Kích giun đất có thể phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong nông nghiệp, giun đất được ví như "mạch máu" nuôi đất, tăng độ phì nhiêu cho cây phát triển. Tuy nhiên tại một số tỉnh miền Bắc, nhiều người đang khai thác loài sinh vật này theo phương pháp hủy diệt, điển hình là kích điện.
Có thể thấy, việc sử dụng kích điện để tận diệt giun đất sẽ như “con dao” chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, gây ra hậu quả là tổn hại không nhỏ đối với chất lượng đất.
Việc đánh bắt giun chắc chắn sẽ làm cho đất chai cứng, khô cằn gây mất cân bằng cho đất, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Vậy câu hỏi đặt ra là chế tài xử phạt đối hành vi kính giun đất bằng điện sẽ bị xử lý như thế nào?
Khi xem xét, bóc tách từng hành vi vi phạm xoay quanh vấn nạn kích giun, quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể áp dụng được những chế tài cụ thể để xử lý những hành vi này.
Đầu tiên, cần xem xét đến hành vi sử dụng các thiết bị đưa dòng điện lớn xuống lòng đất để bắt giun dẫn đến hậu quả là đất mất đi độ tơi xốp, làm chết các vi sinh vật trong đất.
Ngoài ra, theo chia sẻ của những chủ vườn cam tại huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), giun đất bị tận diệt khiến đất mất đi độ tơi xốp, cây không thể sinh trưởng, phát triển bình thường, thậm chí quả bị héo, không còn độ ngọt.
Đồng thời, với dòng điện cực mạnh được đưa xuống lòng đất sẽ làm chết rễ tơ và một số cây cam đã có dấu hiệu vàng lá. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời có thể khiến cây bị chết.
Đối với hành vi và hậu quả của việc kích giun đất bằng điện như trên thì hoàn toàn có thể được xem là hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định rõ một trong những hành vi hủy hoại đất là làm suy giảm chất lượng đất, trong đó bao gồm việc làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp.
Và theo Điều 15 của Nghị định này thì hành vi hủy hoại đất có thể bị phạt tiền với mức cao nhất lên tới 150.000.000 đồng đối với cá nhân và 300.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, đối với những đối tượng có hành vi kích giun đất bằng điện như trên dẫn đến hủy hoại đất, làm thiệt hại đến tài sản trên đất, đặc biệt là những cây cam đang đến mùa thu hoạch thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Mua bán thiết bị kích giun đất có thể bị xử phạt tới 100 triệu đồng
Những thiết bị kích giun bằng điện chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Nếu những thiết bị này được nhập khẩu mà không thực hiện thủ tục nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ, không có tem nhãn theo quy định pháp luật thì hoàn toàn có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là 50.000.000 đồng hoặc 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với những máy kích điện giun đất được chào bán, kinh doanh trái pháp luật.
Đối với các cơ sở mua bán, sơ chế giun, thực tế đã ghi nhận, những cơ sở là đầu mối thu mua và trực tiếp sơ chế giun đã thực hiện việc đổ bỏ trực tiếp những chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ những cơ sở này.
Theo Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài có thể bị xử phạt với mức cao nhất lên tới 150.000.000 đồng với cá nhân và 300.000.000 đồng với tổ chức.