| Hotline: 0983.970.780

Nghịch cảnh trớ trêu ở siêu dự án hơn 2.200 tỷ đồng tại Phú Thọ

Thứ Ba 28/04/2020 , 08:40 (GMT+7)

Hàng loạt dự án có yếu tố nước ngoài ở tỉnh Phú Thọ liên tục gặp phải những vấn đề bất cập, khiến nhiều người dân bức xúc.

3 năm sau lễ khởi công, siêu dự án nghìn tỷ ở Phú Thọ vẫn là bãi đất hoang. Ảnh: LAT.

3 năm sau lễ khởi công, siêu dự án nghìn tỷ ở Phú Thọ vẫn là bãi đất hoang. Ảnh: LAT.

Siêu dự án nghìn tỷ và bãi đất hoang

Trong khi Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì có tổng mức đầu tư 841,39 tỷ đồng (tương đương hơn 40,315 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA đang chết dở với nhà đầu tư nước ngoài (NNVN đã phản ánh) thì tại một dự án nghìn tỷ khác ở tỉnh Phú Thọ cũng đang bộc lộ hàng loạt vấn đề bất cập.

Theo tài liệu của NNVN, vào năm 2017, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định số 2317/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Phú Thọ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

Chỉ trong vòng một ngày, tỉnh này đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty EUROPE TIANYING BVBA, Công ty PERFECT WAVE HOLDINGS LIMITED và ủy quyền cho Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ ký hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với Công ty TNHH năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ.

Với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng trên diện tích 10ha, công suất giai đoạn 1 là 500 tấn rác/ngày, dự án được cả chính quyền Phú Thọ lẫn nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đứng tốp đầu miền Bắc và cả khu vực Đông Nam Á.

Được sự hậu thuẫn rốt ráo về thủ tục và giải phóng mặt bằng từ địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài đã thành lập Công ty TNHH năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ trước lễ ký kết một ngày với 2 thành viên là Công ty United Expert Investments Limited (trụ sở tại nước Anh) và Công ty cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt (trụ sở tại Việt Nam).

Đến cuối năm 2017, tại khu 5, xã Trạm Thản, lễ động thổ dự án diễn ra hoành tráng, kèm theo hàng loạt mỹ từ về một viễn cảnh dự án sẽ đem lại môi trường xanh – sạch – đẹp, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế địa phương...

Dự án khi hoàn thành và đưa vào hoạt động không chỉ xử lý triệt để 100% nguồn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mà còn đóng góp khoảng 65 - 67 triệu kWh điện/năm cho giai đoạn đầu và gấp đôi cho cả 2 giai đoạn; khoảng 25.000 m3 gạch không nung và các sản phẩm thứ cấp từ quá trình xử lý rác...

Người dân Phú Thọ vẫn còn nhớ, ngày động thổ, lãnh đạo Phú Thọ nói rằng: Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện sẽ sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch đề ra và đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả như mong đợi.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện, từ công tác giải phóng mặt bằng đến phê duyệt, ký kết dự án đều được UBND tỉnh Phú Thọ quyết liệt triển khai, bất chấp năng lực chủ đầu tư vẫn còn nhiều nghi vấn.

Cụ thể, tháng 1/2019, thời điểm Bộ Công thương có văn bản gửi lên Thủ tướng đề nghị bổ sung nhà máy điện rác Phú Thọ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tại phần lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, Bộ Tài chính đã có những phân tích về năng lực của đơn vị triển khai, thực hiện dự án này.

Theo Bộ Tài chính, về tổng mức đầu tư, báo cáo đề xuất do đơn vị tư vấn lập cho hay tổng mức đầu tư sau thuế của dự án cả 2 giai đoạn là 98,7 triệu USD, nhà đầu tư dự kiến cơ cấu vốn thực hiện dự án theo tỷ lệ 20% vốn tự có và 80% vốn vay nên nhà đầu tư cần huy động ít nhất 448 tỷ đồng, tuy nhiên hồ sơ đề xuất lại chưa có báo cáo tài chính các năm gần nhất được kiểm toán; văn bản thỏa thuận, phương án góp vốn chủ sở hữu của các đơn vị liên doanh, do đó năng lực tài chính của nhà đầu tư đang là dấu chấm hỏi...

Bên cạnh đó, việc phương án huy động vốn vay khoảng 1.793 tỷ đồng không được làm rõ và việc thiếu các văn bản cam kết tài trợ vốn của các ngân hàng thương mại cũng khiến Bộ Tài chính tỏ ra nghi ngờ.

Và thực tế chỉ ra rằng, những cảnh cáo của Bộ Tài chính hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế tại khu vực thực hiện dự án điện rác lớn nhất tỉnh Phú Thọ thời điểm hiện tại vẫn chỉ là bãi đất trống.

Theo hồ sơ dự án có quy mô công suất 18MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 9MW sẽ đưa vào vận hành năm 2020.

Tuy nhiên, có mặt tại khu 5 xã Trạm Thản thời điểm hiện tại, quan sát của phóng viên, siêu dự án hơn 2.200 tỷ đồng chỉ là một khu nhà tạm bằng container nằm chơ vơ giữa bãi đất hoang.

Thời điểm “đưa vào vận hành giai đoạn 1” đã đến nhưng gần như không có hoạt động nào đáng kể. Liên hệ nhà đầu tư thì không biết ở đâu vì đã thay đổi địa chỉ, còn Sở Xây dựng Phú Thọ thì cho rằng “do nhà đầu tư chưa lường hết được khó khăn khi triển khai nên dự án mới chậm như vậy”.

Dự án nghìn tỷ vẫn là bãi đất trống khiến người dân bức xúc. Ảnh: LAT.

Dự án nghìn tỷ vẫn là bãi đất trống khiến người dân bức xúc. Ảnh: LAT.

Dân tố khổ

Kỳ vọng quá nhiều vào siêu dự án nghìn tỷ “đốt rác phát điện”, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các địa phương không đầu tư xây mới các nhà máy xử lý rác. Đến lúc dự án chậm triển khai, những nhà máy xử lý cũ quá tải, hậu quả người dân tỉnh này đang phải ngày ngày gánh chịu.

Trong đơn thư gửi đến Báo NNVN, những người dân đại diện cho hơn 300 hộ dân sống cạnh Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì nói rằng họ đã không còn từ ngữ nào để mô tả về sự khổ sở suốt từ nhiều năm qua. Ruộng đồng phải bỏ hoang vì rác thải, bệnh tật bủa vây vì rác thải...

“Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần lắm rồi nhưng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để”, người dân xã Phượng Lâu, nơi ngày đêm bị tra tấn bởi Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì của công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải tỉnh Phú Thọ tố cáo.

Tiếp xúc với NNVN, bà Dương Thị Thanh (60 tuổi, khu 6 xã Phượng Lâu) cho biết: “Việc ô nhiễm, bốc mùi hôi thối từ nhà máy chế biến rác thải diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nhiều hôm đang ăn cơm có cơn gió thoảng qua là mọi người phải bịt miệng, bỏ bữa. Còn sau những trận mưa thì nước thải đen ngòm chảy xuống đồng ruộng, chảy đến đâu, rau màu chết đến đấy. Chúng tôi ý kiến, ngăn chặn thì họ chờ lúc nửa đêm mang đi đổ trộm”.

Siêu dự án là bãi đất hoang, người dân Phú Thọ đang oằn mình dưới những núi rác khổng lồ. Ảnh: LAT.

Siêu dự án là bãi đất hoang, người dân Phú Thọ đang oằn mình dưới những núi rác khổng lồ. Ảnh: LAT.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng vốn là nơi trồng hoa màu trước đây, những người dân ở khu 6 xã Phượng Lâu ước tính, có khoảng 40ha đất canh tác phải bỏ hoang từ nước thải nhà máy.

Chưa hết, theo quan sát của phóng viên, nước thải từ nhà máy chế biến rác thải chạy dọc mương, qua cánh đồng dẫn đến đường ống bạt dẫn nước tạm thời chảy ra dòng sông Lô. Nên nhớ, sông Lô là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả thành phố Việt Trì.

Chưa rõ tác động của nước thải đến nguồn nước sinh hoạt như thế nào, nhưng bệnh tật mà người dân sống xung quanh khu vực này thì nhiều vô kể.

“Từ ngày nhà máy chế biến rác thải đặt ở khu chúng tôi, người dân bị bệnh tật, ung thư nhiều lắm. Qua nhiều cuộc họp bàn, cả khu có 350 hộ dân với 923 nhân khẩu thì ai cũng mong muốn chuyển nhà máy đi càng sớm càng tốt”, người dân xã Phượng Lâu kiến nghị.

Người dân tố khổ, còn chính quyền địa phương vẫn điệp khúc 'kêu rồi nhưng chưa có kết quả'. Ảnh: LAT.

Người dân tố khổ, còn chính quyền địa phương vẫn điệp khúc "kêu rồi nhưng chưa có kết quả". Ảnh: LAT.

Tỏ ra chán nản với vấn đề rác thải, ông Phùng Duy Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phượng Lâu khẳng định: “Chính quyền xã rất mệt mỏi. Người dân địa phương kêu than, kiến nghị liên tục về việc nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến canh tác.

Năm ngoái có trận mưa lớn, nước thải từ khu tập kết rác tràn xuống ruộng đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu. Chưa kể bây giờ nhà máy tập kết đã đầy rác trong khi nhà máy mới chưa hoàn thiện, chưa chuyển đi khiến tình trạng này ngày càng nan giải.

Trong những cuộc tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện chúng tôi cũng đã ý kiến rồi nhưng chưa có kết quả”.

Người dân vẫn phải chờ, còn chờ đến bao giờ thì chưa ai dám khẳng định.

Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Thống kê năm 2018, tỉnh này có tới 111 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Phú Thọ cũng là địa phương nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc tốp đầu với hơn 1.400 tỷ đồng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.