| Hotline: 0983.970.780

Chủ vườn 'cầu cứu' Bộ trưởng Lê Minh Hoan về nạn kích giun

Thứ Bảy 29/07/2023 , 06:16 (GMT+7)

Đó là thông tin từ ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt và hiện đơn vị đang cho các địa phương thống kê về tình trạng này cũng như cách xử lý.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt: 'Ngay sau khi đọc bức thư của nông dân Hòa Bình, tôi đã hỏi các địa phương về vấn đề này để có cách xử lý'.  Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Ngay sau khi đọc bức thư của nông dân Hòa Bình, tôi đã hỏi các địa phương về vấn đề này để có cách xử lý".  Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông bình luận ra sao về hiện tượng kích giun bằng điện đang rộ lên ở Hòa Bình và một số tỉnh thành khác?

Mới đây Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng có gửi cho tôi về bức thư của một nông dân phản ánh vấn nạn kích giun ở Hòa Bình. (Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã gặp anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong, người viết bức thư đó để biết nội dung cụ thể như sau:

“Kính thưa Bộ trưởng Lê Minh Hoan!

Cháu là Tuân, suốt 3 năm qua cháu đồng hành cùng bà con trồng cam tại Cao Phong (Hoà Bình) gìn giữ những trái cam ngon, giữ lấy thương hiệu cam Cao Phong. Tuy nhiên, thời gian gần đây tệ nạn kích giun đang quá phổ biến khiến người dân trồng cam điêu đứng và đứng trước nguy cơ mất trắng sau khi đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức. Hậu quả nghiêm trọng: gây chết vi sinh vật trong đất, tiêu diệt hết giun và hỏng hết rễ tơ, rễ tôm của cây. Nghiêm trọng hơn tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở toàn miền Bắc. Chưa có chế tài xử phạt, nếu tiếp diễn toàn bộ đất đai canh tác sẽ hỏng và ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Mong Bộ trưởng sớm hỗ trợ người dân”.

Bài liên quan

Năm 2019, chuyện kích giun ở tỉnh Hòa Bình và một số địa phương khác là một vấn nạn. Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, Sở NN-PTNT Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đều có văn bản chỉ đạo, vào cuộc rất quyết liệt và vấn nạn kích điện giun đã lắng xuống.

Ngay sau khi đọc bức thư trên, tôi đã trao đổi với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình. Lãnh đạo Chi cục trả lời hiện tượng này tái diễn chủ yếu ở vùng cam Cao Phong, ngoài ra còn xảy ra ở một số địa phương khác. Đơn vị đang tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tập trung xử lý với các nội dung: tuyên truyền, xử phạt dưới các hình thức vi phạm trật tự xã hội và cuối cùng là hướng nuôi giun đất để đáp ứng cho nhu cầu.

Anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở Cao Phong, người viết thư cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan phản ánh về tác hại của nạn kích giun. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Nguyễn Anh Tuân - chủ vườn cam ở Cao Phong, người viết thư cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan phản ánh về tác hại của nạn kích giun. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

>> video: Quá trình kích bắt giun, rồi mổ và sấy khô

Xét về văn bản quy định và các chế tài xử lý vấn đề này còn chưa rõ ràng: Khoản 1 điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định về các hành vi cấm  trong đó có hành vi “lấn, chiếm, hủy hoại đất đai". Và Điểm 25 Điều 3 giải thích từ ngữ về hành vi “hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Chưa rõ hành vi kích giun đất bằng điện.

Bài liên quan

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó Khoản 3 Điều 3 có xác định những hành vi hủy hoại đất nhưng hành vi kích giun đất bằng điện cũng chưa được quy định rõ và chưa có chế tài. Điều này cho gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn đất đai, môi trường và các lực lượng chức năng khi xử lý. Điều đó cũng dễ hiểu vì có thể thời điểm xây dựng Luật Đất đai năm 2013 thì chưa có hành vi kích giun bằng điện.

Bây giờ chưa có chế tài, theo ông phải giải quyết nạn kích giun như thế nào?

Thứ nhất những việc cần làm ngay: Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp kích điện giun đất, cơ sở, hộ gia đình thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất; người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện giun đất. Thực hiện xử lý hành chính với các cá nhân trực tiếp kích điện giun qua việc xử lý về vi phạm an ninh trật tự (tự do vào vườn khi chưa được phép, xung đột chủ đất, chủ vườn…). Xử lý các hộ gia đình, cơ sở thu gom, sấy giun qua hành vi vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm…

Thứ hai trong thời gian tới: Cần tiếp tục thực hiện các nội dung trên đồng thời hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường nhất là hiện nay chúng ta đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013. Giun đất không phải là động vật quý hiếm nên nếu xã hội có nhu cầu thì thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn để cung cấp, đây cũng rất có thể là một hướng phát triển, khai thác đa giá trị của đất đai.

Những đồi cam héo vàng, nghi do bị kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đồi cam héo vàng, nghi do bị kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông chuyện dí dòng điện lớn xuống đất sẽ gây những hậu quả ra sao?

Rõ ràng phóng dòng điện lớn xuống đất sẽ gây nguy hiểm, trước tiên cho người kích giun hay người nào vô tình vào khu vực kích dang kích giun. Về ảnh hưởng đất đai chưa có đánh giá, nghiên cứu khoa học về tác động tới môi trường đất, hệ vi sinh vật đất, kết cấu đất của việc kích điện vào đất cũng như ảnh hướng đến cây trồng, bộ rễ cây trồng.

Nhưng việc kích vào đất dòng điện lớn như vậy với hậu quả giun chết và cây bị vàng lá, chậm phát triển đã có tác động bất thường, tác hại cho đất và hệ động vật, vi sinh vật đất và cây trồng. Đây là một hành động cần lên án và ngăn chặn.

Giun đất sau khi sấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun đất sau khi sấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại sao cùng là kích điện nhưng với đánh bắt thủy sản thì có ghi trong Luật Thủy sản, trong Nghị định 42 quy định xử phạt rất cụ thể nhưng kích điện xuống đất để bắt giun lại không? Thủy sản là con tôm cá trong nước, ở đây là cái cây trên đất có khác gì nhau? Theo ông thì có nên thúc đẩy việc cấm kích điện nói chung để bất cứ hành vi nào liên quan đến nó đều có thể xử phạt và quy định kích giun là hủy hoại tài sản của chủ vườn?

Bài liên quan

Luật Trồng trọt liên quan đến cây trồng trên đất, còn đất lại thuộc quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Luật Trồng trọt 2018 quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt và hoạt động trồng trọt bao gồm hoạt động về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai 2013 quy định chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai. Hành vi kích giun bằng điện theo tôi chính là hủy hoại đất.

Xin cảm ơn ông!

Bắc Giang ra công văn ngăn ngừa kích giun bằng điện

Trong Công văn số 1553 của Sở NN-PTNT Bắc Giang có viết: “Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn thời gian gần đây ở một số xã như: Tân Quang, Tân Lập, Đồng Cốc, Giáp Sơn, Cấm Sơn, Kiên Lao, Quý Sơn, Trù Hựu… có một số cá nhân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất trên đồng ruộng và các vườn cây ăn quả làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng; phá vỡ sự đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường đất. Hành vi này đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng sử dụng thiết bị kích điện đánh bắt giun đất, Sở NN-PTNT đề nghị:

1. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới từng cơ sở và người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và đời sống của cây trồng. Nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất và ngăn chặn các hành vi hủy diệt giun đất. Thường xuyên kiểm soát địa bàn; vận động người dân đấu tranh, ngăn chặn hành vi hủy diệt giun đất; chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, báo cáo tình tình đánh bắt, thu mua, sơ chế giun đất (Thống kê số người đánh bắt giun đất; số lượng kích điện; số cơ sở thu mua; số cơ sở chế biến giun đất) trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố về công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đất. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hủy hoại môi trường đất theo quy định của pháp luật.

3. Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đội quản lý thị trường các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh các thiết bị kích điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

4. Giao Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất. Tham mưu cho Sở NN-PTNT tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tình trạng đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT.

(thực hiện)

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuốn pháo tự chế gây nổ lớn ở Bắc Giang

Cuốn pháo tự chế, một người đàn ông ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn xảy ra tối 2/12. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.