| Hotline: 0983.970.780

Một đại sứ, một văn nhân

Thứ Ba 11/06/2019 , 13:27 (GMT+7)

Nhớ về nhà ngoại giao Ngô Điền, ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, cho biết: “Số phận đã gắn chặt cuộc đời hoạt động ngoại giao của Đại sứ Ngô Điền với Campuchia cho tới lúc ông kết thúc nhiệm kỳ về nước”.

"Đến tháng 11/1991, ông đã có cả thảy 18 năm phụng sự ở đất nước này, tính ra bằng cả một phần ba thời gian hoạt động cách mạng và một phần tư cuộc đời của ông" - ông Thắng nói thêm.
 

Đại diện đầu tiên của TTX Việt Nam tại Phnompenh

Ông Ngô Điền là Đại sứ có thời gian công tác dài nhất ở Campuchia, trong suốt thời kỳ 10 năm của Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Song ông Ngô Mê Giang, con trai thứ của ông cho tôi biết rằng, cha mình không phải Đại sứ đầu tiên.

Đại sứ Ngô Điền (1920 - 2004). Ảnh tư liệu gia đình.

Vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Campuchia sau chế độ diệt chủng Pôn Pốt là Thiếu tướng Võ Đông Giang (1923 - 1998), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

Ông Ngô Mê Giang sinh tại Phnompenh. Để kỷ niệm nơi con sinh ra bên bờ sông Mê Giang, ông bà Ngô Điền đã lấy dòng sông để đặt tên cho con.

Những người làm công tác ngoại giao ở Campuchia bình luận, Đại sứ Võ Đông Giang và Đại sứ Ngô Điền đều hiểu sâu biết rộng, mỗi người mỗi vẻ. Ông Võ Đông Giang mang nét oai vệ của một vị tướng. Ông Ngô Điền mang dáng dấp nho nhã của một văn nhân.

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng còn nhớ hình ảnh khi ông Ngô Điền làm Phó ban B68 (bí danh của Tổng đoàn Cố vấn Việt Nam tại Campuchia), đã mặc quân phục và đội mũ tai bèo mà vẫn nho nhã.

“Tôi nghĩ có đeo cho ông khẩu súng lục K54 vào nữa thì ông vẫn cứ như văn nhân”, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng bình luận.

Ông vốn là nhà báo, là đại diện đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia vào năm 1956 và công tác tại đây suốt 6 năm. Trước đó, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ngô Điền được phân công làm tờ báo "Chiến sĩ" của Vệ quốc đoàn tỉnh Thừa Thiên.

Hơn một năm sau, đầu năm 1947, ông được điều ra Việt Bắc, làm việc tại Nha nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) dưới sự chỉ huy của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa. Nhưng không thoát nghiệp báo, chàng cựu sinh viên Đông Dương họ Ngô lại được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cử về làm báo "Vệ quốc quân" (tiền thân của báo "Quân đội Nhân dân" hiện nay).

Sau chuyến vượt Trường Sơn đi làm ngoại giao (1948), ông Ngô Điền được giao nhiệm vụ cải tiến tờ “Tin Việt Nam” thuộc Phòng Thông tin Việt Nam có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan).

Lần này (1956), ông được cử sang Campuchia trong khi trước đấy không hề nhận công tác gì liên quan đến đất nước này. Đó là khi Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, ông Nguyễn Lương Bằng, đặt vấn đề lập mối quan hệ đầu tiên với Vương quốc Campuchia. Quốc vương Xihanuc trả lời nên gửi một nhà báo thường trú, sau sẽ tính nâng lên những hình thức cao hơn.

Vì sao lại chọn ông? Ngẫm lại, ông đã tự nêu một đáp án, đó là vì trong công tác của mình không dính dáng gì đến Campuchia thì sự có mặt của ông thời gian đầu và những tiếp xúc của ông với người Campuchia sẽ không gây nên những mối nghi ngờ về mối quan hệ của Việt Nam với những người “Khmer - Việt Minh”.

Ông Ngô Điền (1920 - 2004) quê xã Điện Quang, huyện Điền Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông có truyền thống yêu nước, hiếu học. Ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Mali (châu Phi, 1962 - 1965), Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao, 1965 - 1978), Đại sứ Việt Nam tại Campuchia (1979 - 1991)…

Trước ngày lên đường, ông Ngô Điền đã nhận được những ý kiến cụ thể và những thông tin cần thiết về tình hình Campuchia thông qua các đồng chí Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm và Nguyễn Thanh Sơn.
 

Ý xuân trên đất Angkor

Thường trú tại Phnompenh còn có phóng viên Việt tấn xã của Chính phủ Việt Nam cộng hòa. Không giống như phóng viên của mấy tờ báo “Sống chung”, “Hồn Việt” và “Trung lập”, phóng viên Việt tấn xã thường trú tại Phnompenh, như nhận xét của ông Ngô Điền là thái độ đúng đắn, lịch sự. Vị ký giả này là người có kiến thức, có nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Campuchia. Ông ấy còn là tác giả của nhiều chuyên khảo về người Việt tại Campuchia.

Khi đoàn Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) sang Campuchia tháng 11/1956, đến Xiêm Riệp - Angkor, phóng viên Ngô Điền của Việt Nam thông tấn xã được ban tổ chức xếp nghỉ qua đêm trong cùng một gian buồng với vị ký giả họ Lê của Việt tấn xã. Sáng hôm sau, ký giả họ Lê nói với ký giả họ Ngô: “Tối qua, ông chiêm bao thấy gì mà nói toàn tiếng Tàu?”.

Ông Ngô Điền giật mình vì đêm qua, trong giấc mơ, ông thấy mình được phái về hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Do từng làm phóng viên Việt Nam thông tấn xã 6 năm ở Bắc Kinh nên ông thạo tiếng Trung Quốc. Vì vậy, ông được giao đóng vai một người Hoa sống ở Chợ Lớn.

Đến năm 1978, vấn đề Khmer đỏ trở nên căng thẳng. Vụ Thông tin Báo chí phải đấu tranh trước dư luận quốc tế về những cuộc giết hại người Việt Nam tại các tỉnh biên giới của chính quyền Pôn Pốt. Sau đó, ông Ngô Điền được cử sang làm Phó ban B68 mới được thành lập để giúp Bộ Chính trị Trung ương Đảng vấn đề Campuchia.

Đại sứ Ngô Điền (bên trái) trình Quốc thư lên Chủ tịch Hemxamrieng. Ảnh tư liệu gia đình.

Trong đó, có việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về tội ác diệt chủng của Pôn Pốt và Khmer Đỏ để đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an. Người chịu trách nhiệm chính là ông Ngô Điền với trọng trách Trưởng đoàn chuyên gia ngoại giao, phụ trách công tác đấu tranh dư luận quốc tế và công tác ngoại giao.

Khi ngồi trên máy bay trực thăng, khi ngồi trên ô tô dọc theo biên giới, trước mắt ông Ngô Điền là những dãy nhà của các khu kinh tế mới bị bỏ trống. Ông xót xa khi thấy những đồng ruộng trải dài đến tận chân trời bị bỏ hoang. Những đám người Khmer xơ xác, vượt biên để trốn cảnh đọa đầy dưới chế độ Pôn Pốt. Họ đang sống tạm bợ dưới gốc cây để tìm đường về các khu tị nạn.

Một lần, ông tới một địa điểm vùng biên giới hai nước, để tìm hiểu thực địa cuộc tiến công của bọn lính áo đen vừa diễn ra ngày hôm trước. Người dân địa phương đã dọn dẹp xong hiện trường.

Còn lại là những vết máu loang lổ, mùi thịt người tanh tưởi, mấy chục nấm mồ lấp vội. Cạnh đấy, có những người mẹ, người vợ đang thất thểu đi tìm dấu vết chồng con… Những tội ác này đều được đưa ra Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an.

Ông còn chỉ đạo mở các lớp đào tạo cấp tốc nghiệp vụ cán bộ ngoại giao cho Campuchia. Từ đây, những học viên có văn hóa, biết ngoại ngữ, sau khi được đào tạo, đã trở thành những đại sứ, tham tán, những nhà ngoại giao của Campuchia. Những hạt giống xuân dần nảy mầm trên vùng đất đầy chết chóc của đất nước Campuchia. Angkor dần hồi sinh.

Viết lại những ký ức về thời gian làm chuyên gia giúp Campuchia ngày ấy, Đại sứ Ngô Điền chia sẻ: “Giúp bạn làm, hết sức tránh làm thay nhưng đúng sai ta phải chịu trách nhiệm”.

“Hơn đâu hết, vấn đề biên giới ở Tây Nam nước ta, và liên quan là quan hệ láng giềng bất kể chế độ cầm quyền ở phía bên kia là như thế nào, phải được chúng ta quan tâm theo dõi, giải quyết, tháo gỡ dần qua nhiều thế hệ”.

Đại sứ Ngô Điền, trích trong "Ấn tượng biên giới Tây Nam".

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Barcelona được dự báo sẽ vô địch La Liga

Dù La Liga 2024/2025 mới đi được 1/3 chặng đường nhưng sau chiến thắng tại trận siêu kinh điển thì Barcelona được dự báo nhiều khả năng vô địch.

Phạm Tiến Sản không thể bảo vệ Huy chương Vàng SEA Games

Phạm Tiến Sản sẽ không có cơ hội bảo vệ tấm HCV nội dung duathlon cá nhân tại SEA Games 33 vào năm sau ở Thái Lan.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất