nhận rõ tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 541 về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định nguy cơ dịch luôn thường trực nhưng đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, để duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch và thực hiện thành công mục tiêu kép, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện hiệu quả phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình". Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính về việc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, chủ động tham mưu đề xuất các vấn đề liên ngành vượt thẩm quyền. Các tỉnh thành tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các biện pháp như: yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... phải thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. Các sự kiện hoạt động tập trung đông người không cần thiết được yêu cầu tiếp tục hạn chế, nếu tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tại châu Á, Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ vỡ trận vì số ca nhiễm mới và số người chết tăng cao kỷ lục. Bệnh viện wor Ấn Độ quá tải, việc hỏa táng người xấu số tạo thành những vùng lửa đỏ rực hai bên sông Hằng. Sở dĩ Ấn Độ rơi vào đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng vì họ vừa trải qua một mùa xuân có quá nhiều lễ hội. Ngoài sự nan giải của Ấn Độ, thì các quốc gia gần với Việt Nam như Thái Lan và Campuchia cũng đã đối diện những diễn biến Covid-19 rất phức tạp.

Viện Pasteur TP HCM trong quá trình giải trình tự gên các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia gần đây, kết quả 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Nhìn bức tranh tổng thể Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ tình hình dịch lây nhiễm vào Việt Nam”.

“Hộ chiếu vắc-xin” đang được xem là giải pháp mơ ước của Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom, trong hơn 900 triệu liều vắc xin Covid-19-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới hiện nay, chỉ có 0,3% là ở các nước thu nhập thấp. Tình trạng bất bình đẳng về quyền tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Nếu các nước giàu không tăng trách nhiệm chia sẻ với nước nghèo hơn, thì đại dịch không thể sớm kết thúc. 

COVAX, sáng kiến của WHO và liên minh GAVI, đã chuyển được 40,5 triệu liều vắc xin các loại đến 118 quốc gia cho đến nay, đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin giá phải chăng đến cuối năm 2021. Để làm được điều này, vấn đề quan trọng đầu tiên là chi phí. Chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch Covid-19 (ACT-A) của WHO đang cần ít nhất 19 tỉ USD cho năm 2021. Con số này chỉ là một giọt nước trong đại dương hàng ngàn tỉ USD mà các chính phủ đang dùng để kích thích nền kinh tế hay doanh thu khổng lồ của các nhà sản xuất vắc xin.

Giải pháp 5K cần được áp dụng nghiêm túc trong đợt nghỉ lễ.

Giải pháp 5K cần được áp dụng nghiêm túc trong đợt nghỉ lễ.

Trước ám ảnh Covid-19 đang bủa vây, thì kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 làm sao đảm bảo an toàn. Với khẩu hiệu “5K” thì việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và khai báo y tế rất quan trọng. Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, hành khách phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước khi lên máy bay. Mọi thông tin cung cấp phải đảm bảo chính xác, trung thực, tránh trường hợp sai sót, có thể dẫn đến chậm trễ hành trình. Việc khai báo y tế có thể thực hiện trong vòng 24 giờ so với giờ khởi hành. Chánh văn phòng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất- Lưu Việt Hùng cho biết, trong suốt những ngày vừa qua, tình trạng hành khách khai báo y tế sai thông tin hoặc chưa khai báo y tế khi lên cửa an ninh soi chiếu không chỉ trở thành nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, mà nguy hiểm hơn là khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách cũng như đảm bảo việc kiểm soát sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ tại các sân bay, mà tại ga tàu hỏa và bến xe khách đều đang duy trì hoạt động khai báo y tế dành cho mọi khách hàng. Tuy nhiên, việc khai báo y tế điện tử khiến nhiều người phàn nàn, vì rắc rối và nhiêu khê vì tờ khai yêu cầu nhiều thông tin quá, người lớn tuổi không thành thạo trong sử dụng mạng có thể gặp khó khăn. Chánh văn phòng Bộ Y tế - Hà Anh Đức thừa nhận thực tế này và hứa hẹn sẽ sớm đề nghị đơn vị cung cấp phần mềm khai báo y tế xem xét, chỉnh sửa, để làm sao thuận lợi nhất cho người dân. Thông tin tờ khai y tế từ các điểm nhận tiếp nhận sẽ đổ về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế, từ đó khi có ca nghi hoặc ca mắc Covid-19, cơ quan chức năng có thể dễ dàng tìm và cách ly hành khách để phòng bệnh, thông qua các thông tin trên tờ khai như số hiệu chuyến bay, số ghế, tên, tuổi, số chứng minh nhân dân… của hành khách.

Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 không chỉ là dịp về quê hay du lịch, mà còn tạo điều kiện thư giãn phục hồi sức khỏe cho người lao động. Cẩn trọng và ý thức cao về dịch bệnh là điều mà mỗi người cần tự nhắc nhở mình trong dịp nghỉ lễ khi đến những nơi chen lấn và đông đúc. Mặt khác, không thể vì sự cẩu thả của một vài cá nhân mà gây họa cho cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với tư cách Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nêu quan điểm: “Chúng ta vận động nhân dân phát hiện người nước ngoài về, thì báo ngay cho cơ quan chức năng để tổ chức cách ly. Trường hợp người nhập cảnh trái phép nhưng người nhà chủ động khai báo, thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ, nhưng dứt khoác phải xử lý. Ai cố tình vi phạm thì phạt nặng, nhất là những người trốn cách ly làm lây nhiễm ra cộng đồng”./.   

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.