| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/12/2012 , 09:04 (GMT+7)

09:04 - 25/12/2012

Ngỡ ngàng vì 2 quyết định

Các cơ quan Nhà nước quản lý tài chính - ngân hàng vừa công bố gần như đồng thời 2 quyết định đi ngược lợi ích người dân...

Các cơ quan Nhà nước quản lý tài chính - ngân hàng vừa công bố gần như đồng thời 2 quyết định đi ngược lợi ích người dân là: Tăng giá điện 5% và giảm lãi suất 1 điểm % khiến nhiều người ngao ngán.

Ngày 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bất ngờ tuyên bố tăng giá điện thêm 5% đối với điện sinh hoạt của hộ gia đình. Mức tăng 5% do Tập đoàn này công bố nằm trong giới hạn đã được Chính phủ cho phép nên không có gì đáng để nói. Vấn đề lớn nhất và gây tranh cãi nhất chính là thời điểm EVN công bố và thời hạn áp dụng quyết định kể trên. Cụ thể, ngày 21/12, khi công bố quyết định tăng giá điện, EVN có kèm theo lời biện minh rằng “giá điện tăng sẽ không tác động đáng kể đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”.

Tuy nhiên, thực chất thì chỉ số CPI của cả tháng 12 lẫn của năm 2012 đã được chốt từ gần 1 tuần trước đó vì CPI hàng tháng được tính dựa trên số liệu thị trường của 15 ngày đầu tháng chứ không “liên quan” đến biến động thị trường nửa cuối tháng. Điều thứ hai đáng lưu tâm là việc EVN vội vã công bố quyết định tăng giá, rồi lại vội vã áp dụng quyết định trên chỉ một ngày sau đó chẳng khác nào một hành động “đánh úp” khiến người dân “trở tay không kịp”. Người dân cũng chưa thể quên những lời hứa “không tăng giá điện trong những tháng còn lại của năm 2012” đã được các lãnh đạo của tập đoàn này lặp đi lặp lại sau khi nâng giá điện cách đây chưa đầy nửa năm.


Ảnh minh họa

Không chỉ EVN, một tập đoàn Nhà nước giữ vai trò độc quyền trong ngành điện, bất ngờ đưa ra quyết định đi ngược lợi ích người dân, đặc biệt là người lao động nghèo mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có quyết định tương tự khi bất ngờ giảm lãi suất huy động 1 điểm %, từ mức 9% về 8%/năm hôm cuối tuần trước.

Cũng giống như EVN, NHNN công bố quyết định kể trên vào cuối ngày thứ 6, khi hệ thống ngân hàng, tài chính đều đã chuẩn bị khóa sổ tuần làm việc, và áp dụng từ sáng thứ 2 tuần kế tiếp. Và cũng giống như đối với EVN, những người gửi tiết kiệm cũng hoàn toàn “bó tay” trước động thái này của NHNN bởi họ chẳng hề có bất kỳ cơ hội nào để đổi sổ. Trong khi đó, những người đi vay cận ngày lãi suất giảm lại “ngã ngửa” trước quyết định này bởi khi ký hợp đồng, họ chẳng hề nhận được tín hiệu nào từ các NH nên vẫn phải vay với mức lãi suất cũ và thiệt hại chắc chắn là không hề nhỏ.

Thực tế, việc lãi suất huy động giảm dần và về mức “hợp lý hơn” là điều cần thiết để dần ổn định nền kinh tế vĩ mô, giảm dần gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp SXKD đầu tư chủ yếu bằng vốn vay. Tuy nhiên, cách làm của NHNN trên vai trò người điều hành thị trường tiền tệ quốc gia lại thể hiện một thái độ không đứng về phía người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Công thương cũng không có hành động chia sẻ khó khăn đối với người dân mà lại chấp thuận đề nghị tăng giá điện của EVN trong thời điểm cuối năm vốn đã chồng chất khó khăn để EVN “tận thu” thêm 7.000 tỷ đồng của nhân dân.

Ở đây, điều quan trọng nhất không chỉ là túi tiền mà còn là vấn đề "niềm tin của người dân".