Chiều 23/3, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản khẩn yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai lập dự trù, kế hoạch sử dụng và liên hệ với các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc, bao gồm TCty dược Việt Nam, Cty TNHH 1 thành viên dược phẩm TƯ 1, Cty TNHH 1 thành viên dược phẩm TƯ 2, Cty TNHH 1 thành viên dược phẩm TƯ 3, Cty TNHH 1 thành viên dược Sài Gòn, Cty CP XNK Y tế TP.HCM, Cty CP dược - thiết bị y tế Hà Nội và chi nhánh Cty CP dược phẩm ECO để đảm bảo đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và nhu cầu điều trị của BV trong trường hợp đặc biệt nói chung.
Cục quản lý Dược cũng chỉ rõ, các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ với các đối tác nước ngoài tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc điều trị ngộ độc nấm, trong đó có các sản phẩm bột pha tiêm Silibirin, biệt dược Legalon SIL của Rottapharm S.p.A - Italy và các thuốc cho nhu cầu điều trị của BV trong trường hợp đặc biệt để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các cơ sở điều trị có nhu cầu.
Ngay khi có đơn hàng nhập khẩu thuốc này, Cục quản lý Dược sẽ ưu tiên xem xét, giải quyết trong thời gian nhanh nhất.
Trao đổi với NNVN, PGS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho hay, đến thời điểm này đã có 4 bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong, 10 bệnh nhân còn lại đều trong tình trạng hôn mê sâu, suy gan rất nặng và khả năng tử vong là rất lớn nếu không sớm có gan để thay.
Trung tâm đang kết nối với các BV như Việt Đức, 108, 103... tìm kiếm nguồn gan hiến để thay cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch trên.
Từ đầu tháng 2, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai tiếp nhận 14 bệnh nhân ở Thái Nguyên và Tuyên Quang bị ngộ độc do cùng ăn loại nấm độc tán trắng, mọc hoang dại ở rừng, khe suối. Loại nấm này mọc nhiều vào mùa xuân và hè, khó phân biệt với các loại nấm tự nhiên không chứa độc tố.