| Hotline: 0983.970.780

Nghiệp làm nông của người từng gửi thư cho Bộ trưởng về nạn kích giun

Thứ Năm 07/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

HÒA BÌNH Giữa năm 2023, nạn kích giun bằng điện lan tràn, Nguyễn Anh Tuân, chủ vườn cam ở xã Thu Phong (Cao Phong, Hòa Bình) đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Nhờ chăm sóc bằng vi sinh nên vườn cam Vita Garden của Nguyễn Anh Tuân rất khỏe mạnh.

Nhờ chăm sóc bằng vi sinh nên vườn cam Vita Garden của Nguyễn Anh Tuân rất khỏe mạnh.

Cũng chính vì vấn nạn kích giun bằng điện mà tôi với Nguyễn Anh Tuân quen nhau và có một ngày đêm trải nghiệm ở vườn cam cheo leo nơi đỉnh đồi của anh.

Vốn được đào tạo về thương mại điện tử và truyền thông trong trường đại học, trước đây khi anh còn làm quản lý Công viên thực vật cảnh ở Hà Nội, hầu hết công nhân đều là người ở huyện Cao Phong.

Trong một chuyến về quê công nhân chơi, anh bị choáng ngợp bởi bạt ngàn vườn cam, càng ấn tượng hơn nữa về hương vị cam nơi đây. Mọi người kể anh nghe chuyện dân giàu lên từ cam và cũng lụi từ cam vì đổ xô đi trồng rồi sau này giá hạ, dịch bệnh nhiều khiến nhiều gia đình phải điêu đứng, treo biển bán vườn.

Vào thời điểm đó, không chỉ Cao Phong mà hầu hết vùng trồng cam trên cả nước đều ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh greening, nhiều vùng còn bị xóa sổ. Đứng trước khó khăn đó, anh Tuân nghĩ nếu duy trì được cây cam tại nơi cam ngon nức tiếng này là cơ hội lớn để làm giàu. Quyết tâm học hỏi về nghề trồng cam, anh xin vào làm cho một công ty vi sinh lớn của Nhật Bản và đồng hành với nhiều chủ vườn cam tại Cao Phong để cùng theo dõi và tìm giải pháp phục hồi cho gần 100ha.

Anh Nguyễn Anh Tuân đang thu hoạch cam.

Anh Nguyễn Anh Tuân đang thu hoạch cam.

Thấy điều đó vẫn là chưa đủ, anh nghĩ cần phải có một vườn cam riêng của mình để trực tiếp theo dõi, nhân nuôi vi sinh, sản xuất phân bón hữu cơ rồi chăm sóc mới rút ra được những kinh nghiệm hay. Từ một người đi bán vi sinh, sau đó là làm tư vấn về kỹ thuật trồng cam, anh bước thêm một bước để trở thành nông dân đích thực và gắn bó với cây cam hơn 4 năm nay. Ham học hỏi, tìm tòi và quan trọng nhất là anh liên tục vừa thử nghiệm vừa ghi chép lại công thức để đối chứng.

Anh từng gặp thất bại khi nhện đỏ và nhện trắng tấn công vườn khiến quả bị rám hàng loạt. Không muốn chịu trận như thế, trong 2 năm anh đã thử nghiệm hàng trăm công thức khác nhau, sau đó đã thành công xử lý nhện hại bằng vi sinh. Vi sinh không chỉ hỗ trợ anh rất nhiều trong quản lý sâu bệnh mà còn tạo ra đạm, lân, kali sinh học, giúp cây trồng phát triển cân đối, đất màu mỡ và tơi xốp hơn.

Làm nông luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Năm 2023, sau khi đầu tư vào vườn rất lớn, cộng thêm chưa tối ưu được công lao động nên anh cạn vốn, lo nghĩ nhiều nên có ý định bỏ cuộc, rút về Hà Nội để tiếp tục làm công ăn lương. 2023 cũng là năm khó khăn lớn với nhiều vườn cam khi nạn kích giun bằng điện hoành hành khiến đất bị ảnh hưởng nặng. Ban ngày làm vườn kiệt sức, ban đêm thức trắng để trông vườn, mỏi mệt và chán nản khiến tâm lý anh không vững vàng nữa.

Vợ chồng Nguyễn Anh Tuân hiện sống ngay tại vườn cam.

Vợ chồng Nguyễn Anh Tuân hiện sống ngay tại vườn cam.

Cuối cùng, anh bỏ hẳn Hà Nội, vay vốn và xa gia đình để ở lại hẳn vườn cam. Việc chăm sóc bài bản, nghiêm túc giúp quả cam không những ngon mà còn sạch, được khách hàng đón nhận, giúp anh kéo lại vốn và tự tin về một hướng đi đúng.

Anh học hỏi liên tục về dinh dưỡng cây trồng, các yếu tố cải tạo đất, kỹ thuật chăm sóc cây từng giai đoạn. Anh dùng các nguồn dinh dưỡng hữu cơ như đậu tương, trứng, sữa, rong biển, amino axit, than hoạt tính, vi lượng nhập khẩu, chitosan, đạm tôm, dịch trùn quế, phân gà, phân dơi, phân trâu bò hoai mục và hơn 30 chủng vi sinh khác nhau tự nhân nuôi.

Có thể kể ra một loạt vi sinh hữu ích đã thay thế hoàn toàn hóa chất làm nhiệm vụ bảo vệ, tăng dinh dưỡng cho vườn cam như các dòng bacillus, xạ khuẩn streptomyces, các chủng nấm trichoderma và cheatomium, nấm trị tuyến trùng pophyra lilacinus, nấm rễ cộng sinh mycorrhizae, ni nấm trắng beauveria bassiana, nấm ký sinh metarhizium anisopliae, vi sinh BT; phân giải lân pseudomonas fluorescens, phân giải khoáng, kali bacilus megaterium; cố định đạm azotobacter rhizobium...

Nhờ đó mà quả cam căng mọng, tan tép, thơm, ngọt và để lại hậu vị lâu trong miệng khi ăn. Tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn về đầu ra nhưng với 4ha cam đang trong giai đoạn thu hoạch và 1ha cam mới trồng, anh Tuân vẫn tin rằng bằng tâm huyết và nỗ lực của mình, thương hiệu cam Cao Phong nói chung và thương hiệu cam Vita Garden nói riêng của anh sẽ ngày càng được khẳng định trên thị trường.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.