| Hotline: 0983.970.780

Nghị lực của ông chủ trang trại với biệt danh 'tỷ phú khóm đất phèn'

Thứ Sáu 04/05/2018 , 07:15 (GMT+7)

Cây khóm (dứa) là một trong mười loại nông sản được tỉnh Hậu Giang lựa chọn để xây dựng vùng chuyên canh, tập trung, phát triển thành nông sản chủ lực và đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, với tên gọi: “Khóm cầu Đúc Hậu Giang”.

Không ít nông dân nơi đây đã trở nên khấm khá từ cây khóm, có người đang có tài sản bạc tỷ.
 

Đất phèn cho trái ngọt

Khóm là loại cây cho trái trăm mắt (“Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên, Một trăm con mắt ngó nghiêng lên trời” - Câu đố dân gian về trái khóm), chỉ ưa vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nhẹ. Nông dân ở những vùng đất thấp trũng, ven các con sông thường lựa chọn cây khóm để phát triển kinh tế, do dễ trồng. Các xã vùng ven thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), từ lâu đã là “thủ phủ” của cây khóm cầu Đúc (giống khóm queen), do có thổ nhưỡng phù hợp. Không ít người dân nơi đây đã khá lên từ cây khóm, có người trở thành tỷ phú khóm với trang trại lên đến ngàn công (100ha).

Từ xã nông thôn mới Tân Tiến, chúng tôi đi theo con đường tỉnh lộ đã được nhựa hóa xẻ giữa những ruộng khóm đang thời kỳ cho trái, rồi rẽ theo hướng trại giam kênh 5, để tìm đến trang trại khóm của ông Dương Văn Thanh (ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến). Đây là trang trại khóm lớn nhất tỉnh Hậu Giang, với diện tích lên đến ngàn công. Nhìn cách ăn mặc chất phác, lời nói bộc trực theo tính cách người Nam Bộ, ngồi ăn cơm chung bàn với những công nhân nông nghiệp làm thuê cho trang trại, nếu không được giới thiệu tôi không thể nhận ra “tỷ phú khóm Dương Văn Thanh”.

13-29-18_1_ong_duong_vn_thnh_dng_huong_dn_cong_nhn_cu_trng_tri_ky_thut_chm_soc_vuon_khom_1
Ông Dương Văn Thanh đang hướng dẫn công nhân của trang trại kỹ thuật chăm sóc vườn khóm

Ông Thanh từng theo binh nghiệp. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông là Xã đội phó xã Vĩnh Tuy (Gò Quao, Kiên Giang). Đến năm 1972, ông chuyển về vùng đất Hỏa Tiến (Vị Thanh) tiếp tục hoạt động cách mang cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Là cựu chiến binh nên ông được nhà nước cấp cho 1ha đất để làm nông nghiệp.

Với miềm vui “người cày có đất”, ông cùng vợ con bắt tay vào cải tạo, trồng cây. Nhưng do đất nhiễm phèn nặng, nhiều loại cây cứ còi cọc, tàn lụi dần, duy chỉ có cây khóm là phát triển tốt, đơm hoa kết trái. Từ đó, ông cũng như nhiều nông dân ở đây gắn bó luôn với loại cây lắm gai nhiều mắt này cho tới nay. Khóm ra trái nhiều, ăn không hết, mọi người lại chất lên xuồng, chở ra cạnh cây cầu đúc (cầu bê tông, cốt thép) nằm trên tuyến giao thông huyết mạnh của tỉnh để bán cho thương lái chở đi nơi khác tiêu thụ. Thương hiệu khóm Cầu Đúc cũng ra đời từ đó.

Nhờ cần cù, chịu khó, lại biết tính toán, giỏi giao thương nên gia đình ông Thanh ăn nên làm ra với cây khóm, tích góp mua thêm được 3ha đất để mở rộng diện tích canh tác. “Cây khóm là cây của đất nghèo. Trồng trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn chúng lại phát triển xanh tốt và cho ra những trái có vị ngọt đậm đà. Nhưng khi đưa về vùng đất phì nhiêu, màu mỡ trồng lại không được hoặc có trồng được thì trái ăn cũng không ngon”, ông Thanh đúc kết kinh nghiệm.

Năm 2009, ông Thanh quyết định mở rộng diện tích trồng khóm, khi mạnh dạn thuê 100ha đất của công an tỉnh Hậu Giang trong 20 năm để đầu tư mở trang trại. Để biến vùng đất hoang hóa, đầy lau sậy thành những ruộng khóm, ông Thanh phải đổ ra số tiền lên đến 7 tỷ đồng.

Ông Thanh tâm sự: “Khi đó giá xăng, dầu còn rẻ nên việc xẻ mương, lên liếp đỡ tốn kém chứ bây giờ có bỏ ra số tiền gấp đôi, gấp ba cũng không làm nổi. Hơn nữa, trong canh tác khóm hiện mới chỉ cơ giới hóa được khâu làm đất, còn lại trồng cây giống, đến chăm sóc, thu hoạch... tất cả đều vẫn phải làm bằng thủ công nên rất tốn kém. Cũng may là cây giống ở đây được trồng bằng chồi tự nhiên nên có thể tự để hoặc mua lại của những hộ xung quanh với giá tương đối rẻ”.

13-29-18_2_moi_nm_trng_tri_ngn_cong_cu_gi_dinh_ong_thnh_nhung_co_the_cho_sn_luong_2000_tn_khom_thuong_phm_mng_li_nguon_donh_thu_hng_chuc_ty_dong_1
Mỗi năm trang trại ngàn công của ông Thanh cho sản lượng 2.000 tấn khóm thương phẩm, mang lại nguồn doanh thu hàng chục tỷ đồng

Không chỉ phát triển trồng khóm tại quê nhà, ông Thanh còn mạnh dạn thuê đất tại huyện Bến Cầu (Tây Ninh) để mở trang trại khóm, quy mô diện tích 35ha, với mong muốn đưa vùng nguyên liệu khóm về gần với các địa phương công nghiệp, có nhà máy chế biến, giảm chi phí vận chuyển.
 

Tạo việc làm, đầu ra cho cây khóm

Theo ông Thanh, với cách trồng truyền thống thì khoảng cách giữa các cây khóm giống là từ 50 - 60 cm/cây, nhưng khi mở trang trại ông đã cải tiến kỹ thuật lại, trồng với khoảng cách 40 cm/cây. Chính vì vậy, mà trang trại ngàn công của gia đình ông những năm thuận lợi có thể cho sản lượng 2.000 tấn khóm thương phẩm (20 tấn/ha), mang lại nguồn doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Với quy mô rộng lớn, trang trại của gia đình ông Thanh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 - 40 lao động tại địa phương, thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Phan Văn Trọng, một công nhân làm trong trang trại cho biết, tùy vào mùa vụ, công việc nặng, nhẹ mà mỗi người được trả lương từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. “Nhờ đi làm công cho trang trại này mà tôi gom góp được vốn về đầu tư cải tạo vườn cây có múi già cỗi của gia đình, chuyển sang trồng khóm, có thu nhập tốt hơn”, anh Trọng tâm sự.

Không chỉ phát triển trồng khóm nguyên liệu, ông Thanh và các thành viên trong gia đình còn đứng ra thu mua, tiêu thụ khóm cho bà con nông dân trong tỉnh với sản lượng cả chục ngàn tấn mỗi năm. Vợ chồng ông Thanh có tới mười người con thì tất cả đều gắn với nghiệp trồng và kinh doanh khóm. Nguồn khóm nguyên liệu của gia đình và thu mua của nông dân trong vùng được các con ông Thanh vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất là thành phố Hồ chí Minh, các tỉnh có nhiều nhà máy chế biến như: Bình Dương , Đồng Nai, Bình Phước...

Hiện ông Thanh và các con đang sở hữu 6 chiếc ghe tải trọng từ 20 - 30 tấn để thu mua khóm nguyên liệu ở vùng sông rạch, sau đó tập trung về kho để phân loại, vận chuyển đi tiêu thụ. Đoàn xe tải 13 chiếc sẽ đưa khóm Cầu Đúc Hậu Giang lan tỏa đi khắp nơi, vừa để phục vụ ăn tươi vừa cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu.

“Tôi lớn tuổi rồi, giờ chủ yếu ở trang trại để lo sản xuất khóm nguyên liệu. Còn các con thì mỗi đứa hợp tác, cung cấp khóm nguyên liệu cho một, hai nhà máy, phục vụ làm khóm miếng đông lạnh, khóm đóng hộp, nước ép khóm, cô đặc... Trung bình, mỗi năm các thành viên gia đình tôi giải quyết đầu ra cho từ 12 - 13 ngàn tấn khóm.

Hiện cây khóm có thể được xử lý cho ra trái quanh năm nhưng rộ nhất vẫn là vụ khóm mùa (chính vụ) vào khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên khóm trúng mùa, sản lượng dự báo sẽ tăng cao. Vì vậy, sau dịp nghỉ lễ 30/4 là cả nhà sẽ tập trung thu mua, giải quyết đầu ra cho cây khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, ông Thanh tâm sự.

Gắn bó với cây khóm hàng chục năm qua, tỷ phú khóm Dương Văn Thanh đã được khen tặng rất nhiều danh hiệu: Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc; Thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012 - 2017; Nông dân giỏi cấp Trung ương, Nông dân Việt Nam suất sắc 2017...

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm