Gấp lại những trang cuối về thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông tâm tình: “Qua những thăng trầm của lịch sử, qua những năm cũ gây vết thương lòng, còn lại là nghĩa sắt son, tình chung thủy giữa hai dân tộc anh em”.
Cứu giúp cả một dân tộc
Trong hồi ký “Đời chiến sĩ”, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nhắc lại cuộc thảm sát dân thường Việt Nam tại Ba Chúc (An Giang) của quân Khmer đỏ năm 1978.
Lưu luyến chia tay quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Ảnh tư liệu gia đình Đại sứ Ngô Điền. |
Bãi chiến trường được giữ một tuần lễ để các nhà báo trong nước đến quay phim. Ngày 25/1/1978, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Ngô Điền tổ chức họp báo quốc tế tại Sài Gòn. Đây là cuộc họp báo đầu tiên, Việt Nam lần đầu tiên công bố xung đột biên giới Tây Nam ra công luận.
Trước đó, theo lời kể của Đại tá Trịnh Vinh Pha, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, ngày 30/4/1977, đúng vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Pôn Pốt mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến. Chỉ riêng ở An Giang, chúng tấn công 13/15 xã và 13 đồn biên phòng của Việt Nam, giết 758 người, đốt phá trên 100 nóc nhà.
Sớm nhận rõ bản chất phản động của Pôn Pốt, từ tháng 6/1977, ông Hun Sen đã cùng các ông Heng Som Rin, Chia Sim, Bu Thoong, Sại Phu Thoong… xây dựng lực lượng cứu nguy dân tộc, lãnh đạo những cuộc nổi dậy chống Pôn Pốt.
Cuối năm 1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã được thành lập và ra mắt nhân dân do ông Heng Som Rin làm Chủ tịch và ông Rua Sa May làm Tổng Thư ký.
Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã ra cương lĩnh thể hiện sự quyết tâm đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng lại đất nước hòa bình và phồn vinh.
Ngay sau khi được thành lập và ra mắt, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc!”.
Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, ngày 23/12/1978, Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tấn công toàn tuyến hòng chiếm thị xã Tây Ninh của Pôn Pốt.
Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia đã nhanh chóng tiêu diệt quân Khmer đỏ vào tận sào huyệt. ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Mười ngày sau, toàn bộ đất nước Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng.
“Gác một bên những sai lầm thiếu sót mà chúng ta cần kiểm điểm trong hơn 10 năm đóng quân ở Campuchia, giúp Campuchia “làm lại cuộc cách mạng”, điều mà nhân dân Campuchia không thể nào quên là Việt Nam đã bằng xương máu con em mình đã giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. “Các anh ơi, nhớ mãi”, đó là một trong nhiều lời biết ơn được ghi thành biểu ngữ của bà con Khmer đi tiễn quân tình nguyện trong đợt rút quân lần chót”. Ngô Điền, trích "Những mẩu chuyện tùy bút" |
Bộ máy diệt chủng của bọn Pôn Pốt sụp đổ nhưng tàn quân của chúng thì chạy về vùng biên giới Thái Lan. Với những thủ lĩnh Khmer đỏ còn lại, chúng tập hợp thành những lực lượng ngầm, đánh du kích chống Việt Nam.
Sau 10 năm giúp đỡ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia xây dựng đất nước, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.
Trước ngày trở về, Đại sứ Ngô Điền cảm xúc viết nên mấy vần thơ: “Tiến lên một tiếng súng/ Rút về một giò lan/ Lâng lâng lòng chiến sĩ/ Mười năm nghĩa sắt son”.
“Campuchia - nhìn lại và suy nghĩ"
Kết thúc 12 năm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia (1979 - 1991), những năm cuối đời, ông Ngô Điền dành thời gian viết tài liệu “Campuchia - nhìn lại và suy nghĩ”.
Trước đó, ông cặm cụi “ghi chép” 5 tập tài liệu về đất nước Chùa Tháp cho đến Đại hội V của Đảng Nhân dân Cách mạng Capuchia (tháng 10/1985). Những tài liệu này, với tinh thần ý tức tổ chức kỷ luật cao, ông đều gửi tới cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước lưu giữ.
Sinh thời, ông kể lại, sau đợt rút quân tình nguyện lần cuối 9/1989, một vài nhà báo thân quen như Nayan Chanda, J.c.Pomonti đến gặp ông ở Phnompenh và khuyên ông viết hồi ký, họ sẽ vui lòng góp sức công bố rộng rãi trên quốc tế. Nhưng ông đã từ chối lời gợi ý của họ.
Với những suy nghĩ thoảng đến mà không thể ghi lại trong những tài liệu nêu trên, trong lúc rảnh rỗi, ông ghi lại thành “Những mẩu chuyện tùy bút” như Phạm Đình Hổ năm xưa viết “Vũ trung tùy bút”. Những mẩu chuyện nhỏ ấy, ông suy nghĩ giản dị rằng: “Biết đâu trong tương lai những mẩu chuyện lại không giúp ích được phần nào những người tìm hiểu về các vấn đề của thế hệ tôi từ Cách mạng tháng Tám đến ngày nay?”.
Tượng đài quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia. |
Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng khi nhớ về người thủ trưởng tiền nhiệm của mình đã đánh giá về nhà ngoại giao Ngô Điền như sau: “Sự hiểu biết sâu rộng cộng với cách đối nhân xử thế mềm mỏng và chân thành đến xiêu lòng người của ông đã thành cái duyên cái cớ cột chặt ông vào một thời kỳ hơn mười năm đầy cam go thử thách của nhân dân Campuchia, cũng là hơn mười năm ông đeo đuổi một cách tận tụy sự nghiệp giúp đỡ Bộ Ngoại giao Campuchia, một sự nghiệp mà vì nó ông đã hạnh phúc tột cùng trước những thành công nhưng cũng chuốc về cho mình bao nhiêu trăn trở, dằn vặt trước những mâu thuẫn khó giải quyết, những biến chuyển khó lý giải”.
Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp nhân dân Campuchia xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, truy quét tàn quân Khmer đỏ. Tuy nhiên, không thiếu những thông tin thất thiệt đưa ra nhằm bôi nhọ quân tình nguyện Việt Nam. Đại sứ Ngô Điền kể, ở vùng chân núi Oural phía tây nam Campuchia, có câu chuyện một tiểu đội trưởng quân tình nguyện Việt Nam giúp dân rất tốt. Anh đem cả khẩu phần cơm của mình ra cứu đói trong những ngày đầu năm 1979. Sau đó, đơn vị nghe phản ánh rằng một phụ nữ Campuchia vốn có quan hệ tốt với đơn vị bỗng nhiên lại đi rêu rao rằng quân Việt Nam chỉ đem thức ăn thừa, gạo mốc ra bố thí… Đơn vị phẫn uất cho rằng người dân luôn có thái độ hai mặt. Vì vậy, đơn vị cử người đi tìm người phụ nữ đó để tìm hiểu thực hư. Song đơn vị chưa kịp đi tìm thì một đêm tối trời, người phụ nữ đó đã đến tận đơn vị, khóc kể sự tình: “Cả gia đình tôi còn sống được là nhờ quân đội Việt Nam, lẽ nào tôi lại đánh giá các anh xấu như vậy. Thế nhưng bọn Pôn Pốt còn ở bên cạnh, đêm tối chúng đến đe dọa, buộc chúng tôi nói xấu các anh…”. Từ đó, đơn vị hiểu rằng về bản chất, người dân không hề sống hai mặt. Do hoàn cảnh, họ phải sống như vậy. Từ đó, ở những địa bàn quân tình nguyện Việt Nam đóng quân, nhờ xây dựng tốt lực lượng của Campuchia, kiên quyết đánh tàn quân Khmer đỏ của Pôn Pốt, ở đó không có hiện tượng nhân dân phải sống hai mặt. |